Đó là câu hỏi đặt ra không chỉ cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp mà còn cho cả các nhà khoa học trong các tổ chức nghiên cứu.
Trước thế kỷ 20, khái niệm tài sản trên thế giới chỉ gồm có tài sản tiền tệ và tư bản (tài sản hữu hình). Sau thế kỷ 20, các doanh nghiệp nhận thấy rằng giá trị của một công ty trên thị trường luôn luôn lớn hơn giá trị theo sổ sách của công ty. Bởi ngoài tài sản hữu hình nhìn thấy được thì doanh nghiệp còn có tài sản rất có giá trị khác đó là tài sản vô hình (tài sản trí tuệ: sáng chế, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu…). “Nếu như trong năm 1975, tức cách đây hơn 4 thập kỷ, tỷ trọng của những tài sản vô hình chỉ chiếm khoảng 17% giá trị doanh nghiệp, thì 20 năm sau, con số này đã tăng lên 68% và đến năm 2015, tài sản vô hình chiếm 84% giá trị doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp tài sản vô hình chiếm trên 90% giá trị doanh nghiệp. Còn lại những giá trị hữu hình như thiết bị, máy móc, nhà xưởng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ”, bà Hà Thu Nguyệt - Cục Sở hữu trí tuệ đã chia sẻ tại buổi tập huấn tại Cần Thơ vào tháng 6 năm 2018 như vậy. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất của tài sản vô hình, theo bà Hà “Một khi vốn trí tuệ trở thành tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp, nó sẽ mang lại giá trị vô cùng lớn”, bà khẳng định.
Bà Hà Thu Nguyệt - Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ tại buổi tập huấn tại Cần Thơ.
Đó là vấn đề trong doanh nghiệp, còn trong các tổ chức nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước việc quản trị tài sản trí tuệ ra sao? Thực trạng hiện nay, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu (tài sản trí tuệ) trong các tổ chức (trường Đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức…) chưa được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, nhiều đề tài nghiên cứu xong được “xếp vào ngăn kéo” gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Hàng năm, ngân sách nhà nước dành ra gần 2% cho lĩnh vực khoa học công nghệ (năm 2015 là 17.390 tỷ đồng chiếm 1,52% tổng chi ngân sách nhà nước).
Theo tài liệu, tại buổi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội (ngày 12/6/2015), nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã cho biết đề tài khoa học "xếp ngăn kéo" thường có ba loại: Thứ nhất là những đề tài nghiên cứu cơ bản. Đây là những nghiên cứu đi trước thời đại, và phải có thời gian chờ đợi đến lúc nào đó mới ứng dụng được. Đơn cử như nghiên cứu chất bán dẫn do người Mỹ sáng chế từ những năm 1960 nhưng đến năm 1970 mới được người Nhật áp dụng rộng rãi và rất hiệu quả trong các thiết bị điện tử. Thứ hai là những đề tài nghiên cứu ứng dụng. Loại nghiên cứu này phải kèm theo đầu tư từ đó mới có sản phẩm thương mại ứng dụng ra thực tế. Tuy nhiên trong nước hiện nay không có nhiều doanh nghiệp có nhiều vốn nên có những đề tài nghiên cứu tốt nhưng không tìm được địa chỉ và phải chờ đợi đầu tư. Loại thứ ba, ông Quân thừa nhận, là một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự và nghiên cứu ra không thể áp dụng được. Đây là những đề tài nghiên cứu không xuất phát từ thực tế mà xuất phát từ sở thích của người làm khoa học. Cho nên khi nghiên cứu xong không thể ứng dụng được vào thực tế. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân còn cho biết hàng năm ngân sách nhà nước dành ra 3.000 tỉ đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Từ đó, đặt ra vấn đề làm thế nào để quản trị có hiệu quả tài sản trí tuệ từ các nghiên cứu khoa học sao cho mang lại hiệu quả cao nhất, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước? Đây là câu hỏi khó đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể hiệu quả từ các nhà quản lý.
Hoài Ân.