NINH KIỀU – MANG TÊN CÂY CẦU VÀ DÒNG SÔNG LỊCH SỬ

Bến Ninh kiều, công viên Ninh Kiều ngày nay, trải dài từ nhà lồng chợ cổ đến cầu đi bộ. Lúc mới giải phóng công viên Ninh Kiều chiều ngang hẹp chỉ bằng một phần ba chiều rộng của công viên hiện nay, và nó là cái chợ từ nhà lồng cổ đến đèn ba ngọn. Có một số kiot nhỏ lẻ rải rác lẫn vào  trong, những năm sau được Nhà  nước xây bờ kè mở rộng ra phía sông như hiện nay. Vào những năm chín mươi, Nhà nước đã di dời toàn bộ chợ ra khu thương mại Cái Khế, Ninh Kiều được qui hoạch lại, trồng nhiều cây xanh và các loại hoa,  trang trí đèn dưới đất chiếu lên và đèn trên cao rọi xuống. Những dịp lễ tết còn có đèn mầu rực rỡ trên cao trông thật “hoành tráng”. Đặc biệt có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cao sừng sững, uy nghi hướng về biển đông, Bác giơ tay vẫy chào, một cử chỉ thân mật mà Bác thường thể hiện trước những sự kiện đông người. Nay có thêm cầu đi bộ nối từ nhà khách T81 qua nhà hàng hoa sứ - là cây cầu đi bộ đẹp nhất nước, làm cho công viên Ninh Kiều càng trở nên thơ mộng.

Bến Ninh Kiều – Cần Thơ. Ảnh: ITN.

 

Cùng với các điểm du lịch khác của thành phố, du khách bao giờ cũng phải về nghỉ tại quận Ninh Kiều để sáng còn đi chợ nổi Cái Răng, và chiều tối lên du thuyền vừa thưởng thức những món ăn đặc sản, vừa tham quan cầu Cân Thơ bắc qua sông Hậu lung linh ánh đèn đêm. Có thể nói mỗi năm có đến trăm nghìn lượt khách đến tham quan bến Ninh Kiều và chụp hình lưu niệm. Tuy nhiên, người dân Cần Thơ cũng chỉ có số ít người, còn du khách thì đa số là không ai biết đến Chữ Ninh Kiều xuất phát từ đâu, vào thời điểm nào?

Ninh Kiều không chỉ là tên một công viên mà nó còn mang tên một quận lớn nhất thành phố, và là quận trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng của thành phố Cần Thơ... để hiểu rõ gốc rễ của vấn đề và có cơ sở giới thiệu đến độc giả, chúng tôi đi tìm những bậc cao niên là người sinh ra và lớn lên ở đất Cần Thơ, và thật may mắn cho chúng tôi có được những tư liệu quí xin lược ghi dưới đây:

NINH: là tên của con sông Ninh Giang, nay là sông Đáy, là chi lưu của sông Hồng bắt đầu từ Chúc Sơn - Hòa Bình chảy qua huyện Chương Mỹ, Hà Đông, qua Hà Nam, qua Ninh Bình và đổ ra biển. Người ta phải xây hệ thống thủy lợi, làm cửa để giữ nước lại và xả nước khi nước sông hồng lên cao, có nguy cơ không an toàn cho Hà Nội thì mở cửa cho chảy vào sông Ninh Giang  – sông Đáy.

KIỀU: là chiếc cầu bắc qua sông Ninh Giang, trong chiến tranh chống bọn xâm lược phương bắc, chiếc cầu này rất lợi hại; ta tiếp viện ra biên ải cũng đi qua cầu này, bọn giặc tấn công ta hoặc thua chạy cũng phải đi qua cầu này. Để đánh thắng quân Minh, Lê Lợi phải mất mười năm xây dựng và củng cố lực lượng…Vào khoảng ngày 5-7 tháng 11 năm 1426, Lê Lợi đánh trận quyết định sau cùng, khi lập kế hoạch tấn công, Ông đã dự đoán khi thua quân giặc nhất định sẽ chạy qua cây cầu này về Đông Quan - Hà Nội nên  Lê Lợi đã bố trí một lực lượng phục kích sẵn để đánh địch. Điểm đánh chính là ở Tụy Động, cách Chúc Động, Chúc Sơn khoảng 7 km. Đúng như dự đoán, khi quân Lam Sơn tấn công, quân giặc thua đau rút chạy, Lê Lợi cho quân ta đánh sập cầu giặc chết xác đầy sông.

Trong bài Bình Ngô Đại Cáo có ghi:

                 Ninh Giang máu chảy thông sông, tanh hôi vạn dặm

                 Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm

Mùa đông năm 1427 những tên xâm lược cuối cùng nhà Minh (Trung Quốc) đã bị ta tiêu diệt, đất nước được giải phóng. Đầu năm 1428, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo (coi như bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai) để công bố cho nhân dân ta và thế giới biết nước ta đã hoàn toàn độc lập.

Nói về xuất xứ của bến Ninh Kiều:

Trong thời kỳ Pháp thuộc, bờ sông (Ninh Kiều ngày nay) được đặt là Quaidecommeres. Năm 1954, Cần Thơ dưới sự kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tuy vậy, để tưởng nhớ công ơn to lớn của Lê Lợi đã đánh đuổi giặc ngoại xâm giải phóng đất nước, nên chính quyền đặt tên con đường ven sông thơ mộng này là đường Lê Lợi và bến tàu là bến Lê Lợi.

Sau nhiều lần tu bổ, ngày 4 tháng 8 năm1958, chính quyền cũ đã làm lễ khánh thành công viên  và chính thức đặt tên là bến Ninh  Kiều.

Là bến cảng, xuồng ghe tấp nập buôn bán suốt thời gian dài, sau giải phóng vẩn còn tấp nập bởi nó là cái chợ (từ đèn ba ngọn đến nhà lồng cổ như đã nói ở trên và có cầu tàu lục tỉnh. Ngày nay là bến tàu du lịch chở khách đi tham quan du lịch miệt vườn).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ta đặt lại tên đường, đường Lê Lợi được thay là đường Hai Bà Trưng. Còn đường Lê Lợi mới từ đường Trần Phú chạy qua sân bóng, qua khu Hội chợ triển lãm ra vòng xoáy trước khách sạn Mường Thanh.

Như vậy Ninh Kiều là chiếc cầu bắc qua sông Ninh Giang, gắn liền với công lao giải phóng đất nước của Lê Lợi, quân và  dân ta. Cần Thơ chúng ta vinh dự được mang tên một chiến công lịch sử oai hùng của dân tộc.

Ninh Kiều ngày nay được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, Ninh Kiều thân thương trừu mến là điểm hẹn lý tưởng cho những cảnh quay mượt mà của vùng sông nước hữu tình cho những cô dâu, chú rể và du khách bốn phương./.

Xuân Bách