Hội nghị tập huấn những quy định mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) khu vực miền Nam.

 

Ngày 14/11/2024, tại Khách sạn Mường Thanh Grand Sài Gòn Centre, thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn quy định mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Description: C:\Users\ASIA\Desktop\z6030915885934_c4f2b995010306288e11b4a92ccd1a4e.jpg

Ông Lê Trung Giang, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Cần Thơ tham dự hội nghị

Tham dự hội nghị có 100 đại biểu: lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành; Lãnh đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, thành phố gồm: TP. Hồ Chí Minh; TP. Cần Thơ; Bình Dương; Bến Tre; Tiền Giang; An Giang; Kiên Giang; Bạc Liêu...khu vực miền Nam; các sở, ban, ngành, các Cơ quan nhà nước có liên quan và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị do bà Trần Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) .

Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, đến nay hệ thống các văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về cơ bản đã hoàn thiện, các cơ quan, cấp có thẩm quyền cần tiến hành triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  nhằm kịp thời đưa Luật đi vào cuộc sống, trong đó, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những quy định mới của Luật cho các đối tượng liên quan trên toàn quốc. Đồng thời, cũng đã giới thiệu tổng quan về hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tập huấn, hướng dẫn cho các đại biểu nhiều nội dung quy định quan trọng liên quan đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi như: Phạm vi, đối tượng áp dụng và làm rõ các khái niệm mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; Quyền, trách nhiệm của người tiêu dùng, trách nhiệm và hành vi bị nghiêm cấm của tổ chức, cá nhân kinh doanh – Giải quyết tranh chấp tiêu dùng; Bảo vệ người tiêu dùng trong một số trường hợp cụ thể (giao dịch đặc thù, thương mại điện tử, người tiêu dùng dễ bị tổn thưởng, …); Quyền, trách nhiệm và hoạt động chính của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng; một số quy định về trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

  

Đại biểu tham dự hội nghị

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là một trong những vấn đề quan tâm của toàn xã hội, bởi vì hoạt động này chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của toàn xã hội nhất là trong tình hình hiện nay, số vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Các hình thức kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới đang trở nên phổ biến, mang đến nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi một số đối tượng xấu lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, lợi ích người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật gồm 7 chương và 80 điều, nhiều quy định tại các văn bản dưới luật. Trong đó, điểm mới là quy định bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quy định về người có ảnh hưởng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số...

Hội nghị cũng được nghe đại diện Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận về hoạt động quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương và kiến nghị giải pháp thúc đẩy hiệu quả. Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam cũng trình bày một số khó khăn và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Với vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi. Tại Hội nghị, ông Mai Văn Dũng, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Truyền thông Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) đã trình bày một số hoạt động  của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang  được triển khai theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Trong đó có hệ thống Tư vấn, giải quyết khiếu nại trực tuyến của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam với sự liên thông, kết nối tới các Hội tỉnh, thành phố trực thuộc và các cơ quan, đơn vị  có thẩm quyền trên phạm vi toàn quốc./.

Lê Trung Giang

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Cần Thơ