Truyền thông được hiểu là quá trình trao đổi thông tin, tương tác thông tin với nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức. Khái niệm truyền thông còn được hiểu là sản phẩm của con người, là động lực kích thích sự phát triển của xã hội.
Với sức mạnh to lớn và lan tỏa trong cộng đồng rất nhanh chóng, truyền thông không chỉ ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống mà còn ảnh hường đối với hệ thống nhà nước. Nhờ truyền thông nhà nước có thể đưa ra các chính sách kinh tế, văn hóa xã hội, luật pháp tiếp cận đến người dân một cách nhanh nhất. Dựa vào truyền thông nhà nước có thể tuyên truyền, đưa ra các thăm dò ý kiến của dư luận để cải thiện bộ máy cũng như chính sách mở rộng phát triển đất nước trong đó có khoa học công nghệ.
Thông qua truyền thông, giúp công chúng và các cơ quan quản lý có thêm nhiều thông tin chính xác hơn về KH&CN, phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Nhiều thông tin KH&CN đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới.
Chuyển giao KH&CN thông qua các Dự án KH&CN “Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất rau non an toàn thành phố Cần Thơ
Theo Luật Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2013 từng đưa ra định nghĩa về hoạt động khoa học và công nghệ như sau: “Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.”
Từ định nghĩa trên chúng ta có thể thấy được việc phát triển khoa học công nghệ là yêu cầu rất quan trọng trong đó truyền thông khoa học công nghệ là chìa khóa để khoa học công nghệ có thể tiếp cận gần hơn với con người và ứng dụng vào việc phát triển kinh tế xã hội. PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Truyền thông KH&CN tạo nguồn lực cho quá trình hoạch định chủ trương, chính sách; có vai trò tham mưu, tư vấn, phản biện cho các chủ trương, chính sách góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước; giúp các nhà hoạch định chủ trương, chính sách đưa ra những mục tiêu và giải pháp phát triển phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi. Không chỉ vậy, truyền thông về KH&CN còn góp phần giảm thiểu chi phí về thời gian và tiền bạc cho quá trình hoạch định chủ trương, chính sách.
Để truyền thông đúng, chính xác và đạt hiệu quả, khi tiếp cận thông tin, các phóng viên, nhà báo cần có hiểu biết chuyên sâu về khoa học, công nghệ để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở thành vấn đề dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả; cần tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ truyền thông giỏi cả chuyên môn và nghiệp vụ báo chí; có kinh phí đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên về khoa học và công nghệ, đào tạo nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ khoa học, thậm chí có cả những khóa đào tạo trong nước và nước ngoài; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở truyền thông chuyên nghiệp.
Cơ quan quản lý khoa học và công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng những chương trình, hoạt động thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Khi nhận thức của toàn xã hội về khoa học và công nghệ thay đổi, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ thực sự là một trong những yếu tố quyết định của quá trình phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện nay.
Các cơ quan báo chí cần chú trọng và tăng cường các hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ trên tất cả các kênh: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tăng cường mạng lưới các websites về thông tin khoa học và công nghệ. Các đài phát thanh, truyền hình nên có các kênh khoa học hấp dẫn phát sóng liên tục . Cần tổ chức các kênh để nhà khoa học giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông, chủ động kết nối với giới truyền thông.
Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật cần chủ động đề xuất kế hoạch, chương trình hợp tác với cơ quan truyền thông để đẩy mạnh hoạt động đào tạo, trao đổi thông tin, cập nhật kiến thức khoa học công nghệ cho người làm báo chuyên nghiệp. Đồng thời, nâng cao khả năng truyền thông của các nhà khoa học để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ truyền thông khoa học và công nghệ.
Đặc biệt nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa về cơ chế, chính sách để hệ thống cơ quan Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật từ trung ương đến địa phương là nơi tập hợp trí thức khoa học công nghệ, phát huy vai trò cầu nối, thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thúy Kiều