1. Tóm tắt lịch sử phát triển của Dinh dưỡng học
Từ xa xưa, con người đã nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với sức khỏe. Hypocrates (460-377 TCN) là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên đề cập đến vai trò của dinh dưỡng trong việc duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Ông khuyến cáo rằng chế độ ăn uống cần phải linh hoạt, phù hợp với độ tuổi, công việc và điều kiện thời tiết. Hypocrates đã nhấn mạnh vai trò của thực phẩm như một phương tiện điều trị: “Thức ăn cho bệnh nhân phải là một phương tiện điều trị và trong phương tiện điều trị phải có chất dinh dưỡng.”
Tại Việt Nam, danh y Tuệ Tĩnh cũng có câu nói nổi tiếng: “Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn,” phản ánh mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe. Đến thế kỷ 19, bác sĩ người Anh Prout đã phân loại chất dinh dưỡng thành ba nhóm chính: Protein, Lipid, và Glucid. Năm 1943, Viện Hàn Lâm Khoa học Mỹ công bố bảng nhu cầu dinh dưỡng cho con người, tiếp đó vào năm 1997, Việt Nam đã chính thức ban hành bảng nhu cầu dinh dưỡng cho người dân nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Dinh dưỡng học không chỉ nghiên cứu các thành phần dinh dưỡng của thức ăn mà còn tìm ra các giải pháp can thiệp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, ngăn ngừa bệnh tật và điều trị các bệnh lý thông qua chế độ ăn uống hợp lý.
2. Mối liên quan giữa dinh dưỡng, sức khỏe và bệnh tật
Sự thiếu hụt hoặc dư thừa dinh dưỡng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác, đã từng khẳng định: “Có thuốc mà không có ăn cũng đi đến chỗ chết,” nhấn mạnh sự quan trọng của dinh dưỡng trong phòng bệnh và điều trị. Các bệnh do thiếu dinh dưỡng như bệnh scorbut (do thiếu vitamin C) và bệnh tê phù (do thiếu vitamin B1) là những ví dụ rõ ràng về tác hại của việc thiếu hụt dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, tình trạng dư thừa dinh dưỡng, đặc biệt là dư thừa các chất béo, đường và muối, cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và béo phì. Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn có tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch. Các vitamin như A, C, E cùng với các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng và selen đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Hình minh họa mối liên hệ dinh dưỡng và sức khỏe (ảnh intenet)
3. Dinh dưỡng và sức khỏe trong mùa đông
Mùa đông là thời điểm cơ thể dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng và mắc các bệnh nhiễm khuẩn do thay đổi nhiệt độ và lối sống ít vận động. Để duy trì sức khỏe tối ưu trong mùa đông, cần chú ý đến một số nguyên tắc dinh dưỡng sau:
3.1 Chế độ ăn uống hợp lý
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Mùa đông là thời điểm dễ thiếu hụt vitamin D, C và các khoáng chất như canxi và magiê. Các thực phẩm như cá hồi, trứng, các loại rau lá xanh (rau chân vịt, cải kale), quả cam, quýt và các loại hạt sẽ giúp bổ sung các dưỡng chất này.
- Sử dụng thực phẩm có tính ấm: Trong mùa đông, các thực phẩm như gừng, tỏi, hành tây, và các loại gia vị như quế có tác dụng làm ấm cơ thể và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Những thực phẩm này không chỉ giúp giữ ấm mà còn tăng cường hệ miễn dịch.
- Ăn đủ chất xơ và chất béo lành mạnh: Các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, và dầu thực vật như dầu hạt cải, oliu sẽ cung cấp chất xơ và chất béo không bão hòa, giúp duy trì sức khỏe tim mạch và tăng cường khả năng chống lại bệnh tật.
3.2 Uống đủ nước
Mặc dù mùa đông có cảm giác ít khát hơn mùa hè, nhưng cơ thể vẫn cần đủ nước để duy trì các chức năng sinh lý bình thường. Nước giúp duy trì độ ẩm cho da, cải thiện chức năng tiêu hóa và giúp cơ thể loại bỏ độc tố. Cần bổ sung nước thường xuyên, đặc biệt là khi ăn các món ăn cay nóng hoặc thực phẩm chế biến từ dầu mỡ.
Thay vì nước lạnh, uống nước ấm hoặc trà thảo mộc để kích thích tuần hoàn máu và làm ấm cơ thể. Tránh ăn thực phẩm lạnh như kem, đồ uống đá vì dễ làm tổn thương tỳ vị, giảm sức đề kháng
3.3 Duy trì chế độ vận động hợp lý
Vào mùa đông, nhiều người có xu hướng hạn chế vận động thể chất do thời tiết lạnh. Tuy nhiên, việc duy trì một thói quen vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga hoặc các bài tập tại nhà giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện tâm trạng và tăng cường sức đề kháng.
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Cùng với các yếu tố khác như môi trường sống, lối sống và chăm sóc y tế, một chế độ dinh dưỡng hợp lý là nền tảng vững chắc để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Ở Việt Nam, nền y học dân tộc đã có truyền thống sử dụng thực phẩm như một phương tiện để phòng ngừa và điều trị bệnh tật. Các sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ từ nguồn tài nguyên bản địa đang ngày càng được chú trọng, đặc biệt là trong bối cảnh người dân và thế hệ trẻ đang quan tâm đến sức khỏe và môi trường. Hãy xây dựng cho mình thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, chú trọng thực phẩm tươi, mùa nào thức nấy và lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
. Ths. Lê Thị Thúy Kiều, BSCKI. Trần Quốc Lực
Tài liệu tham khảo
- Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, 2012.
- Vương Đào, Dinh dưỡng bị thất truyền, Nhà xuất bản Dân trí, 2022.
- Trần Đáng, Thực phẩm chức năng, Nhà xuất bản Y học, 2019.
- Trần Đáng, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Nhà xuất bản Y học, 2005.
- Hà Huy Khôi, Dinh dưỡng dự phòng các bệnh mạn tính, Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, Nhu cầu dinh dưỡng, khuyến nghị cho người Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2016.