//custa.cantho.gov.vn/files/images/NAM%202022/NAM%202023/xuan%204.jpg

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19 và trong bất ổn thế giới

Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn về số người mắc và nhiều lĩnh vực liên quan cuộc sống con người trên toàn thế giới. Trong số các quốc gia, Việt Nam là một trong những nước được đánh giá có sức khôi phục khả quan và khá nhanh sau khi dịch tạm lắng. Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế của Viện chính sách Australia-Việt Nam (AVPI), đưa ra phân tích về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 như sau, giữa những mảng màu ảm đạm của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Yếu tố tiên quyết của nền tảng phục hồi là tình hình tiêm chủng toàn xã hội dịch COVID-19. Nhiều học giả quan tâm đến Việt Nam bất ngờ khi thấy 100% dân số trên 18 tuổi đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 và đang bắt đầu tiêm đại trà cho trẻ từ 5 tuổi. Việt Nam hiện vẫn là trong số các nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, được Quốc hội chuẩn y với gần 90% phiếu thuận, tăng thêm sức mạnh hành động cho guồng máy. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đổi mới để giảm tắc nghẽn về thể chế và cơ sở hạ tầng, đồng thời bảo đảm tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Chính phủ đã cam kết tăng chi tiêu cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng và duy trì hỗ trợ kinh doanh ở mức nhất định.

Thêm vào đó, ngân hàng thế giới (WB) đã cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2022 đã có chuyển biến ấn tượng, GDP tăng 2,5% năm 2021 đến 7,5% trong năm 2022, trong khi mức độ lạm phát trung bình cả năm là 3,8%.

Dòng vốn đầu tư công phục hồi cuối năm 2022 và sẽ khả quan hơn trong năm 2023, khi Chính phủ tái tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội. Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, tăng năng suất và thu nhập. Các hiệp định hợp tác kinh tế khu vực được triển khai gần đây cũng đang giúp làm sâu sắc hơn nữa các liên kết chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài, đồng thời mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Về mặt tái cấu trúc kinh tế, Việt Nam có nhiều thay đổi về cơ cấu trong các ngành như nông nghiệp, dịch vụ logistics, tiêu chuẩn hóa, tài chính và thương mại điện tử.

Song song đó, nỗ lực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam là một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí quốc tế tuần qua. Với tựa đề "Điều gì đằng sau cuộc chiến chống tham nhũng mới nhất của Việt Nam", bài viết đăng tải trên Bloomberg đã phân tích về chiến dịch phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, một nỗ lực của chính phủ nước này. Theo ông Thomas Bo Pedersen, Tổng Giám đốc Công ty Mascot Việt Nam và Lào: "Điều này cho thấy Đảng và Chính phủ phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống". "Tôi cho rằng những hành động mạnh mẽ này của Việt Nam rất đáng hoan nghênh, đặc biệt là với ngay cả những quan chức cấp cao. Đây là một động thái tích cực và hy vọng rằng sẽ được duy trì. Điều này cũng giúp tăng hiệu quả trong hoạt động và quản lý doanh nghiệp của chúng tôi", ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham Vietnam) cho biết thêm.

Hơn thế nữa, theo Deutsche Welle (quốc tế công báo toàn cầu Đức) mới đây cũng đăng bài viết đánh giá hoạt động kinh tế sôi động của Việt Nam trong những năm gần đây là yếu tố thu hút sự chú ý của các công ty châu Âu. Thành tựu đáng khích lệ là chỉ số minh bạch trong ngân sách Việt Nam đã được đánh giá là 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017 (chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần).

Phân tích nguyên nhân của sự tăng trưởng cho thấy:

Thứ nhất, là chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư công, khi rơi vào khủng hoảng. Sự đầu tư này thể hiện rõ qua sự hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại kết nối toàn quốc. Hạ tầng giao thông không chỉ là đường bộ, đường không mà cả đường thủy. Kinh nghiệm của Trung Quốc khi họ hoàn tất mạng lưới giao thông hiện đại trước khi cất cánh chiếm ngôi vị ngôi sao kinh tế thứ hai, của thế giới. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh từng bày tỏ nông sản phong phú tại ĐBSCL cần một hệ thống cảng biển xứng tầm với tiềm năng phát triển của vùng, quy hoạch đường bộ, đường thủy, logictics gắn với cảng biển. Ngân hàng Thế giới dự kiến Việt Nam sẽ chi 25 tỷ USD/năm cho cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới.

 

"Nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á quý I/2022". Ảnh báo chính phủ

 

Thứ hai, chính phủ đã huy động khoảng 20% nguồn vốn từ khu vực tư nhân, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài để kiến tạo hệ thống công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật kinh tế số cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là một bước đi thực tế trong nghị trình phục hồi sau đại dịch.

Thứ ba, để đầu tư phát triển đúng hướng của trào lưu thế giới, tạo sự bền vững và trở nên thuyết phục, kế hoạch kêu gọi phải hướng mục tiêu đến một nền kinh tế xanh, đầy thách thức trong lộ trình phát triển. Ngay trong tâm dịch năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những tuyên bố trách nhiệm và thực tế của Việt Nam Hội nghị thượng đỉnh về môi trường COP 26 tại Anh trong cuộc chuyển đổi kinh tế xanh với quy mô toàn cầu cho thấy sự thấu suốt về biến đổi khí hậu. "Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân". Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây yêu cầu các quy hoạch hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, hạn chế tối đa đầu tư đường dây truyền tải.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, mặc dù hạ tầng cứng còn rất thiếu, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc hay hạ tầng mềm của Việt Nam đã tiến bộ nhảy vọt trong thập kỷ qua, đủ sức tạo đà cho giấc mơ kinh tế số trở thành hiện thực. Để phục vụ cho nền kinh tế số, Việt Nam đang gấp rút hoàn tất các nguồn dữ liệu lớn về dân cư và các thủ tục hành chính, pháp lý. Đại dịch COVID-19 trong hai năm qua cho thấy sự cần thiết dữ liệu lớn và kinh tế số thiết yếu như thế nào đối với công cuộc phát triển quốc gia. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh mới đây tuyên bố thành phố lớn nhất nước sẽ là "thành phố digital". Thay đổi cả hệ thống thành số hóa quả là thách thức vô cùng lớn. Thách thức đầu tiên chính là từ hệ thống đào tạo, từ các trường dạy nghề cho đến các đại học và viện nghiên cứu. Nếu hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng không gấp rút đổi mới thì siêu dự án số hóa sẽ gặp khó khăn lớn về nhân lực.

Ngoài ra, số hóa đã là công cụ trợ thủ hiệu quả cho việc phát hiện sự lừa dối và thao túng thị trường của một số người. Với số hóa, những người thao túng không dễ dàng vượt qua những căn bản đạo đức kinh doanh. Các chương trình "không tiền mặt" đã được Chính phủ ban hành, sẽ giúp tăng độ "trong suốt và minh bạch" trong nền tài chính và thuế quốc gia.

Thứ năm, giữ vững sự trung lập trong xung đột thế giới đe dọa tăng trưởng. Chiến tranh vẫn là rủi ro lớn nhất nguồn cung toàn cầu đối với mọi thứ, từ thực phẩm đến nhiên liệu. Giá nguyên vật liệu toàn cầu tăng vọt gần đây đã tác động đáng kể đến ngành sản xuất của Việt Nam và có thể trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biết: "Áp lực lạm phát đang gia tăng, thúc đẩy bởi giá dầu tăng cao đã thúc đẩy chi phí trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề".

Trong nhận định mới nhất, WB cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất ổn toàn cầu gia tăng liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, bất luận khó khăn địa chính trị thế giới đang phủ mây trên nền kinh tế thế giới, sức khỏe kinh tế của Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục, như một số nguồn uy tín thế giới nhận định. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/12, tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm 2021 xuất siêu 3,32 tỷ USD), đồng thời là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đất nước, chiếm 25,2 tỷ USD các lô hàng. Các doanh nghiệp toàn cầu vẫn tiếp tục chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Ngày 15/3 vừa qua chúng ta đã quyết định mở cửa đất nước cho khách du lịch nước ngoài, điều này được cho là sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng.

 

Tuy nhiên, để củng cố thành quả kinh tế, giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Carolyn Turk, nhận định “để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức độ khả quan, Việt Nam cần tăng sản lượng 2-3% mỗi năm”. Ông chia sẽ thêm, “kinh nghiệm quốc tế trong phục hồi kinh tế sau thảm họa, những vấn đề sau đây cần đặc biệt quan tâm; Sự cạnh tranh về lực lượng lao động sẽ hình thành nhiều nhu cầu hiệu quả dài hạn cho Việt Nam”. Thực trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao do hệ thống đào tạo của Việt Nam còn chưa đáp ứng, bị phân mãnh hiện là vấn đề cốt lõi mà chính phủ Việt Nam phải chấp nhận đầu tư nguồn kinh phí lớn hơn vào đào tạo và cải tổ mạnh mẽ nền giáo dục hiện hữu vốn dựa vào từ chương thiếu thực nghiệm. Báo cáo nhấn mạnh để trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 Việt Nam phải chuẩn bị và cung ứng 3,8 triệu sinh viên được đào tạo theo nền giáo dục chất lượng cao, tăng gấp đôi so với năm 2019. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải chú ý các nguy cơ về biến thể COVID-19, các thách thức trong nước bao gồm nguy cơ lạm phát và các nguy cơ của hệ thống tài chính.

Phương Toại

Tổng hợp từ thông tin trong nước và quốc tế

Tài liệu tham khảo

1. Cổng thông tin điện tử bộ tài chính (2022) Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19 [online 14.6-2022]

2. Báo điện tử chính phủ (2022) Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Làm gì để hồi phục nhanh hơn? [online 22-5-2022]

3. The World Bank (2022) Vietnam economics the forcast in 2022 [online 8-8-2022]

4. Bộ kế hoạch và đầu tư (2022) Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 [online 29-12-2022]

5. Báo điện tử VTV News (2022) Quốc tế đánh giá cao nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam [online 13-6-2022]