Một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế từ sinh vật cảnh ở Đồng bằng sông Cửu Long
Trong quá trình phát triển người Việt Nam xem sinh vật cảnh là nếp sống văn hoá là tình cảm gắn bó thân thiết với con người, làng mạc, quê hương. Tuy nhiên, trong cơn lốc đô thị hoá, công nghiệp hoá gần 30 năm qua, nhiều làng nghề truyền thống dần dần bị mai một (trong đó có làng hoa). Hà Nội đã mất đi làng hoa Nhật Tân…, thành phố Hồ Chí Minh không còn làng hoa Gò Vấp, thành phố Cần Thơ có thể mất đi làng hoa Bà Bộ trong tương lai. Mặt tiêu cực dần dần xuất hiện, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, một số lượng lớn lao động nông thôn phải bỏ ruộng vườn tìm đến thành phố mưu sinh. Tương tự như các địa phương khác trên cả nước, đất nông nghiệp của các tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng ngày càng bị thu hẹp do tiến trình đô thị hoá. Nhằm đảm bảo giá trị sản xuất nông nghiệp không những không giảm mà còn tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, việc chuyển đổi cơ cầu cây trồng vật nuôi là một yêu cầu cấp thiết.
Hình: mô hình trồng cây kiểng lá màu
Ngành sinh vật cảnh thật sự đã được Nhà nước vận động xây dựng từ năm 1976. Tuy nhiên, đến những năm đầu của thế kỷ 21, sinh vật cảnh mới được quan tâm đúng mức. Tại Hội nghị toàn quốc Sinh Vật Cảnh Việt Nam năm 2004, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu phát triển nguồn giống sinh vật cảnh, ngành Văn hoá - Thông tin gắn các hoạt động lễ hội, du lịch để quảng bá tiềm năng sinh vật cảnh Việt Nam (Theo báo Thanh Niên, số 131 (3061)). Đây là lần đầu tiên Thủ Tướng đã đề cập những vấn đề cốt lõi của sinh vật cảnh là giống, thị trường và quảng bá, cũng như đã chỉ rõ các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm cụ thể các vấn đề trên.
Hiện nay, phong trào nuôi trồng sinh vật cảnh phát triển mở rộng khắp nơi. Đứng về mặt văn hoá, đây là một biểu hiện tốt, chứng tỏ đời sống kinh tế đã khá hơn, môi trường sống ngày càng tốt hơn. Đứng về mặt kinh tế thì đáng lo hơn đáng mừng bởi sự tự phát, không định hướng của phong trào, hẳn sẽ theo vết xe cũ: “được hàng dội chợ” vì cung vượt cầu như các phong trào trồng cây ăn trái. Trong lúc chúng ta vẫn còn loay hoay với quy hoạch, định hướng, tìm kiếm biện pháp phát triển thì các nước như Thái Lan, Singapore đã tiến một bước xa trong sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Riêng Trung Quốc từng bước trở thành nước sản xuất hoa lớn nhất thế giới, trong khi vào những năm đầu thập niên 80, công nghiệp sản xuất hoa tươi gần như không tồn tại ở nước này.
Trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, những quyết sách nhằm phát huy thế mạnh của sinh vật cảnh, nhưng hiện nay thu nhập của ngành sinh vật cảnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa thực sự xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có của nó, còn rất nhiều dư địa để phát triển. Trước tình trạng trên, ngành sinh vật cảnh ở ĐBSCL cần phải làm gì để tồn tại và phát triển?
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SINH VẬT CẢNH
1. Quy hoạch vùng sản xuất hoa cảnh: Để sản xuất phát triển thì chính sách, đất đai phải rõ ràng, ổn định lâu dài. Nhà nước cho thuê đất dài hạn 20-50 năm, miễn thuế sử dụng đất. Các khu sản xuất phải gắn liền với địa phương, sử dụng lao động tại chỗ và tạo ra mô hình kiểu mẫu để chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại khu vực đó. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông phải thuận tiện, điện và quan trọng nhất là nước tưới.
2. Giống: Do phát triển theo hướng thị trường nên phải cân nhắc quy luật cung cầu, thời trang (mode), đổi mới…Muốn nghĩ đến việc xuất khẩu thì lai tạo là nền tảng cơ bản, cần biết rằng đây là sản phẩm thời trang, đổi mới liên tục, chủng loại, hình dạng màu sắc. Tuy nhiên, không thể có giống nào mới trên thế giới thì cứ nhập khi không tìm hiểu kỹ, nhân giống tràn lan chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước trước mắt với giá rẻ nên không thể tạo một nền sinh vật cảnh vững chắc. Việt Nam là một trong những nước có nguồn hoa kiểng bản địa hoang dại phong phú và đặc sắc, nhất thiết phải có nhiều nghiên cứu, sưu tập và bảo tồn nguồn gốc hoa kiểng bản địa, phải “đăng ký” sở hữu trí tuệ. Từ đó, tạo hướng đi vững chắc cho công tác lai tạo và nhân giống mới đặc sắc của Việt Nam. Công việc này đòi hỏi phải có vườn sưu tâp, giống sưu tầm gồm các giống ngoại, giống mới, lạ và giống bản địa độc đáo của Việt Nam, đây là cơ sở để nghiên cứu nuôi trồng, lai tạo để tạo ra các giống mới đặc sắc cho Việt Nam trong tương lai.
3. Tiêu thụ:
Tiêu thụ là đầu ra, là yếu tố quyết định sự phát triển của cơ sở sản xuất sinh vật cảnh. Cần dành lấy thị trường trong nước là biện pháp hỗ trợ cho việc sản xuất sinh vật cảnh một cách tích cực trong thời gian ban đầu, là bàn đạp cho việc xuất khẩu được thuận lợi. Thành lập hợp tác xã qui tụ người làm kinh tế sinh vật cảnh. Đây là nơi định hướng cho sản xuất thực hiện bao tiêu sản phẩm, tiếp thị và phân phối
4. Thuế và cải tiến hành chính:
Trong xuất khẩu sinh vật cảnh, yếu tố thời gian là vô cùng quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Vì vậy, mọi thủ tục phải nhanh gọn là cần thiết. Cần công bố các văn bản pháp qui để nâng đỡ, hỗ trợ cho ngành sinh vật cảnh phát triển sản xuất như các chính sách thuế, ngân hàng, đất đai...Miễn thuế xuất khẩu các loại giống sinh vật cảnh, bổ sung các loại hình kinh doanh giống hoa, cây kiểng, cá cảnh...vào danh mục giống cây trồng, vật nuôi để được hưởng chính sách ưu đãi chung.
5. Đào tạo nghề, thành lập trung tâm tư vấn về sản xuất sinh vật cảnh:
Trung tâm tư vấn có vai trò cung cấp các chuyên viên, cố vấn kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh,... Đặc biệt, quan tâm đào tạo nghề chất lượng cao. Như chúng ta đã biết, sinh vật cảnh ngày nay đã trở thành một trong bảy nhóm ngành phát triển nông thôn, là một trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp được xét công nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định 919 của Thủ tướng Chính phủ. Sinh vật cảnh cũng rất phù hợp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, góp phần phát triển kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.
Một khi sinh vật cảnh phát triển sẽ kéo theo, một khối lượng lớn công ăn việc làm không những cho lực lượng lao động trong ngành sinh vật cảnh mà còn các ngành liên quan. Mặc dù hiện nay chúng ta đang đi sau một số nước trong khu vực trong ngành sinh vật cảnh, nhưng chúng ta có lợi thế về lực lượng lao động nhạy bén với khoa học kỹ thuật, điều kiện khí hậu môi trường rất thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên hoa cảnh phong phú. Kết hợp với những giải pháp trên nếu được triển khai một cách thiết thực, chúng tôi tin rằng trong thời gian không lâu chúng ta sẽ bắt kịp và thậm chí vượt qua Thái Lan để đứng đầu trong sinh vật cảnh ở Đông Nam Á là điều có thể.
Ths. Mai Vũ Duy (Uỷ viên Ban thường vụ, Hội Sinh vật cảnh Tp. Cần Thơ)
Thạc sĩ ngành Khoa học cây trồng
Thạc sĩ ngành Quản lí đô thị và công trình.