Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt - Nhìn từ góc độ giao lưu, tiếp biến văn hóa

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ GIAO LƯU, TIẾP BIẾN VĂN HÓA

Trần Hữu Hợp

Hội Khoa học Xã hội & Nhân văn thành phố Cần Thơ

         Khái niệm

Thờ cúng tổ tiên là tục lệ của nhiều dân tộc ở châu Á, đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên và văn hóa các nước Đông Nam Á. Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành một thứ tín ngưỡng, được thể chế hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Mục 2, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ghi: “Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội”[A]; là đạo Thờ cúng tổ tiên[B]; là Tôn giáo dân gian[C] có đầy đủ các yếu tố: 1) Quá trình hình thành và niềm tin tồn tại lâu dài; 2) Các thực thể thiêng (linh hồn, thần, thánh, ma quỷ); 3) Các thực hành nghi lễ (tế, khấn lễ); 4) Cơ sở thờ tự (bàn thờ tổ tiên, nhà thờ dòng họ); 5) Văn bản đi kèm (chúc văn, văn khấn)... đảm bảo các thuộc tính của tôn giáo theo các chiều kích: tính lịch sử, tính tập thể, tính tài liệu, tính biểu tượng, tính kinh nghiệm và nhạy cảm. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang tính phổ biến đối với người dân Việt Nam, hầu như người Việt Nam nào cũng có tâm thức thờ cúng tổ tiên và thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa hẹp, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là sự thờ cúng cha mẹ, ông bà và các thế hệ tổ tiên đã qua đời, có cùng huyết thống với chủ thể thờ cúng. Nghĩa rộng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ trong phạm vi huyết thống từ gia đình đến họ tộc mà còn mở rộng ra cả tổ tiên làng xã, đất nước, bao gồm thờ những người có công lập làng, dựng nước, giữ nước và những vị thần linh liên quan đến cuộc sống thường nhật của con người.

         Hoạt động Thờ cúng tổ tiên được thực hiện vào lúc nào?

Hoạt động thờ cúng tổ tiên được người Việt thực hiện vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) được tính theo âm lịch. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ, Tết trong năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Một số gia đình còn thắp hương trước bàn thờ tổ tiên hằng ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ. Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử... người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công.

        Ý nghĩa của hoạt động thờ cúng tổ tiên

Hoạt động thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời trong văn hóa người Việt. Về hình thức thể hiện, các lễ vật cúng bái có thể thay đổi theo thời gian, theo vùng miền; về ý nghĩa thì tục lệ thờ cúng tổ tiên càng về sau càng được bổ sung, hoàn thiện:

Đó là, lòng biết ơn, sự hiếu thuận của con cháu đối với các bậc sinh thành, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc.

Đó là, niềm tin của người còn sống đối với những người đã khuất trong gia tộc. Cúng giỗ là hoạt động giao lưu giữa người còn sống và người đã chết. Những người đã chết trở thành thần hộ mệnh, chở che dẫn dắt hậu thế.

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có ý nghĩa duy trì, tăng cường tình thân trong quan hệ gia tộc. Những ngày lễ, Tết hoặc ngày kỷ niệm một người thân qua đời, là những dịp để con cháu ở các nơi hội tụ, cùng nhau gặp gỡ hàn huyên để kết chặt mối thâm tình, đồng thời thăm nom an ủi ông bà cha mẹ, và những người còn sống.

Thờ cúng tổ tiên có chức năng giáo dục. Sự tin tưởng vào linh hồn ông bà cha mẹ ngự trên bàn thờ, có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống. Nhiều người vì sợ linh hồn cha mẹ buồn đã tránh những hành vi xấu xa, khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc đó lúc sinh thời cha mẹ có chấp nhận hay không. Người ta không muốn làm cho linh hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình mà mang tội bất hiếu. Những hoạt động xuất sắc của người đã chết trở thành tấm gương sáng, niềm tự hào của gia tộc, được con cháu đời sau học tập noi theo.

Thờ cúng tổ tiên là chuẩn mục đạo đức của người Việt. Người Việt coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành, là một truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Thờ cúng tổ tiên ở cấp độ làng xã, quốc gia – Thờ cúng thành hoàng, tổ nghề, vua Hùng, mẫu tổ Âu Cơ… có chức năng cố kết cộng đồng làng xã, hướng người dân về cội nguồn, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ bao giờ?

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành vào lúc nào trong tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam? Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ra đời ở trong nước, hay được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam? Những vấn đề này hiện đang gây ra nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu khoa học xã hội.

Chưa có căn cứ chắc chắn để xác định thời điểm ra đời của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt. Chỉ có thể khẳng định tín ngưỡng này đã có từ rất lâu đời trong văn hóa người Việt. Một số người căn cứ vào một số đặc điểm tương đồng về mặt nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt khi so sánh với người Hoa đã cho rằng sự thờ cúng tổ tiên của người Việt về cơ bản bắt nguồn từ sự thờ cúng tổ tiên ở người Hoa. Cùng quan điểm này, Hà Văn Tăng và Trương Thìn viết: “Thờ cúng tổ tiên có thể lúc đầu cử hành trong người Hán, rồi lan sang người Việt. Và đến một thời điểm nào đó thì trở thành phong tục phổ biến của người Việt”[D].

Nguyễn Đăng Duy không đồng tình với quan điểm trên, ông cho rằng: “Việc thờ cúng tổ tiên của người Việt đã có cái gốc, cái nền nội sinh chứ không phải do từ Trung Quốc xâm nhập vào như nhiều sách báo từ trước tới nay đã khẳng định”[E].

Nguyễn Thị Hải Yến đồng tình với quan điểm của Nguyễn Đăng Duy, đã đưa ra những cơ sở nội sinh của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt[F]: đó là sự ra đời của chế độ thị tộc phụ hệ, kết quả của việc công cụ sản xuất phát triển, việc sử dụng công cụ đồng rồi sắt đã có tác động mạnh đến sản xuất kéo theo sự phân công lao động giữa trồng trọt, chăn nuôi và thủ công ngày càng rõ rệt. Bên cạnh đó, nhu cầu bảo vệ và mở rộng lãnh thổ do người đàn ông có sức mạnh cơ bắp hơn nữ giới đảm nhiệm. Từ yêu cầu sản xuất đến nhu cầu lãnh thổ đã nâng địa vị của người đàn ông lên hàng đầu. Cùng với sự biến đổi từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ, trình độ sản xuất của xã hội ngày càng cao, của cải làm ra ngày càng nhiều, đã xuất hiện vấn đề thừa kế tài sản. Quyền thừa kế tài sản theo dòng họ cha đã củng cố vững chắc vị trí của người đàn ông trong xã hội. Bằng uy tín của mình, những người đàn ông đã củng cố và thiêng hóa sự thờ cúng tổ tiên từng manh nha trong thời kỳ thị tộc mẫu quyền. Trong xã hội có giai cấp, vị trí của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội càng được khẳng định, tạo điều kiện cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phát triển mạnh.

Nền kinh tế tiểu nông theo kiểu tự cung tự cấp đã tồn tại lâu dài trong xã hội Việt Nam là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất độc lập, cũng là nơi tiêu thụ chính sản phẩm do họ làm ra. Vì vậy, tâm thế, tình cảm của người Việt thường hướng vào gia đình nhỏ của mình. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến thờ cúng tổ tiên ở cấp độ gia đình ra đời, tồn tại và phát triển.

Một trong những tiền đề quan trọng dẫn đến sự hình thành tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng là trình độ tư duy, nhận thức của con người. Để tín ngưỡng hình thành thì trình độ nhận thức, tư duy trừu tượng của con người phải đạt đến một mức độ nhất định. Khảo cổ học Việt Nam đã có những phát hiện rằng người Việt cổ đã có những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sơ khai.

Ngoài yếu tố nhận thức, còn có một số yếu tố tâm lý góp phần hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng người Việt. Đó là sự kính trọng và lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, ông bà. Truyền thuyết về sự tích bánh dầy, bánh chưng thời Hùng Vương đã cho thấy lòng hiếu thảo, sự kính trọng và biết ơn của con cái đối với các bậc sinh thành đã có từ rất lâu trong văn hóa người Việt, là cơ sở tâm lý cho sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

       Các tôn giáo tiếp thu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – Tiếp biến thành niềm tin tôn giáo

Tôi tán thành quan điểm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ra đời từ nền tảng văn hóa người Việt và có những biến đổi, tiếp biến, hoàn thiện theo thời gian trong quá trình tiếp xúc với các nền văn hóa khác. Trong quá trình một nghìn năm Bắc thuộc, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt đã chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Đạo giáo. Khi các tôn giáo ngoại nhập như Phật giáo, Công giáo truyền vào Việt Nam… đã có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt với giáo lý của Phật giáo và Công giáo. Khi các tôn giáo nội sinh ra đời như Bửu sơn Kỳ hương, Tứ ân Hiếu nghĩa, Phật giáo Hòa hảo, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phần giáo lý của đạo, trở thành niềm tin tôn giáo.

Tam giáo - Nho, Phật, Đạo ảnh hưởng đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt: Nho giáo còn được gọi là đạo Khổng, là một hệ thống đạo đức, triết học xã hội, triết lý giáo dục và triết học chính trị do Khổng Tử đề xướng và được các môn đồ của ông phát triển với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, trong đó con người biết ứng xử theo lẽ phải và đạo đức, đất nước thái bình, thịnh vượng. Nho giáo đề cao tinh thần “Trung quân vương, hiếu phụ mẫu”. Sau này, một danh nho thời Tống là Trình Di đã đặt vấn đề sinh con trai nối dõi tông đường cũng là bổn phận của người con có hiếu.

Tại Trung Quốc, Phật giáo phải đối diện với Nho giáo và Đạo giáo. Tuy nhiên, 3 tôn giáo này không bài xích, xung đột mà dần dung hợp với nhau. Khi Tam giáo đã làm xong quá trình thấm quyện vào nhau, tự điều chỉnh, hình thành các xu hướng mới, phân công phân nhau trong đời sống văn hóa xã hội. Nho giáo chi phối cách tổ chức nhà nước và xã hội, giáo dục thi cử, có tác dụng quyết định đến luân lý. Phật giáo và Đạo giáo chi phối trong đời sống hàng ngày và sinh hoạt kinh tế nông nghiệp của người dân. Người dân tin ở Trời, bái Thần linh và thờ cúng tổ tiên. Cả Phật giáo và Đạo giáo đều khuyến thiện, mà “thiện” của 2 tôn giáo này đều là hiếu với cha mẹ, tôn kính bề trên và trung với vua với nước, yêu thương, cứu giúp, tránh không làm điều tham lam độc ác với người khác. Nói cách khác, làm điều thiện cũng có nghĩa là tôn trọng thể chế và quy phạm đạo lý của Nho giáo. Do vậy, Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo cùng tồn tại, bổ sung cho nhau theo tinh thần “Tam giáo quy nguyên” chứ không tạo nên xung đột tôn giáo. Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc, với chính sách đồng hóa cưỡng bức của tập đoàn phong kiến phương Bắc, thế giới quan, nhân sinh quan Phật, Nho, Đạo giáo đã ảnh hưởng sâu đậm đến tín tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Hội nhập văn hóa về tôn kính tổ tiên của Giáo hội Công giáo Việt Nam[G]: Công giáo là một tôn giáo độc thần: chỉ tôn thờ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên trong Mười điều răn của Đức Chúa Trời, điều thứ tư dạy người tín đồ Công giáo phải “Thảo kính cha mẹ”. Tính chất độc thần được áp dụng theo cách cứng nhắc tại các quốc gia Phương Đông thời kỳ tiền Vatican II, các nhà truyền giáo Phương Tây thời kỳ này đã gặp những thách thức trước truyền thống văn hóa Phương Đông – thờ cúng ông bà, tổ tiên. Đạo Công giáo cấm người tín đồ không được thờ cúng ông bà, tổ tiên nên khi truyền đến các nước Phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Dưới con mắt người dân, Công giáo là đạo “bỏ ông bà”, nên không được hoan nghinh, chào đón. Công việc truyền giáo gặp nhiều khó khăn. Từ đó, đặt ra cho những người có trách nhiệm của Giáo hội Công giáo cần phải có sự điều chỉnh. Ngày 08/12/1939, Bộ Truyền giáo của Tòa Thánh Vatican đã ra Huấn Thị Plane Compertum Est để điều chỉnh cách thức nhìn nhận các giá trị văn hóa Phương Đông. Huấn thị Plane Compertum Est (1939) cho phép: Người Công giáo được phép tham dự các nghi lễ kính Đức Khổng, trước hình ảnh hoặc bài vị mang tên Ngài trong các văn miếu hay trường học” (tiết 1); hay: “Phải coi là được phép (licites) và xứng hợp (conven – ables) tất cả những cử chỉ cúi đầu và những biểu lộ khác có tính cách tôn trọng dân sự trước những người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ” (tiết 4). Sau Huấn thị Plane Compertum Est, Ngày 20.10.1964, Toà Thánh đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est, về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt Nam. Ngày 14/6/1965 Hội đồng Giám mục Việt Nam ra Thông Cáo về việc tôn kính tổ tiên. Quyết nghị ngày 14/11/1974, Hội đồng Giám mục Nam Việt Nam chấp thuận và yêu cầu phổ biến trên toàn quốc Thông cáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1965. Đồng thời nhấn mạnh lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên và nghi lễ tôn kính vị thành hoàng được thực hiện với tính cách chủ động.

Sau một quá trình chuẩn bị chu đáo, từ tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các đấng bản quyền, đến thành lập một uỷ ban để tiến hành xác lập và đề ra những áp dụng thực hành tôn kính tổ tiên. Ngày 07 tháng 10 năm 2019, Văn Kiện Hướng Dẫn Việc Tôn Kính Tổ Tiên của Ủy Ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam được ký ban hành để áp dụng thử nghiệm trong 3 năm. Văn kiện hướng dẫn gồm 4 phần: phần một: đưa ra những định hướng; phần 2: hướng dẫn thực hành; phần 3: những nghi thức và lời nguyện mẫu trong lễ cưới hỏi; phần 4: những nghi thức và lời nguyện mẫu trong lễ tang và giỗ kỵ. Các nghi thức và những lời nguyện mẫu dành cho các dịp cưới hỏi và tang lễ, là những gợi ý không mang tính bắt buộc như các văn bản Phụng Vụ chính thức. Tuy nhiên đây là những hướng dẫn rất cần thiết cho giáo dân Công giáo trong quá trình hội nhập văn hóa.

Ngày nay, việc thực hành tôn kính tổ tiên của giáo dân Công giáo Việt Nam đã khá tương thích với văn hóa Việt Nam. Từ việc lập bàn thờ gia tiên đến việc tổ chức lễ gia tiên vào các dịp cưới, hỏi, tang ma, giỗ kỵ tại gia đình Công giáo cũng như việc người Công giáo tham gia các nghi thức thờ cúng gia tiên của người ngoài Công giáo.

Các tôn giáo nội sinh: Bửu sơn Kỳ hương (1849); Tứ ân Hiếu nghĩa (1867); Phật giáo Hòa hảo (1939) ra đời tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Cả 3 tôn giáo này đều lấy pháp môn “Học Phật, Tu Nhân” làm tôn chỉ hành đạo. Điều 1, Hiến chương Phật giáo Hòa hảo ghi: “Tôn chỉ hành đạo của Phật giáo Hòa hảo là “Học Phật, Tu Nhân”, tại gia cư sĩ, lấy việc báo đáp Tứ ân (Ân Tổ tiên cha mẹ, Ân Đất nước, Ân Tam bảo, Ân Đồng bào Nhơn loại) làm căn bản tu hành”[H]. Điều 2, Hiến chương Phật giáo Hòa hảo tiếp tục xác định: “Nghi thức thờ cúng, hành lễ thực hiện theo tinh thần vô vi được Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy trong quyển thứ sáu: trong nhà có bàn thờ ông bà, bàn thờ Phật thờ Trần dà (khuôn vải toàn một màu dà, không chữ, không dấu hiệu), có tôn trí chân dung của Đức Huỳnh Giáo Chủ để chiêm ngưỡng, trước nhà có bàn thông thiên”. Như vậy, các vị giáo chủ Đoàn Minh Huyên, Ngô Lợi, Huỳnh Phú Sổ của các tôn giáo nội sinh Bửu sơn Kỳ hương, Tứ ân Hiếu nghĩa, Phật giáo Hòa hảo đã tiếp thu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, biến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thành niềm tin tôn giáo. Đến đời Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ thì Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã trở thành tôn chỉ hành đạo, giáo lý của đạo, được thể chế hóa trong Hiến chương của Phật giáo Hòa hảo. Điều đó càng làm cho niềm tin của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trở nên sâu sắc, bền vững do được cộng hưởng bởi niềm tin tôn giáo.

     Kết luận

Các tôn giáo, tín ngưỡng trong quá trình hình thành và phát triển, giáo lý tôn giáo, niềm tin tín ngưỡng trong quá trình hình thành và phát triển đều có sự kế thừa và tiếp thu có chọn lọc các yếu tố văn hóa của các nền văn hóa khác. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt có cốt cách riêng: đối tượng thờ cúng là tổ tiên người Việt, lễ vật dâng cúng là các sản vật do người Việt làm ra, lễ nghi thờ cúng do người Việt thực hiện, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hoàn thiện phù hợp với văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt. Trong xu thế hội nhập văn hóa của thế giới ngày nay, việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một giải pháp góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc./.

 

GHI CHÚ

 

[A] Luật số: 02/2016/QH14, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Hà Nội, ngày 18/11/2016, Mục 2, Điều 2

[B] Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên, 1996), Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, trang 311

[C] Nguyễn Quốc Tuấn; Nguyễn Ngọc Mai - Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 – 2021, trang 112

[D] Hà Văn Tăng, Trương Thìn: Tín ngưỡng và Mê tín, Nxb. Thanh Niên, 1999, tr.150, Mục 2, Điều 2

[E] Nguyễn Đăng Duy: Văn hóa tâm linh, Nxb. Hà Nội, 1996, tr.181.

[F] Nguyễn Thị Hải Yến: Nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người Việt http://www.nxbctqg.org.vn/ngun-gc-th-cung-t-tien-ca-ngi-vit-.

[G] Trần Hữu Hợp: Những biến đổi trong thực hành nghi lễ Công giáo ở Nam Bộ theo hướng hội nhập văn hóa, Kỷ yếu hội thảo khoa học do Đại học KHXH&NV TPHCM tổ chức năm 2020.

[H] Hiến chương Phật giáo Hòa hảo, Điều 1 và Điều 2

https://phatgiaohoahao.org.vn/news/?ID=96&CatID=24