Theo các bác sĩ, hiện chưa có bằng chứng nào để chứng minh những ca bệnh hoại tử xương hàm gần đây do COVID-19 gây ra, tuy nhiên nhiều nhà lâm sàng đánh giá có yếu tố liên quan COVID-19.
Thế giới có 80 ca, có hơn 20 ca hoại tử xương hàm sau COVID-19 ở Việt Nam
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chỉ trong vòng tháng 6 và 7, bệnh viện đã liên tục tiếp nhận 11 trường hợp có những biểu hiện hoại tử xương hàm bất thường, trong đó có 2 ca đã tử vong, những bệnh nhân này đều có tiền căn từng mắc COVID-19[1]
Trước tình hình trên, Bộ Y tế yêu cầu 2 bệnh viện lập hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây bệnh hoại tử xương hàm mặt. Ngày 14/7, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh và Bệnh Viện Chợ Rẫy đề nghị báo cáo tình hình người bệnh hoại tử xương hàm. Chúng tôi cũng đã liên lạc để nắm thông tin, nhưng rất tiếc được cho là thông tin nội bộ nên chưa được báo cáo. [2]
Tuy vậy, chúng tôi đã thu thập thông tin về bệnh này. Các nhà khoa học trên thế giới nói gì về bệnh hoại tử xương hàm hậu COVID-19?
TS Bs. Haytham Al-Mahalawy, trưởng bộ môn Phẫu thuật Răng hàm mặt, Đại học Fayoum (Ai Cập), đã nghiên cứu và báo cáo về 12 trường hợp hoại tử xương hàm trên do hậu Covid-19. 12 người này đã chữa khỏi Covid-19 - đến khám bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt do đau nhức trong miệng độ tuổi trung bình là 56, trong đó có 7 nữ.
Triệu chứng lâm sàng, có 9 bệnh nhân bị một đoạn răng hàm trên lung lay, có 8 bệnh nhân có lỗ rò rỉ mủ, có 3 bệnh nhân sưng vòm miệng và 4 bệnh nhân bị lộ xương hoại tử kèm theo loét niêm mạc. Còn các bệnh nhân khác chỉ có đau nhức mà không nhìn thấy tổn thương thực thể. Trong khi xét nghiệm cho thấy không phát hiện sự phát triển của nấm.
Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xác định được những vấn đề sau:
1. Thời gian bắt đầu phát triển hoại tử hàm: trung bình là 5,5 tuần, tính từ ngày xét nghiệm âm tính. Khung thời gian này phù hợp với báo cáo của nghiên cứu, cho thấy khung thời gian tối thiểu để phát triển các triệu chứng hoại tử xương sau khi nhiễm Covid-19 là từ 2 - 8 tháng.
2. Thuốc điều trị Covid-19: Các bệnh nhân đều được dùng corticosteroid theo phác đồ điều trị Covid-19. Cụ thể, 5 bệnh nhân nhập viện được tiêm 6 mg Dexamethasone/ ngày x 10 ngày. Trong khi đó, 7 ngoại trú ở nhà được uống 6 mg Dexamethasone ngày x 10 ngày. Các nghiên cứu gần đây trên bệnh nhân đã phục hồi Covid-19 đã cho thấy nguy cơ phát triển hoại tử xương tăng lên khi sử dụng glucocorticoid.
Đánh giá kết quả của 11 nghiên cứu đã kết luận rằng có đủ bằng chứng về nguy cơ hoại tử xương do thiếu máu nuôi dưỡng - liên quan đến corticosteroid ở bệnh nhân Covid-19, theo ResearchGate.
Hình.1 Báo cáo về trường hợp bị hoại tử xương hàm có liên quan sau COVID-19: A-Ảnh chụp cho thấy lỗ rò rỉ nhiều mủ chảy ra ở hàm trên. B- Kết xuất thể tích ba chiều của Chụp cắt lớp vi tính (CT) -Quét cho thấy đoạn hàm trên bên phải bị hoại tử kéo dài đến xoang hàm phải và hướng về phía răng cửa trái hàm trên. C-Bộc lộ xương hoại tử qua đường rạch. D Thiết đoạn xương hàm trên. E Mức độ khuyết tật sau phẫu thuật và vết thương khâu kín.
Sau khi đánh giá các kết quả, nhà nghiên cứu Haytham Al-Mahalawy kết luận rằng, nhiều yếu tố có khả năng góp phần gây ra chứng hoại tử xương hàm hậu Covid-19. Trong đó có 4 nguyên nhân chính như sau:
- Chính coronavirus (COVID-19) tác động lên việc điều hòa ACE-2 và trạng thái viêm quá mức và tăng cytokine và rối loạn điều hòa miễn dịch và tình trạng tăng đông máu.
- Các corticosteroid và các loại thuốc sinh học (như kháng thể đơn dòng Tocilizumab) để điều trị hội chứng viêm và cơn bão cytokine.
- Các bệnh đồng nhiễm do vi khuẩn hoặc nấm.
- Các bệnh như tiểu đường, làm suy giảm miễn dịch cơ thể.[3].
Tất cả những yếu tố trên có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của chứng hoại tử xương hàm.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tuổi trẻ online (2022) Hơn 20 ca hoại tử xương hàm sau COVID-19 ở Việt Nam, cả thế giới chỉ 80 ca. Báo tuổi trẻ 14/07/2022
[2] Sức khỏe đời sống (2022) Bộ Y tế yêu cầu 2 bệnh viện lập hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây bệnh hoại tử xương hàm mặt.
[3] H. Al-Mahalawy et al., “Post-COVID-19 related osteonecrosis of the jaw (PC-RONJ): an alarming morbidity in COVID-19 surviving patients,” BMC Infect. Dis., vol. 22, no. 1, pp. 1–9, 2022, doi: 10.1186/s12879-022-07518-9.
Ths. Bs Trần Thúy Hồng
Đại học Quốc tế Hồng Bàng
(Tổng hợp tư liệu)