Nhân kỷ niệm CMT8 và Quốc khánh 2-9:
PHONG TRÀO BÌNH DÂN HỌC VỤ SAU QUỐC KHÁNH 2-9-1945
Cách mạng tháng 8 (CMT8) thành công mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn đọc lập” tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Dân tộc ta vừa mừng vì giành được chính quyền, lại vừa lo vì trước mắt vần còn “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” phải diệt. Diệt “giặc dốt” là vấn đề lâu dài, Bác Hồ đã phát động phong trào Bình dân học vụ (BDHV). Và tôi rất vui, khi lớn lên đã góp một phần nhỏ trong phong trào ấy… Đó là những kỷ niệm không thể nào quên với năm tháng dạy Bổ túc văn hóa, góp phần “xóa mù chữ” cho nhiều đối tượng ở các vùng miền khác nhau.
Sau CMT8/1945 thành công, chúng ta giành được độc lập nhưng đứng trước ba loại giặc là “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Giặc ngoại xâm đã dẹp nhưng thực dân Pháp vẫn lăm le chiếm nước ta một lần nữa. Bác Hồ kêu gọi diệt giặc đói trước, rồi diệt giặc dốt. Chỉ sau một ngày Bác đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch "Chống nạn mù chữ". Bác nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Đến ngày 8-9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành ngay sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc cho tất cả mọi người. Đầu tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi chống nạn thất học”. Bác viết: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí… Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết…”. Người dân đã bảo nhau: “Cụ Hồ lo việc học hành/ Chỉ mong non nước rạng danh muôn đời”. Phong trào BDHV nhanh chóng lan rộng khắp nước. Các lớp học được mở khắp nơi, trong nhà dân, trong đình chùa… chỉ cần mấy chiếc ghế băng, ghế tựa đặt quanh bàn, quanh chiếc phản, và lấy cánh cửa, tấm ván mộc làm bảng là đã thành lớp học, không có phấn thì dùng gạch non, than củi để viết.
Các đội nhi đồng cứu quốc, đốt đuốc, khua trống ếch đi quanh làng cổ động người dân đi học. Tại các nơi nhiều người qua lại, như các ngõ xóm, điếm canh, cổng đình, cổng làng, người ta treo nong, nia, mẹt trên viết các chữ cái bằng vôi để ai đi qua cũng có dịp đọc, ôn các chữ đã học. Cách học được ca dao hóa:
i, t (tờ), có móc cả hai.
i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang
e, ê, l (lờ) cũng một loài.
ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn
o tròn như quả trứng gà
ô thì đội mũ, ơ là thêm râu
o, a hai chữ khác nhau
vì a có cái móc câu bên mình.
Để thúc giục người dân học chữ, một số nơi còn dựng “cổng sáng” và "cổng tối" có nơi gọi “cổng mù” để ở đầu chợ để “đố chữ”. Tôi hay theo mẹ di chợ cách nhà khoảng hơn hai cây số mà có đến hai cái “cổng tối”. Người muốn vào chợ phải đọc vài chữ a, b, c… ai đọc được thì cho đi “cổng sáng” sạch sẽ. Ai không biết đọc thì phải đi "cổng mù", “cổng tối” có sình lầy, có chà gai phải chui qua để vào chợ. Có những câu ca dao lấy tiêu chuẩn biết “xóa mù” làm nét đẹp hơn hình thức: “Hỡi cô má đỏ hồng hồng/ Vì cô mù chữ nên chồng cô chê”.
Theo thống kê thì lúc đó dân ta hơn 95% là mũ chữ. Phong trào BDHV ngày càng rầm rộ khắp thôn cùng ngõ vắng sau khi ta tạm thời diệt được “giặc đói”. Những năm cải cách ruộng đất 1954-1956 thì việc xóa mù chữ càng phát triển mạnh. Người cày có ruộng, đời sống người dân sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã được cải thiện nên việc học càng được ưu tiên hơn. Tới đâu ta cũng thấy có các lớp BTVH trong nhà, ngoài đình cho đủ mọi lứa tuổi. Bên ngọn đèn dầu leo lét từ em nhỏ tới cụ già thi nhau đánh vần a, b, c theo tiếng gõ thước lên bảng của người dạy. Nhiều khẩu hiệu trên tường, trên nong nia của mỗi nhà để ngoài cổng, cổ vũ cho phong trào “xóa mù”. Ví dụ viết những câu dao như: “Chúng ta vâng lệnh Cụ Hồ/ Cả nhà học tốt giành cờ thi đua”. Hay “Học là học để làm người/ Biết điều nhân nghĩa, biết lời thị phi”. Hoặc “Làm người muốn được khôn ngoan/ Phải ra sức học đàng hoàng mới hay”.
Dạy xóa mù theo phương pháp dạy bài thơ hay bài hát đơn giản cho người học thuộc trước câu thơ hay câu hát đó, rồi mới phân ra từng chữ theo các câu. Với cách dạy này thì chỉ sau 3 tuần là người học biết được 24 chữ cái và ghép vần để đọc. Ví dụ: Lấy bài quốc ca ra dạy, một công đôi việc. Người học vừa thuộc bài quốc ca để tỏ lòng yêu nước vừa biết được các chữ cái trong bài đó để ghi nhớ, rồi từ đó suy ra các chữ khác. Ví dụ câu: “Đoàn quân Việt Nam đi”, thì có các chữ cái: đ, o, a, n, q, u, â, v, i, ê, t, m…Từ đó tập ghép vần (Ví dụ chữ đoàn: thì đọc là: , o, a, oan, đê oan đoan, huyền đoàn (lúc bấy giờ vẫn đọc theo tên chữ cái: a, bê, xê – tức a, b, c). Thế mà chỉ sau ba tháng học thì cơ bản người dân đã biết đọc biết viết những câu đơn giản.
Tôi đã có dịp dạy BTVH cho dồng bào các dân tộc Nghĩa Lộ (Tây Bắc) những năm 1966-1980. Sau này vào Cần Thơ tôi lại được phân công về dạy trường BTVH Công Nông Lý Tự Trọng, và còn đi dạy thêm ban đêm cho các lớp BTVH của Trung tâm giáo dục Thường xuyên Thành phố Cần Thơ theo lời mời của các trường đó. Dạy BTVH có điều khó hơn dạy các lớp phổ thông, vì đa phần người học bị hổng kiến thức cơ bản ở các lớp dưới, hoặc vì bận công việc mà không có thời gian ôn luyện. Người dạy lại phải biết tâm lý lứa tuổi các đối tượng học trong một lớp. Có em đang học dở lớp 4, lớp 5 vì hoàn cảnh phải nghỉ học, có anh chị là bộ đội, công an, công nhân xí nghiệp, có người sắp đến tuổi về hưu… đa số là vừa đi học vừa đi làm. Tuy vậy mà nhiều anh chị rất thành đạt, sau này giữ các chức vụ chủ chốt ở các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể… Và cho tới năm 1990, trường Bổ túc văn hóa Công Nông Lý Tự Trọng giải thể sau gần 30 năm làm tròn “sứ mệnh” đào tạo văn hóa cho hàng ngàn cán bộ nguồn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trang sử vàng của trường BTVH Lý Tự Trọng Cần Thơ khép lại bằng sự tuyên dương của Chính phủ với danh hiệu Anh hùng cho nhà trường. Trường vẫn giữ lại tên người anh hùng bất tử Lý Tự Trọng, và mở ra một trang sử mới là trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ, đào tạo học sinh giỏi, bồi dưỡng nhân tài cho Cần Thơ và các tình khu vực ĐBSCL.
Nhớ lại những ngày đã qua cùng lớn lên với phong trào Bình dân học vụ nói riêng và việc dạy BTVH nói chung, tôi càng thấy vui và tự hào mình đã góp một phần nhỏ bé để xóa nạn mù chữ, đem “ánh sáng văn hóa”, đem chữ Cụ Hồ cho đồng bào từ miền núi cao tới vùng đồng bằng hay đô thị. Mãi mãi đó là những kỷ niệm đẹp, xanh cùng năm tháng, là hành trang tiếp bước của tôi trên mỗi chặng đường./.
LÊ XUÂN
(Nguyên giáo viên Văn trường BTCN Lý Tự Trọng Cần Thơ)