TÌM HIỂU THÊM VỀ MÚA HÁT DÙ KÊ TRONG TẾT CHOL-CHNĂM-THMÂY CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ.
Người Khmer Nam Bộ từ lâu đời đã có một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo. Đặc biệt về nghệ thuật sân khấu, người Khmer có đóng góp rất quan trọng trong kho tàng văn hóa – nghệ thuật Khmer Nam Bộ, đó là đã khai sinh ra hai loại hình nghệ thuật sân khấu là Rô băm và Dù kê. Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long là những người yêu thích nghệ thuật. Phần lớn họ biết hát, biết múa những bài bản dân ca, dân vũ Khmer cơ bản, đơn giản, dễ nhớ, như các điệu múa Lâm thol, Saravan, Lâm lêv,… đặc biệt, họ rất thích sân khấu Dù kê.
Một vở dù kê của người Khmer
Theo “Bách khoa Từ điển” thì: Dù kê là kịch hát truyền thống của nghệ thuật sân khấu hát và múa của người dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh. Được sắp xếp như tuồng dài, kết cấu giống cải lương. Nội dung diễn tả tình yêu quê hương đất nước, nét thân tình của các dân tộc. Được xem là món ăn tinh thần của người dân tộc miền Tây”.
Dù kê là cách gọi của người Khmer ở Việt Nam dùng và gọi bằng tiếng Việt. Chính xác trong tiếng Khmer không có cụm từ "Dù kê". Theo Từ điển của Ngài Đại đức Cố Tăng thống, Nhà nghiên cứu Khmer học và Phật giáo Campuchia Joun Nath thì trong tiếng Khmer chỉ có từ Yike (Dì kê), viết theo chữ Khmer. Tuy nhiên, hiện nay chương trình giảng dạy văn hóa Khmer của trường Đại học Trà Vinh lại cho rằng tên gọi của nghệ thuật này là Dù kê.
Sân khấu Dù kê là tổng hòa các loại hình nghệ thuật, như: ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa và ẩm thực... mang đặc trưng riêng của người Khmer. Hiện còn có ý kiến khác nhau về nguồn gốc ra đời của Sân khấu Dù kê, nhưng nhiều người cho rằng, nơi khai sinh ra Sân khấu Dù kê chính là vùng đất Ba Sắc (Sóc Trăng) và người có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật Sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ chính là ông Lý Cuôn (Chhà Kọn).
Múa hát Dù kê phải có cốt truyện từ lúc mở đầu đến lúc kết thúc, được sắp xếp theo chương hồi. Người hát vừa hát diễn nội dung, ý nghĩa của phần đó và phần hồi sắp diễn ra sự kiện nào đó. Mỗi lời hát phải có điệu múa theo điệu nhạc, thể hiện nét di chuyển cả chân và tay thật khéo léo. Người hát và người múa đều phải hóa trang thành những bậc đê vương, ông hoàng, bà hoàng...
Nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (sông Hậu). Sở dĩ có tên gọi này vì dù kê do chính người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long sáng tạo nên vào khoảng đầu thế kỷ XX trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó như Rô-băm, Dù kê... Về tên gọi và nguồn gốc xuất xứ của dù kê còn tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau.
Múa hát dù kê
Nghệ thuật Dù kê có sự kết hợp độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian với sự nâng đỡ, phụ họa của âm nhạc cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống, như: dàn nhạc ngũ âm, đàn cò, thổi sáo, thổi kèn... và có đề tài, cốt truyện rõ ràng. Các vở diễn Dù kê thường giản dị về cốt truyện, sâu sắc về nội dung và nhẹ nhàng trong từ ngữ nhằm chuyển tải ý đồ giáo dục. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát đều kèm theo các điệu múa, sự kết hợp giữa tay và chân. Các tích tuồng của sân khấu dù kê thường được khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại, huyền thoại của dân tộc Khmer. Ngoài thể hiện lại các tuồng tích xưa, các đoàn nghệ thuật Khmer còn dựng các vở dù kê mang tính xã hội đương đại.
Với bất kỳ tích tuồng nào, nội dung chủ đạo của mỗi vở Dù kê thường theo mô típ chính tà phân minh, chính diện - phản diện, thiện - ác, tôn vinh cái tốt, lên án cái xấu. Phương châm của vở diễn luôn là chính thắng tà, thiện thắng ác, làm điều lành, tránh điều dữ, làm điều phải, tránh điều sai. Ngoài các vở diễn lấy từ các điển tích Khmer, nghệ sĩ Dù kê còn sử dụng điển tích truyện cổ Việt, Hoa và sáng tác các vở kịch như: Thạch Sanh chém Chằn, Chuyện chàng Tum nàng Tiêu.
Chủ đề chính trong những vở kịch đó chính là sự ca ngợi lòng hướng thiện của những con người bình thường trong cuộc sống; đồng thời lên án những thói hư tật xấu, sự tham lam của những kẻ coi trọng đồng tiền hơn nghĩa tình. Nói cách khác, những câu chuyện dân gian là tiếng lòng của người Khmer Nam Bộ, phản ánh quy luật tồn tại của xã hội: ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Nhân vật Dù kê có hai tuyến: Thiện – Ác. Nhân vật tượng trưng cho cái Thiện là vua, hoàng tử, công chúa… và đó là những con người thực tế, đời thực. Vai “Thiện” thường do nam thủ vai chính. Họ thường đóng vai vua, hoàng tử, Tiên ông, hay là một bậc anh hùng cái thế, đứng ra cứu giúp mọi người khỏi cơn hoạn nạn. Bên cạnh vai chính nam luôn có vai chính nữ, đó là người phụ nữ, người vợ đức hạnh. Ngoài hai vai chính ra còn có các vai phụ: thị nữ, quân lính. Đối lập với vai “Thiện” là vai “Ác”, đại diện là Chằn tinh. Chằn tinh là biểu tượng của cái ác, cái xấu và tàn bạo trong văn hóa Khmer. “Chằn” thường có nhiều loại với các vai đóng, như: công chúa, tiểu thư, quan lại, tướng sĩ… là những con người của đời thực. Việc diệt Chằn, hướng tới cái tốt đẹp và cái thiện đã trở thành quán tính thị hiếu của người Khmer. Vai Chằn trong sân khấu Khmer dùng màu để vẽ mặt, gần giống “kép núi” trong tuồng tích của gánh hát Bội hay Hồ Quảng. Đặc biệt, Chằn mang cặp nanh (thường là nanh heo rừng) cong và dài, lúc ngậm vào lúc lồi ra hai bên mép, làm tăng tính hung dữ của chằn. Ngoài ra còn có các vai Hề mua vui. Các diễn viên vào vai Hề đều biết nhiều thứ tiếng: Hoa, Kinh, Khmer để dễ sử dụng vào nghề nghiệp của mình, gây cười cho khán giả bằng nhiều cách: bằng giọng nói khi lên khi xuống, khi nói sai, bằng dáng đứng, dáng đi và điệu bộ…
Trong các ngày lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer như: Chol-chnam-thmay, Ok-om-book, Dolta… là người ta nghĩ ngay đến những điệu múa Lâm-thôn, Rô-băm, Sarikakeo, hát À-day nhịp nhàng, uyển chuyển. Và cũng không quên những vở hát Dù kê đậm đà bản sắc dân tộc, mang những triết lý nhân văn sâu sắc. Các nghệ sĩ Dù kê luôn kế thừa nghệ thuật sân khấu Khmer trước đó như Rô băm, đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo những thành tựu của nghệ thuật sân khấu của người Kinh, Hoa để từ đó cho ra đời những vở diễn Dù kê hay, phù hợp thời đại.
LÊ XUÂN
(Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam)