Trong nghiên cứu đầu tiên công bố trên tạp chí PLOS Medicine, các chuyên gia tại Viện Karolinska ( Thụy Điển) đã theo dõi sức khỏe tim mạch và não bộ của 1.449 người Phần Lan từng tham gia vào một nghiên cứu quy mô lớn tiến hành trong giai đoạn 1972-1988. Sau thời gian này có 744 trường hợp còn sống, không bị chứng mất trí nhớ và được tiếp tục theo dõi đến năm 2008. Sức khỏe tim mạch của người tham gia được đánh giá từ giai đoạn trung niên cho đến cuối đời dựa trên 6 yếu tố nguy cơ – bao gồm 3 yếu tố về hành vi (tình trạng hút thuốc, hoạt động thể chất, chỉ số khối cơ thể) và 3 yếu tố sinh học (đường huyết lúc đói, tổng lượng cholesterol, huyết áp).
Khi so sánh với nhóm có kết quả đánh giá ở mức “kém” về khả năng bảo vệ sức khỏe tim mạch tại thời điểm trung niên, các chuyên gia nhận thấy nhóm đạt kết quả ở mức đánh giá “ vừa” và nhóm đạt kết quả ở mức “lý tưởng” đã tương ứng giảm 29% và 48% nguy cơ mất trí nhớ. Tương tự, hai nhóm bảo vệ sức khỏe tim mạch ở mức “vừa” và mức “lý tưởng” trong cả giai đoạn tuổi trung niên và cuối đời cũng lần lượt giảm 75% và 86% nguy cơ bị sa sút trí tuệ, so với nhóm thực hiện ở mức độ “kém”.Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện trên chứng tỏ việc duy trì sức khỏe tim mạch suốt đời – đặc biệt là bằng cách không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên và giữ cân bằng hợp lý – có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già. “Nói chung, thứ gì tốt cho tim mạch thì cũng tốt cho não. Tim và não kết nối chặt chẽ với nhau khi con người già đi. Vì vậy, tim khỏe thúc đẩy não khỏe và bảo tồn chức năng não, từ đó làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ”, đồng tác giả Chengxuan Qiu cho biết.
Còn trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Hypertension của Hiệp hội Tim Mỹ, các nhà khoa học ở Đại học Liên bang Minas Gerais (Brazil) nhấn mạnh tình trạng huyết áp tăng cao ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể đẩy nhanh tốc độ suy giảm khả năng nhận thức. Để đưa ra cảnh báo trên, họ đã phân tích dữ liệu liên quan đến huyết áp và chức năng nhận thức của hơn 7.000 người Brazil có tuổi trung bình là 59. Trong thời gian theo dõi 4 năm, người tham gia được kiểm tra khả năng ghi nhớ, chức năng điều hành và nói chuyện lưu loát. Nhóm nghiên cứu nhận thấy tăng huyết áp liên quan đến tình trạng suy giảm hoạt động nhận thức nhanh hơn từ tuổi trung niên trở lên. Ngoài ra, tình trạng suy giảm nhận thức cũng xảy ra bất kể một người bị tăng huyết áp trong bao lâu, nghĩa là huyết áp cao xuất hiện dù trong thời gian ngắn cũng ảnh hưởng đến chức năng não. Trước phát hiện mới, các tác giả cho rằng việc kiểm soát tốt huyết áp ở bất kỳ tuổi nào cũng giúp làm giảm hoặc ngăn chặn nguy cơ suy giảm nhận thức.
Lâu nay, huyết áp cao được coi là “cao thủ thầm lặng” đối với sinh mệnh của bệnh nhân, do tình trạng này thường không có triệu chứng rõ ràng. Do vậy, mọi người cần thường xuyên theo dõi huyết áp để phòng ngừa các biến cố tim mạch. Tiến sĩ Ryan Townley, chuyên gia thần kinh học tại Đại học Kansas (Mỹ), cho biết có nhiều phương pháp giúp điều trị tăng huyết áp hiệu quả. Ngoài uống thuốc, bệnh nhân có thể áp dụng các thay đổi về lối sống, bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, hạn chế ngồi lâu, ngủ đủ giấc, giảm mỡ thừa và không hút thuốc.
Theo bài viết của An Nhiên (Báo Cần Thơ ngày 18-12-2020)