Thị xã Bình Minh trên đường đổi mới phát triển.

Bình Minh là thị xã mới thuộc tỉnh Vĩnh Long, cách thành phố Cần Thơ dòng sông Hậu hiền hòa. Thị xã Bình Minh có diện tích tự nhiên hơn 9.152 ha, với gần 100 ngàn dân. Cuối thế kỷ XVI, vùng đất thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân ngày nay nằm trong phần đất thuộc tổng Vĩnh An, châu Định Viễn, dinh Vĩnh Trấn. Năm Gai Long thứ 7 (1808), tổng Vĩnh An được nâng lên làm huyện thuộc phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long.

Vùng đất thị xã Bình Minh trải qua các thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc, Việt Nam Cộng hòa và sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, sau nhiều lần sáp nhập rồi chia tách, đến ngày  31 tháng 7 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2007/NĐ-CP chia tách huyện Bình Minh thành 2 huyện Bình Minh và Bình Tân. Ngày 28 tháng 12 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết 89/NQ-CP chuyển huyện Bình Minh thành thị xã Bình Minh. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Minh phát triển khoác lên mình tấm áo mới.

Thời gian qua, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỉnh Vĩnh Long vẫn tập trung vốn xây dựng cơ bản cho thị xã Bình Minh. Trong đó, trung tâm hành chính thị xã với qui mô 5,4 ha là một công trình hạ tầng đô thị trọng điểm, một cảnh quan kiến trúc đẹp cho thị xã Bình Minh cả trong hiện tại và tương lai. Cùng với đó, nhiều nguồn vốn đã được huy động và tập trung cho chương trình phát triển đô thị của Bình Minh. Hàng loạt công trình xây dựng cơ bản đã được triển khai trên địa bàn, trong đó, tuyến đường mới nối Khu hành chính thị xã đến đường Nguyễn Văn Năm dài hơn 1.500 mét là trục giao thông chính và quan trọng. Hệ thống giao thông đường bộ hiện có tổng chiều dài gần 23 km, trong đó các cầu quan trọng đều đã được xây dựng kiên cố, hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị đã đạt yêu cầu tiêu chuẩn của một thị xã. Bình Minh đang hướng tới đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020.

Qua 6 năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới, đến nay thị xã Bình Minh đã được công nhận hoàn thành Nông thôn mới. Thời điểm bắt đầu xây dựng Nông thôn mới, thu nhập bình quân toàn thị xã chỉ đạt 11,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khá cao với 15,56%, tỉ lệ hộ có nước máy sử dụng 36,9%, các tuyến đường liên xã, ấp chưa được bê tông hóa, thủy lợi nội đồng không được quy hoạch, tỷ lệ nhà ở kiên cố còn thấp...

     

Bưởi Năm Roi Bình Minh (ảnh: internet)

 

Năm 2014, xã Đông Thạnh là xã đầu tiên của thị xã đạt chuẩn Nông thôn mới, tiếp đến là xã Đông Thành về đích năm 2015, và năm 2017 cả 3 xã còn lại gồm Mỹ Hòa, Thuận An và Đông Bình đều đạt chuẩn, nâng tổng số 5/5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, với tỷ lệ 100%. Cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 249/QĐ-TTg công nhận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Điểm mạnh của Bình Minh trong xây dựng Nông thôn mới là sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, sản xuất sạch cho giá trị cao.

Hiện thị xã Bình Minh có vùng chuyên canh bưởi Năm Roi với diện tích 1.976,4ha, sản lượng 25.800 tấn/năm, riêng xã Mỹ Hòa đạt 1.063ha, trong đó có 150ha sản xuất theo quy trình VietGAP, 20ha đang thực hiện chứng nhận GlobalGAP, góp phần nâng cao thu nhập bình quân trên mỗi đơn vị diện tích từ 120 triệu lên 400 triệu đồng/ha/năm.

Vùng chuyên màu cải xà lách xoong, rau diếp cá ở xã Thuận An 200ha, sản lượng 29.300 tấn/năm, mang lại thu nhập bình quân từ 450 - 750 triệu đồng/ha/năm. Vùng lúa đặc sản chất lượng cao xã Đông Thạnh với 450ha, sản lượng bình quân 8.505 tấn/năm mang lại thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, xã Thuận An là xã đạt Nông thôn mới với tiêu chí thu nhập cao nhất tỉnh Vĩnh Long. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56,97 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%, giảm 1,8 lần; lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,7% và đang hướng tới xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

     

Vùng chuyên canh rau xã Thuận An (ảnh: internet)

 

Trong Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2018, Bình Minh xác định: Tập trung phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Tăng cường thực hiện chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; duy trì và phát triển thương hiệu đối với nhãn hiệu Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa; Tập trung giữ vững và nâng chất các tiêu chí ở các xã nông thôn mới, nhất là đối với việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Hoài Ân.