Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa, vựa trái cây, là vùng xuất khẩu nông sản lớn nhất nước. Tuy nhiên, đến nay xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói riêng, ĐBSCL nói riêng chủ yếu xuất thô, giá trị đạt thấp. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến đang là vấn đề cấp thiết để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Cơ hội và thách thức của nông sản Việt
Tại hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2023 - 2024 vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu, chiếm đến 90% lượng gạo xuất khẩu và 45% sản lượng trái cây cả nước.
Đến cuối tháng 8, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,85 triệu tấn, trị giá 3,17 tỷ USD, tăng 22% về sản lượng và 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo bình quân đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5%. Xuất khẩu rau quả ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Thanh Long Vàng đạt chứng nhật OCOP 3 sao của tỉnh Vĩnh Long trưng bày tại Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long 2023 (Ảnh- Thanh Phong)
Kết quả trên là một thắng lợi của ngành nông nghiệp, “trúng mùa, được giá” làm người trồng lúa và doanh nghiệp (DN) đều phấn khởi và cùng có lãi. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, sản xuất trồng trọt vùng ĐBSCL còn tồn tại những hạn chế, thách thức như tình trạng sử dụng giống chất lượng cao còn thấp, tỷ lệ gieo sạ lúa còn cao, công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn hạn chế, việc liên kết chuỗi giá trị chưa chặt chẽ; nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước.
Đồng quan điểm với những hạn chế, thách thức của ngành nông nghiệp, PGS.TS Võ Thành Danh - Trường Kinh tế (Đại học Cần Thơ) cho rằng, thị trường nông sản đang có cơ hội và thách thức đan xen, trong đó, thách thức rõ nhất là sự không chắc chắn của thị trường thế giới do những rủi ro về địa chính trị, khả năng dịch chuyển hay đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường nông sản luôn bị áp lực về thặng dư cung. Trong khi đó, thị trường nông sản trong nước liên kết cung cầu còn yếu, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa chuyên môn hóa cao; nông sản xuất khẩu phần lớn là xuất thô, giá trị gia tăng chưa cao. Vì vậy, cần có chiến lược nâng cao giá trị nông sản, mang lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng thu cho người nông dân.
Chế biến gạo xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Phạm Hải)
Cũng là câu chuyện về nông sản Việt xuất khẩu thô, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) Nguyễn Phương Lam cho biết, trong 3 ngành chính lúa gạo, trái cây, thủy sản ở vùng ĐBSCL đang có những lợi thế và bất lợi, có ngành hàng lợi thế về đất đai, giống nuôi, xuất khẩu nhưng lại yếu về cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, chế biến, logictics và thương hiệu. 4 vấn đề khó khăn mà nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt đó là cơ sở hạ tầng giao thông và logistics còn yếu, thiếu lực lượng lao động có tay nghề, thiếu DN lớn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch.
Suốt gần một thập niên qua, mặc dù chúng ta nói chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, nhưng nhìn vào cấu trúc kinh tế hầu như nông nghiệp, công nghiệp chế biến không thay đổi, hoặc rất chậm phát triển. Và như vậy, chúng ta đang rất là cần đẩy mạnh lĩnh vực chế biến nông sản.
Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong suốt 20 năm qua, có rất ít DN đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản. Công nghiệp chế biến không tăng trong khi ngành nông nghiệp chúng ta tăng trưởng rất đều đặn, điều này dẫn đến việc các sản phẩm nông nghiệp chúng ta dư thừa vì không có nơi để sản xuất, chế biến. Thách thức của ngành nông nghiệp hiện tại cũng như trong tương lai chính là vấn đề nông sản xuất thô, có giá trị gia tăng không cao.
Những bất cập của ngành công nghiệp chế biến được ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nêu dẫn chứng, ĐBSCL đang thiếu DN công nghiệp chế biến, trong chuỗi hàng hóa này thì khâu chế biến là khâu yếu nhất. Thống kê của Hiệp hội, năm 2020, trái cây đạt sản lượng 13,6 triệu tấn, năm 2022 là 18,6 triệu tấn, tăng bình quân hơn 2 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhà máy chế biến không tăng, hiện Việt Nam có khoảng 156 nhà máy chế biến công nghiệp, khoảng 50% là nhà máy chế biến có công nghệ và máy móc hiện đại, còn lại là tương đối lạc hậu.
Tổng Công ty rau quả nông sản Việt Nam có 3 nhà máy hoạt động chế biến nông sản ở Cần Thơ, Kiên Giang và Tiền Giang, nhưng đến nay, nhà máy ở Kiên Giang đã đóng cửa, các nhà máy còn lại hoạt động nhưng về quy mô không được mở rộng, nâng cấp. Vì thế, ngành công nghiệp chế biến chúng ta đang dậm chân tại chỗ, thậm chí còn đi xuống.
Thách thức đối với ngành nông nghiệp, theo Chủ tịch hiệp hội rau quả Việt Nam là sự thiếu ổn định, đứt gãy của chuỗi sản xuất chế biến, chuỗi giá trị ngành nông sản. Tình trạng vi phạm hợp đồng trong chuỗi cung ứng này xảy ra thường xuyên như giao hàng không đúng chất lượng, thời gian, còn dư lượng thuốc trừ sâu, vi phạm mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói…
“Chuỗi cung ứng cũng hay bị đứt gãy khi thị trường có biến động, lúc hàng lên giá thì người nông dân hay hủy hợp đồng không giao hàng, còn khi hàng xuống giá thì phía DN lại không nhận hàng. Hiện chúng ta vẫn chưa có biện pháp nào để ngăn chặn, xử lý hữu hiệu tình trạng này”, Chủ tịch Hiệp hội rau quả cho hay.
Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến
Theo các chuyên gia, thị trường tiêu thụ nông sản Việt là rất lớn, trải dài từ Á sang Âu, từ Châu Mỹ đến Châu Úc, Trung Quốc, Hongkong… Vì thế, để tận dụng thời cơ thì hàng nông sản Việt Nam phải đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, nhất là các thị trường khó tính. Chúng ta không để chậm trễ, bởi càng chậm trễ thì càng thiệt thòi, có lỗi với hàng triệu hộ nông dân, làm sao giúp người nông dân trút bỏ được nỗi lo “được mùa mất giá”
Hội thảo nâng tầm giá trị Nông sản Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ festival nông sản Việt Nam – Vĩnh Long năm 2023. (Ảnh: Phan Tại)
PGS.TS Quan Minh Nhựt - Trường Kinh tế (Đại học Cần Thơ) cho rằng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là chìa khóa thành công cho DN, tăng mức đầu tư cho ứng dụng KHCN sẽ góp phần tăng lợi nhuận cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
PGS.TS Nhựt thông tin, có thực tế đánh quan tâm là qua khảo sát 470 DN ở một số tỉnh ĐBSCL như Kiên Giang, Vĩnh Long và Hậu Giang … thì hầu hết các DN này có trình độ và năng lực công nghệ ở mức trung bình, mức độ áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật còn khá thấp nên sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hàng nông sản.
Ở một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam Nguyễn Đình Tùng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 3,45 tỷ USD. Tuy nhiên, so với Thái Lan, Việt Nam vẫn còn những hạn chế về tiêu chuẩn an toàn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chuỗi cung ứng chưa hiệu quả và chi phí vận chuyển cao, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạt từ 10 – 25%, chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt tốc độ 30%/ năm của ngành, ông Tùng đề xuất, cần nâng cao năng lực kỹ thuật và tính bền vững của hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia về chất lượng; hài hòa các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế, các chương trình chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định về kỹ thuật cho DN; xây dựng và phát triển thương hiệu, các liên kết thị trường thông qua xúc tiến thương mại.
Diễn đàn kinh tế “Vai trò và giải pháp liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL” tại TP Cần Thơ (Ảnh: Phan Tại)
Trong chuỗi liên kết giá trị nông sản thì vai trò người nông dân trực tiếp trồng cung ứng sản phẩm giữ vai trò hết sức quan trọng, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình khuyến cáo, hiện nay các đối tác nước ngoài rất quan tâm đến việc kiểm soát nguồn hàng ngay tại vùng sản xuất, quan tâm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, sản xuất nông sản, trái cây phải có nhật ký ghi chép thông tin về kỹ thuật, sử dụng phân thuốc…Vì vậy, nếu sản xuất theo tập quán, thói quen cũ, sử dụng quá nhiều phấn thuốc hóa học sẽ không đảm bảo về tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Từ đó, ông kiến nghị, cần phải thay đổi tư duy người sản xuất, người nông dân cần nắm hiểu và có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào khâu chế biến nông sản, phát triển xây dựng mô hình logictics. Cơ quan quản lý chất lượng phải làm hết trách nhiệm, tăng cường kiểm tra giám sát và có biện pháp chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp vi phạm.
Còn theo PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, để khắc phục tình trạng sụt giảm về số lượng và chất lượng nông sản cần áp dụng phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị để phân tích đầu ra của thị trường và yêu cầu thị trường của sản phẩm, từ đó, đề xuất các giải pháp chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm.
Chuỗi giá trị gạo ĐBSCL chủ yếu phụ thuộc vào 4 kênh thị trường cung ứng gạo. Trong đó, kênh nông dân - thương lái - nhà máy xay xát - công ty - bán sỉ/lẻ - tiêu dùng nội địa có lượng tiêu thụ lớn nhất, chiếm gần 90% lượng gạo được sản xuất ra. Theo số liệu khảo sát năm 2020, giá trị gia tăng thuần cao nhất lại thuộc về kênh thị trường nông dân – công ty - bán sỉ/ lẻ - tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, mối liên kết của kênh này còn rất yếu, chỉ chiếm khoảng 9,1% tổng sản lượng lúa bán ra.
“Giá trị gia tăng cao do kênh này người nông dân bán trực tiếp cho công ty sẽ bảo đảm chất lượng, lúa được sấy và xay xát đúng thời gian, bảo đảm 24 giờ sau khi thu hoạch lúa được sấy và xay xát nên sẽ cho gạo có chất lượng cao nhất. Vì vậy việc tăng cường liên kết kinh doanh giữa 2 tác nhân này rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo Việt Nam”, PGS.TS Hải giải thích.
Ngành công nghiệp chế biến nông sản ĐBSCL đã có tín hiệu khả quan, trong quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, ĐBSCL sẽ có 8 Trung tâm đầu mối về nông nghiệp. Trong đó, Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ sẽ giải quyết nhiều vấn đề, không để xảy ra tình trạng nông sản dư thừa, thúc đẩy chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh, Nghị quyết 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Trong đó, có việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.
Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL. Việc hình thành Trung tâm với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết nhà nông – nhà sản xuất – DN xuất nhập khẩu.
Bài và ảnh: Phan Tại