NHỚ NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
TRƯƠNG THANH LIÊM
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
Dù ai xuôi ngược đường xa
Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười”
Câu ca dao gợi nhớ về cội nguồn dân tộc bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt. Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là dịp tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc.
Ảnh tư liệu : Giỗ tổ Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ
Rất nhiều nhà nghiên cứu nghi thức văn hóa dân gian đều nhận xét: Trên toàn thế giới chỉ có nước ta có được nét văn hóa độc đáo khi tổ chức quốc tổ Hùng Vương, đây là nét văn hóa rất đáng tự hào cho dân tộc Việt Nam, là điểm tựa để giáo dục truyền thống cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Số liệu mới đây cho thấy, nhiều địa phương trong cả nước đều có đền Hùng, riêng tại tỉnh Phú Thọ có trên 330 cơ sở thờ cúng các vua Hùng với qui mô lớn nhỏ khác nhau. Cùng với đó tại nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều người dân Việt sinh sống cũng đã có đền Hùng và cũng đồng loạt tiến hành ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba ( tính theo âm lịch). Tất cả đều tỏ rõ tấm lòng hướng về đất nước, về quê hương, về cội nguồn dân tộc.
Ngày 06/01/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định ngày 10/3 Âm lịch chính thức là ngày Quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương. Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với các nét đặc trưng tiêu biểu như: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu; khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản; thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa; thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học.
Năm nay người dân cả nước đón nhận nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương trong tâm thế khá đặc biệt bởi dịch bệnh Covid – 19 vẫn còn là nỗi lo ngại cho cộng đồng, từ đó hầu hết các địa phương đều tổ chức rất đơn giản, tiết kiệm, an toàn chủ yếu chỉ duy trì phần lễ và cắt giảm phần hội, đồng thời cũng khuyến cáo nguòi dân thực hiện tốt giải pháp “ 5 không” để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Năm nay giỗ tổ Hùng Vương diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa hân hoan chào đón thành công của đại hội đảng các cấp nói riêng, đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII nói chung mở ra một vận hội mới cho toàn dân tộc, mở ra một cơ hội mới đầy lạc quan để đất nước phát triển toàn diện. Ngoài ra người dân cả nước còn đang trong tư thế sẳn sàng bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND các cấp để có được những đại biểu đủ đức, đủ tài gánh vác nhiều trọng trách lớn lao. Mới đây cả cộng đồng còn phấn khởi hơn trước sự chuyển biến, thay đổi, điều chỉnh về nhân sự mang tầm chiến lược trong bộ máy đảng, quốc hội, nhà nước, các ban ngành đoàn thể đúng vào dịp cả nước chào đón quốc tổ Hùng Vương.
Một số quan ngại đang đặt ra là các thế lực thù địch vẫn đang đánh phá ta nhất là trên mặt trận tư tưởng, đặc biệt khi ngày hội toàn dân chuẩn bị bẩu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Vì vậy mỗi người cần nâng cao ý thức cảnh giác, phát huy lòng yêu nước vốn có, phát huy truyền thống lớp lớp cháu con của các vua Hùng sẳn sảng bẻ gảy mọi thủ đoạn, âm mưu đánh phá của chúng một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên phải trung thực nói rằng: vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên, CNVC chưa thực sự quan tâm đến quốc tổ Hùng Vương; một số người trẻ còn thờ ơ tìm hiểu quá trình hình thành ngày giỗ tổ mừng 10 tháng 3, việc tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử dân tộc nầy tại một số nơi còn rất hạn chế cần chấn chỉnh kịp thời.
Bác Hồ đã từng dạy “ Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải góp phần giữ lấy nước”. Lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc về truyền thống yêu nước “ Ăn quả nhớ người trồng cây” đáng để cho mỗi chúng ta suy gẫm nhân ngày quốc tổ Hùng Vương.