Nằm trong hoạt động của Hội nghị giao ban thường niên, ngày 21/8/2015 tại TP. Đà Nẵng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg (Quyết định 14) và Thông tư số 11/2015 – TT – BTC (Thông tư 11) về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của LHHVN.
Ông Phan Tùng Mậu và ông Nghiêm Vũ Khải – PCT LHHVN
Theo ông Phan Tùng Mậu và ông Nghiêm Vũ Khải – PCT LHHVN điều hành hội nghị cho biết: Quyết định số 14 đã quy định đề án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHHVN và các hội thành viên gồm: Các đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng; Các chương trình, dự án lớn, công trình quan trọng quốc gia; chương trình, dự án lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức…
Quang Cảnh hội Nghị
Bên cạnh cơ chế cơ quan nhà nước đặt hàng và Liên hiệp hội chủ động đề xuất nhiệm vụ thì cơ chế này sẽ phát huy tối đa khả năng tham gia của Liên hiệp hội trong các dự thảo mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đây có thể xem là bước tiến trong cải cách cơ chế chính sách nhằm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của LHHVN, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16 tháng 4 năm 2010 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của LHHVN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ông Nguyễn Kim Hiệu – CT LHH Quảng Ngãi
Về Thông tư 11, đây là Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của hệ thống LHHVN bao gồm: LHH ở Trung ương và các hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành toàn quốc , Liên hiệp Hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo tinh thần của thông tư thì hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHHVN là hoạt động mang tính chất xã hội, độc lập khách quan, không vì mục đích lợi nhuận. Việc phê duyệt các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần gắn với việc phê duyệt dự toán kinh phí và dự kiến các nguồn kinh phí thực hiện. Các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội có sử dụng ngân sách nhà nước phải được xây dựng và thực hiện phù hợp với định mức kinh tế, kỹ thuật hiện hành, chế độ, định mức chi tiêu và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước….
Ông Trần Đình Yến – CT LHH Sơn La
Các đại biểu tham dự hội nghị đến từ các địa phương đều đánh giá cao tính pháp lý của các văn bản này, nhưng cũng chỉ ra những khó khăn bất cập của từng địa phương trong quá trình thực thi do đặc thù của từng địa phương có sự khác nhau. Một số ý kến cho rằng đây không phải là điều các nhà khoa học quan tâm nhất nhất. Điều quan tâm nhất là những ý kiến đóng góp tâm huyết của họ có được lắng nghe và tiếp thu không. Điều này đòi hỏi một mặt từ phía cơ quan, tổ chức được phản biện phải thấy được đây là một nhu cầu cần thiết, bổ ích cho chương trình, dự án mà họ sẽ triển khai; mặt khác phía LHH Việt Nam phải nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội sao cho khoa học hơn, thực tiễn hơn, xây dựng hơn.
Tin sưu tầm (H.A)
(Nguồn: vusta.vn)