Kê Nội Kim: vị thuốc thông thường hiệu quả cao

Kê Nội Kim còn gọi là Kê hoàng bì, màng mề gà.

Tên khoa học: Corium Stomachichum galli.

Kê Nội Kim là lớp màng mỏng màu vàng phủ toàn bộ mặt trong của mề gà hay dạ dày con gà - Gallus domastucus baisson họ phasia midea.

Thành phần hóa học trong Kê Nội Kim có chất protit và chất vị kích tố (Ventruculin).

* Công dụng, liều dùng: Vị thuốc cổ truyền trong nhân dân Việt Nam và Trung Quốc, vị thuốc được ghi trong thần nông bản thảo và bản thảo cương mục.

Tính vị: Vị hơi ngọt, tính bình vào kinh phế và tỳ, có tác dụng tiêu thủy cốc, lý tỳ vị.

* Tác dụng:                           

Dùng trong đau bụng, ăn không tiêu, bụng đầy chướng, nôn mửa, lỵ, viêm đại tràng, tiêu tiểu ra máu.

Dùng ngoài da chữa mụn nhọt, ghẻ lở.

Liều dùng: 2 - 5 g dưới dạng thuốc bột.

Các bậc tiền bối và sách sử lưu truyền từ đời này sang đời khác là như thế nhưng các nhà nghiên cứu ra vị thuốc này ít khi áp dụng trên chính bản thân mình.

Tôi xin mạn phép các bậc tiền nhân minh chứng (chứng cứ) trên bản thân mình để bạn đọc tham khảo tăng thêm lòng tin khi dùng Kê Nội Kim. Tôi bị viêm đại tràng, mạn tính sau hậu lị amible từ tháng 9/1957 đến nay 55 năm.

Biểu hiện lâm sàng:

          Đau âm ỉ quanh khung đại tràng;

          Bụng sôi bụp bụp theo khung đại tràng;

          Tiêu đàm, ít máu, không mót rặn;

          Tiêu lỏng,  phân sền sệt, không đóng thành khuôn, mỗi ngày (24 giờ) tiêu trung bình 9 - 10 lần có lúc 12 - 13 lần, rất nhạy cảm với thức ăn mỡ, dầu, thức ăn lạ, cá thịt nấu không chín. Nhiều lúc đi cầu không kịp (tiêu trong quần) tuy cầu cách phòng ngủ 4 - 5 m, thường 4 - 5 giờ sáng phải đi cầu, khi mắc tiêu không kiềm chế đựơc 1 - 2 phút.

Được chẩn đoán của các y tá, y sĩ, bác sĩ và các giáo sư Tây y và các cụ lương y là viêm đại tràng mạn tính sau hậu lỵ.

Điều trị: thuốc chữa Amible - thuốc viêm đại tràng mạn thể co thắt, tăng tiết - cả thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc Tây. Khi đang dùng thuốc giảm tiêu lỏng ngày tiêu 4 -5 lần giảm sôi ruột theo khung đại tràng, giảm đau ê ẩm vùng bụng ngưng điều trị bệnh trở lại như cũ.

          Các giáo sư tiêu hóa đề nghị  chẩn đoán nội soi Đại tràng, tôi ngại không nội soi tiếp tục uống thuốc Ofrisoid - Berbérein, Smasta, liều cao và các thuốc Bắc - thuốc Nam có tác dụng đại tràng khi dùng thuốc thì số lượng đi cầu giảm ngày 4 - 5 lần phân nhão. Khi mắc tiêu phải đi ngay, chậm 1 vài phút tiêu chảy trong quần, khi đi tàu, xe đường xa tôi phải uống một lúc 3 - 4 viên OFrisoid.

Sau cùng tôi quyết định ngưng tất cả các thuốc về tiêu hóa cả thuốc Tây và thuốc Bắc. Tập trung uống Kê Nội Kim, rang màu vàng tán mịn (Rang vàng 2 - 3 lần) đề phòng cúm A H5N1 của gà.

Cách dùng: Uống trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 1 giờ 30 phút, mỗi lần 5 g cho nước sôi quậy đều lúc thuốc còn âm ấm. Uống sáng - trưa - tối. Sau uống 3 đến 5 ngày tự cảm nhận:

          Không còn sôi bụng - không còn ê ẩm khung đại  tràng;

          Không còn tiêu chảy, ngày tiêu 1 - 2 lần, phân không đóng khuôn có màu cà phê, khi mắc tiểu tự kiềm chế 30 - 40 phút.

Tôi bị phì đại tiền liệt tuyến uống Tédanan, Xetral nhưng tiểu 3 - 4 lần trong đêm, khi dùng Kê Nội Kim chữa bệnh viêm Đại tràng đi tiểu 1 - 2 lần trong đêm.

Viêm hầu họng, tăng tiết đàm giải, ho do viêm phế quản mạn tính của bản thân cũng giảm rõ rệt.

Trước đây tôi đã trực tiếp dùng Kê Nội Kim rang vàng tán mịn rắc lên cuống rốn trẻ sơ sinh bị mưng mủ, nhày ướt không khô do các mụ vườn đở đẻ chỉ rắc vài lần là khô không còn mủ.

Dùng Kê Nội Kim chữa viêm tai ngoài tăng tiết dịch, làm mủ, thổi bột tán mịn Kê Nội Kim 1 vài lần, tai khô, sạch mủ.

Dùng Kê Nội Kim chữa các vết loét lở ngoài da - viêm amydal, viêm hầu họng… đều đạt kết quả tốt.

Kê Nội Kim là vị thuốc bình thường, không tốn tiền mua, đối với tôi nó là vị thuốc kì diệu - chữa viêm đại tràng mạn, hơn 55 năm căn bệnh cứ mãi dày vò, làm ăn không ngon ngủ không yên. Hiện nay đi cầu bình thường, tuy phân chưa đóng khuôn, ăn uống không phải kiên cử như trước, mắc đi cầu tự kiềm chế 40 - 50 phút.

Để tiện việc sử dụng ngành dược nên chế biến Kê Nội Kim thành viên nén hoặc viên hoàn, viên tể để tiện cho bệnh nhân dùng./.

 

Bài viết: BSCKII Bảy Đồng Minh - Hội Y học Thành phố Cần Thơ