//custa.cantho.gov.vn/files/images/NAM%202022/NAM%202023/xuan%201.png

Khoa học vì cuộc sống

Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture năm 2022 là một chuỗi sự kiện diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21-12 tại Hà Nội. “ Khoa học vì cuộc sống” ,"Hồi sinh và Tái thiết" sau đại dịch,“ Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới”… là cách tiếp cận và truyền cảm hứng về niềm đam mê, thành tựu và sự cống hiến của các nhà khoa học.

Cuộc săn tìm nhà khoa học tài năng

Là Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, GS Nguyễn Thục Quyên cho biết có 970 hồ sơ đề cử từ hơn 71 quốc gia trên khắp 6 châu lục gửi về, tăng gần gấp 2 lần mùa giải đầu tiên. 50 đề cử được đánh giá cao nhất năm nay đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau - trồng trọt, vật liệu mới, công nghệ pin, y khoa. Đây cũng là điểm đặc biệt của giải VinFuture khi tìm kiếm và tôn vinh những công trình gần gũi với cuộc sống của người dân.

Có một số đề cử đến từ Việt Nam nhưng chiếm số lượng chưa nhiều, GS  Nguyễn Thục Quyên hy vọng trong những năm tới nền khoa học công nghệ Việt Nam sẽ cất tiếng nói khẳng định mình hơn nữa trên thế giới.

Chuỗi sự kiện trong suốt tuần lễ Khoa học công nghệ này là những diễn đàn đích thực. “Toàn cầu hóa trong khoa học và công nghệ”, “Thách thức và cơ hội của các nhà khoa học ở các nước đang phát triển”… là cách chia sẻ tầm nhìn, nhận thức từ các chuyên gia hàng đầu quốc tế trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam.

Trước đây, các phát kiến khoa học công nghệ đều từ châu Âu và các nơi khác, bây giờ cách mạng khoa học công nghệ có thể diễn ra trên toàn cầu; các nước đang phát triển cũng có cơ hội tham gia, GS Leslie Gabriel Valiant (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) nhận xét.

Thế giới lúc nào cũng khao khát và ngày càng tìm kiếm những tài năng tuyệt vời trong lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, để huy động và sử dụng được tài nguyên trí tuệ ở khắp thế giới, các tài năng cần môi trường nuôi dưỡng và tiếp nhận sự đầu tư lâu dài, cũng như cần một cầu nối cho các nhà khoa học được gặp gỡ, giao lưu học thuật và học hỏi lẫn nhau. GS Gérard Albert Mourou, Chủ nhân Giải Nobel Vật lý 2018 cho rằng VinFuture đang làm rất tốt vai trò quan trọng này.

"Tôi từng trăn trỡ, làm sao triển khai các hoạt động thúc đẩy khoa học công nghệ tại các nước đang phát triển, nơi kinh phí chưa nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh của Việt Nam?”, GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale, Hoa Kỳ, chia sẻ.

Cuối cùng, ông nhận ra rằng Khoa học công nghệ chính là cơ hội duy nhất với nhiều nơi, với các quốc gia đang phát triển. Cách mạng công nghiệp đã thay đổi thế giới và Việt Nam, nếu bỏ lỡ các lần trước thì lần này phải sẵn sàng bước lên con tàu",  ông nhấn mạnh tới đức tin và ý chí.

         "Đâu là bước cơ bản để thúc đẩy các nhà khoa học Việt hợp tác các nhà khoa học khác trên thế giới?", GS Jennifer Tour Chayes, Đại học California Berkeley, Hoa Kỳ, kể lại: “Khi GS Vũ Hà Văn đến với chúng tôi từ năm 1998, chúng tôi đã được làm việc với một nhà khoa học tuyệt vời. Điều đó cho thấy ở mỗi nơi đều có tài năng, không phụ thuộc xuất phát từ đâu".

      "Tài năng nào cũng cần nuôi dưỡng tới độ chín để sử dụng. GS Sir Kostya S.Novoselov (ĐH Manchester, Vương quốc Anh) chia sẻ: “Trong tương lai nào đó, Đại học không chỉ là kiến thức mà còn là môi trường để nuôi dưỡng các tài năng phát triển, là nơi tạo ra các kết quả tuyệt vời. Với cách làm của VinFuture, thực sự chỉ một tổ chức, một quốc gia cũng có nhiều cơ hội tiếp cận các công trình nghiên cứu toàn cầu. Cuộc đua trên toàn cầu luôn săn tìm tài năng khoa học, chạy đua chính là cách để tài năng phát triển.

Đừng phản lại nội lực của chính mình

“Công nghệ trên thế giới không thực sự tạo nên thay đổi cho những người nông dân, những người lao động nghèo, “GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ), nói bà từng trăn trở khi xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở Tây Nguyên, 16 năm không có điện; thấu hiểu thực tế hơn ai hết. Nhưng không có gì ngăn cản mơ ước. Thậm chí điều đó càng thôi thúc mong muốn đóng góp phát kiến khoa học tiếp cận được số đông, đặc biệt là người nghèo. Đó là một trong hai điều bà muốn nói.

Các nhà khoa học tham dự tọa đàm “ Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới”, ảnh HT

          Điều thứ hai: Mục tiêu của khoa học suy cho cùng là tò mò, khám phá và theo đuổi đến cùng. Đó là mục tiêu tối thượng và cũng là hành trình để theo đuổi. Cái đẹp của khoa học bắt nguồn từ chính việc vượt ra khỏi vùng an toàn để tự do và dũng cảm bước vào vùng mới. “Nếu ta không gõ cửa, sẽ không có cánh cửa nào mở ra cả”, GS Nguyễn Thục Quyên nói.

         GS Nguyễn Thục Quyên, khoa Hóa và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, từng được bình chọn là Trí tuệ khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới nhiều năm liền và thuộc Top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics. Con đường theo đuổi đam mê nghiên cứu của bà là cả mồ hôi và nước mắt khi phải vượt qua quá nhiều ánh mắt định kiến, thậm chí coi thường. Chấp nhận là người rửa dụng cụ thí nghiệm, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, nhà khoa học gốc Việt đã thành công với những công trình nổi tiếng thế giới như vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ.

         GS Monica Alonso Cotta, Phó Giám đốc Viện Vật lý “Gleb Wataghin” tại Đại học Campinas, Brazil, chia sẻ câu chuyện của chính mình: “Có tới 90% là nam giới nơi tôi làm việc, chỉ có 10% theo đuổi nghiên cứu lĩnh vực Vật lý như tôi. Không có những tấm gương là nữ giới để học hỏi, không có hình mẫu hướng đến và làm động lực khiến cho nữ giới ngần ngại theo đuổi khoa học, nhưng chính suy nghĩ đó là thách thức lớn nhất với các nhà khoa học nữ.

        Tương tự, vào thập niên 70, là một nữ nghiên cứu lĩnh vực Vật lý hiếm hoi và không có mấy đơn vị tiếp nhận nữ giới vào làm việc trong lĩnh vực này dù là tiến sĩ. Chính định kiến đó khiến phụ nữ thu mình lại, GS Jennifer Tour Chayes, Phó trưởng Khoa Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hộiĐại học California, Berkeley, Hoa Kỳ, nhớ lại.

Một cuộc khảo sát cấp tốc được thực hiện, có 30,1% người tham gia cho rằng rào cản từ truyền thống - văn hóa - xã hội; 25,3% cho rằng đó là vấn đề cân bằng trong cuộc sống và 12% cho đó là trách nhiệm sinh nở và nuôi dưỡng con cái. 

        Điều gì khiến nhiều nhà khoa học nữ không thể đi đến thành công trong việc đóng góp cho nhân loại? GS Thục Quyên cho rằng dù ở phương Đông hay phương Tây, ở quốc gia đang phát triển hay quốc gia phát triển - Đừng để định kiến giới cản trở bản thân. Hãy cứ ước mơ lớn, hãy biến những cản trở thành động lực để bạn bứt phá và vươn lên một tầm cao mới”, GS Quyên nói tiếp: “Và đừng quên rằng không có quy định nào yêu cầu bạn phải thành công một mình. Hãy luôn tìm kiếm sự hỗ trợ. Giải thưởng VinFuture với hạng mục dành riêng cho các nhà khoa học nữ là một ví dụ. Sẽ luôn có những tổ chức như thế để thúc đẩy sự bình đẳng trong khoa học và Quỹ VinFuture đang tạo ra sự thay đổi tích cực cho thế giới.”

“Bạn sẽ không thành công đâu vì bạn là phụ nữ! Đừng để tiếng nói vô hình ấy điều khiển bạn”, GS Chayes đưa ra lời khuyên: “Đừng phản lại nội lực của chính mình. Hãy tin rằng bạn rất giỏi và bạn xứng đáng. Chỉ cần bạn làm việc chăm chỉ, nỗ lực tối đa và hành động như thể không có sự phân biệt nào đang diễn ra. Hãy đặt ra mục tiêu lớn vì mục tiêu lớn có khả năng thành công hơn so với những người không dám đặt ra mục tiêu nào cả.”

“Bạn có người thân, bạn bè và cả đồng nghiệp nam, hãy tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ từ xung quanh”, GS Cotta khuyến khích nữ giới làm khoa học. Theo bà, bản thân mỗi nhà khoa học nữ cần định nghĩa lại khái niệm thành công. Nội hàm của thành công rất đa dạng - Thành công với mỗi người rất khác nhau. Trước hết hãy trả lời được các câu hỏi : Mình là ai? Mình đang làm gì? Điều mình làm có giá trị gì?….là cách đi đến thành công của riêng mình.

Thay lời kết

Quỹ VinFuture ra mắt vào 20/12/2020, nhân Ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại – là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh : Nhờ giải thưởng VinFuture, thế giới đã biết rõ hơn về một Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, là nhịp cầu để nhà khoa học hiện thực hóa khát vọng phụng sự nhân loại.

Giáo sư Vinton Cerf,  người được mệnh danh là một trong những "cha đẻ" của mạng Internet - đến Việt Nam để tham dự cuộc trao giải thưởng VinFuture. Ông sinh ngày 23-6-1943, là tác giả công trình tiên phong giúp biến Internet thành hiện thực, cùng với nhà khoa học Robert Elliot Kahn, xây dựng các nguyên tắc thiết kế cơ bản của mạng, TCP/IP được cụ thể hóa và tạo nguyên mẫu để đáp ứng các yêu cầu này và giám sát một số triển khai giao thức cho phép trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho Internet…Ở tuổi 79, ông vẫn hăng hái nói về mạng Internet và ước mơ vươn ra khỏi hành tinh: “Tôi sinh  ra giữa Thế chiến thứ hai. Tôi từng sống trong một thế giới còn không có cả ti vi. Sau một thời gian, nhà tôi cuối cùng cũng có điện thoại dây, nối chung đường dây với những nhà khác. Vì vậy, tôi biết rõ thế giới như thế nào khi không có ti vi, không có điện thoại di động.

Nhưng thời đại ngày nay, điều tôi lo lắng chính là chúng ta quá phụ thuộc vào điện thoại di động, quá phụ thuộc vào một số công nghệ của Internet. Nếu một ngày nó bị hỏng thì điều tồi tệ gì sẽ xảy ra? Chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về việc làm thế nào để linh hoạt ứng phó hơn, có nhiều lựa chọn dự phòng hơn, bền bỉ hơn nếu ngày nào đó gặp sự cố.

Điều hiển nhiên đầu tiên là đầu tư vào nghiên cứu và tìm ra cách biến những thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm thành những sản phẩm và dịch vụ mà đại đa số có thể sử dụng. Điều thứ hai là hãy nhớ rằng có một thế giới rộng lớn ngoài kia. Nếu chỉ tập trung vào tầm nhìn trong nước là tự bó hẹp không cần thiết.

        Trong thế giới mà chúng ta đang sống, phần lớn là phần mềm và mạng máy tính, có Internet - nhờ đó bạn có thể phân phối sản phẩm đó đến bất cứ đâu trên thế giới. Các quốc gia khác như Ấn Độ đã tận dụng điều đó, biến mình thành nguồn cung cấp phần mềm và sản phẩm chạy trên mạng. “ Không có lý do gì Việt Nam không làm được điều tương tự. Các bạn đứng trước cơ hội tăng trưởng GDP của đất nước, không chỉ bằng cách phát triển thị trường trong nước mà còn phát triển ở phần còn lại của thế giới”, Giáo sư Vinton Cerf đưa ra lời khuyên ./.

Hoàng Tuyên

Trung tâm nghiên cứu kinh doanh & Hỗ trợ doanh nghiệp ( BSA)