THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐÃ, ĐANG VÀ SẼ LÀ VAI TRÒ TRUNG TÂM ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Từ những thế kỷ trước, Cần Thơ đã được mệnh danh là thủ phủ của miền Tây - Tây Đô. Tuy địa giới hành chính có những thay đổi, nhập vào thành tỉnh Hậu Giang (1976) và hai lần tách ra (1992 và 2004), quận Ninh Kiều lúc nào cũng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa …của tỉnh, của thành phố, và TP Cần Thơ lúc nào cũng là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Dưới thời Mỹ, Ngụy, chúng chủ yếu xây dựng các căn cứ quân sự, kho bom đạn, sân bay quân sự, đồn, bót, ấp chiến lược ở vùng nông thôn, vài cơ sở phục vụ chung: xăng dầu, điện, nước…những cơ sở ăn chơi cho lính Mỹ. Thành phố xơ xác tiêu điều, như một cái xác không hồn. Từ sau ngày Cần Thơ được hoàn toàn giải phóng đến nay, tuy bị Mỹ bao vây, cấm vận, và ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, làm cho đất nước ta gặp nhiều khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo của TW Đảng, Chính Phủ, Quốc hội, cấp ủy, chính quyền các cấp trong thành phố, thành phố Cần Thơ ngày càng thay da, đổi thịt, nhất là hơn một thập niên qua từ khi trở thành thành phố trực thuộc TW, Cần Thơ đã tăng tốc đầu tư về mọi mặt và trong thời gian ngắn được công nhận là Đô thị loại I.
Cầu Quang Trung 2 thành phố Cần Thơ mới được đưa vào sử dụng.
Được sự quan tâm của Trung ương đầu tư một số công trình trên địa bàn như cầu Cần Thơ, sân bay Trà Nóc…, vừa thỏa mãn nguyện vọng, ước mơ lâu đời của người dân vừa tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Trên lĩnh vực giao thông, thành phố cũng đã đầu tư nhiều công trình quan trọng: cầu Quang Trung 2, cầu đi bộ, cầu Hưng Lợi, cầu Trần Hoàng Na, mở rộng và nối dài đường Nguyễn Văn Cừ, đường 30-4, đường 3-2, đường Mậu Thân, Võ Văn Kiệt, mở mới đường Nguyễn Văn Linh, đường Võ Nguyên Giáp…các công trình văn hóa, tâm linh như Trúc Lâm Thiền Viện, đền thờ Hùng Vương, trùng tu nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa: mộ cụ Bùi Hữu Nghĩa, Đình Bình Thủy, mộ cụ Phan Văn Trị…Trong lĩnh vực Y tế, cũng được đầu tư mạnh mẽ: bệnh viện đa khoa thành phố, đa khoa TW, thêm nhiều bệnh viện chuyên khoa của nhà nước: bệnh viện (BV) Ung bướu, BV Tim Mạch, BV Huyết học Truyền máu, BV Phụ sản, BV Lao, BV Nhi đồng…, đồng thời cũng có nhiều bệnh viện tư nhân là vệ tinh của các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Cần Thơ: BV Hoàn Mỹ, BV Tim - Đột quỵ, BV Medic, BV Phương Châu… Lĩnh vực giáo dục trong những năm gần đây ngoài trường Đại học Cần Thơ được xây dựng khang trang hiện đại, đào tạo thêm nhiều ngành nghề mới, thì nhiều trường đại học công lập: Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Đại học FPT, Đại học tư thục Tây Đô, Đại học Nam Cần Thơ. Hàng loạt trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, các trường mẫu giáo được xây dựng mới 3-4 tầng. Đứng trên những tòa nhà cao ta thấy màu ngói mới đỏ tươi nổi lên giữa những màu xanh của cây cổ thụ trông như những bức tranh mà thiên nhiên ban tặng với những sắc màu khó có họa sĩ nào mà tô được.
Những cơ sở y tế nêu trên, từ nhiều năm nay đã góp phần chăm sóc sức khỏe không riêng người dân Cần Thơ mà còn phục vụ cho nhân dân hàng chục tỉnh ĐBSCL, các trường đại học và cao đẳng thu hút học viên là con em trong vùng vào học tập, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Trên mặt trận kinh tế, thành phố cũng cũng đạt khá nhiều con số ấn tượng, nhất là từ khi thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nhiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,27%/ năm, Tổng sản phẩm bình quân đầu người 88,3 triệu đ/năm. Các ngành kinh tế đều tăng trưởng:
- Giá trị tăng thêm nông, lâm ngư nghiệp: nếu như năm 2004 (năm đầu là TP trực thuộc TW) đạt 2.438.778 triệu đồng thì năm 2018 là 8.406.080 triêu đồng
- Giá trị tăng thêm công nghiệp - xây dựng: Năm 2004 là 4.511.385 triệu đồng thì sau 15 năm tăng lên là 33.768.900 triệu đồng,
- Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ: năm 2004 là 4.794.761 triệu đồng thì đến năm 2018 tăng lên là 54.730.630 triệu đồng.
Kinh tế tăng trưởng là điều kiện tăng thu ngân sách. Nếu như năm 2004 tổng số thu ngân sách trên địa bàn là 1.578 tỷ đồng trong đó thu nội địa là 1.256 tỷ đồng thì đến năm 2018 đạt 11.150 tỷ đồng, tăng trên 7 lần, trong đó thu nội địa là 10.040 tỷ đồng, tăng gần 10 lần. Cũng cần nói thêm là năm 2003 Cần Thơ đã vào câu lạc bộ 1.000 tỷ là điều kiện để TP Cần Thơ trở thành TP trực thuộc TW. Và đến nay Cần thơ là một trong 17 tỉnh thành phố có điều tiết về ngân sách TW.
Một góc thành phố Cần Thơ nhìn từ trên cao.
Không chỉ quan tâm về mặt kinh tế mà lãnh đạo Thành phố luôn chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân, giữ vững an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội. Chỉ xin nêu một vài con số sau đây để chứng minh . 1/ Về Y tế, tính trên vạn dân 16,6 giường bệnh, 5,46 bác sĩ năm 2004 đã tăng lên 39,34 giường, 15,31 bác sĩ vào năm 2017. 2/ Về giáo dục: tổng só học sinh đầu năm học vào năm 2004 là 215.267 HS, con số này tăng lên 245.689 HS vào năm 2017. 3/ Số lao động được giải quyết việc làm mới là 28.227 người, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề là 28,50%/ tổng dân số hiện có thời điểm đó. Sau 15 năm thì số lao động được giải quyết việc làm 63.669 người và số người được đào tạo nghề là 56,5%. Bằng 225,6% về số người có việc làm và tăng gần 2 lần số người được đào tạo so đầu kỳ. 4/ Các chỉ tiêu về hộ dân sử dụng điện và hộ dân sử dụng nước sạch cũng ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2008, 71.4% thì năm 2018 là 84,7% số hộ dân được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện là 100% vào năm 2018/99,75% năm 2014; 5/ Công tác giao thông nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình thương, tình nghĩa …cũng là những con số khá ấn tượng, du lịch sông nước và du lịch miệt vườn phát triển khá phong phú. 6/ An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững. Cần Thơ thực sự là điểm đến an toàn, thuận lợi cho thu hút đầu tư và du lịch. Có một số khu chế xuất, khu công nghiệp. Người Cần Thơ thân thiện, mến khách, gạo trắng, nước trong, thực phẩm phong phú …
Mặc dù đã là thủ phủ miền Tây, xong TP Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc TW là khát vọng của nhân dân từ thập niên 80, 90, xong do chưa đủ điều kiện nên TW chưa cho phép, mà phải có cơ sở vật chất. Sau giải phóng TP Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ mới chỉ là đô thị loại III (chỉ bao gồm quận ninh Kiều và quận Bình Thủy ngày nay). Chúng ta đã được sự hỗ trợ vốn đấu tư để nâng cấp lên đô thị loại II, đặc biệt là có sân bay Cần Thơ, có cầu Cần Thơ và nhiều yếu tố khác về số dân, số doanh nghiệp, số thu ngân sách…Ông bà ta đã nói “cầu được, ước thấy”, cái gì đến nó sẽ đến, và Cần Thơ đã được là TP trực thuộc TW vào cuối năm 2003. Đến nay TP Cần Thơ trở thành đô thị loại I trực thuộc TW với tiêu chí “sáng, xanh, sạch đẹp” (dân số năm 2018 là 1.283.161 người/1.138.419 người năm 2004).
Thấm thoát đã 15 năm trôi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố dồn sức, miệt mài phấn đấu thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, trên tinh thần kế thừa, đổi mới, sáng tạo. Qua 15 năm thuận theo ý Đảng, lòng dân, với sự giúp đỡ của Trung ương, các bộ ngành … Cần Thơ đã từng bước thay da, đổi thịt, trên các mặt kinh tế, chính trị, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được không ngừng nâng lên. Tuy chưa thực hiện được toàn diện các mục tiêu của Nghị quyết 45, xong TW đánh giá Cần Thơ đã đi đúng hướng, “từ địa bàn có nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp nhưng liên tục trong 15 năm qua, kinh tế tăng trưởng nhanh…cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tích cực theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Tốc độ đô thị hóa, phát triển và kết nối hạ tầng giao thông nhanh. Giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,71% (2016). Chỉ số phát triển con người đứng thứ sáu cả nước. Quốc phòng được củng cố, an ninh ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực.”
Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đánh giá một cách khách quan về những mặt làm được, chưa làm được cũng như nguyên nhân. Để tạo điều kiện cho TP Cấn Thơ tiếp tục phát triển, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TPCT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này nhằm động viên, khích lệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ nỗ lực hơn nữa, đồng thời Bộ Chính Trị xác định “tiếp tục xây dựng và phát triển TPCT trở thành trung tâm vùng ĐBSCL” đó là khảng định của Đảng về vai trò, vị trí quan trọng của Cần Thơ đối với vùng và cả nước. Đến năm 2030, Cần Thơ là TP sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL. Là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.
Đây là niềm vinh dự, cũng là trách nhiệm nặng nề của Cần Thơ, nhất là trong tình hình 2 năm nay dịch Covid-19 đang hoành hành, phải thực hiện giãn cách, thêm vào đó là tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường: bão lụt, triều cường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…là những thách thức không nhỏ. Xong với tinh thần phấn đấu, truyền thống đoàn kết toàn dân, những kinh nghiệm đã có trong nhiều thế hệ đi trước, có sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành TW, sự hợp tác, hỗ trợ của lãnh đạo các tỉnh trong vùng, chắc chắn Đảng bộ và chính quyền, nhân dân TP Cần Thơ sẽ đổi mới, sáng tạo, phát huy, ứng dụng khoa học và công nghệ, trọng dụng nhân tài và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trên địa bàn…chúng ta sẽ thực hiện tốt Nghị quyết số 59-NQ/TW. Cần Thơ trên danh nghĩa và trong thực tế sẽ là trung tâm của vùng ĐBSCL vào năm 2030.
Cần Thơ, ngày 14/9/2021
Xuân Ba—Viết Trương
,