NHỚ BÀI THƠ XUÂN TÂN SỬU 1961 CỦA BÁC
Đã 52 mùa xuân trôi qua, trên sóng radio, đồng bào cả nước không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trong thời khắc giao thừa thiêng liêng. Nhưng mỗi khi Tết đến xuân sang, trong chồi non xuân biếc, trong sắc thắm hoa xuân, hòa cùng nhịp đập triệu trái tim hân hoan của người con đất Việt, những bài thơ chúc Tết của Bác như vẫn còn mãi ngân vang. Từng từ, từng ý thơ của Người đã tạc vào núi sông, bừng sáng như ngọn lửa thiêng, soi tỏ con đường cách mạng cho dân tộc, vững bước trên con đường ấm no, hạnh phúc.
Xuân Tân Sửu 1961, đúng giao thừa, qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời chúc Tết đồng bào cả nước:
Thưa đồng bào thân mến và kiều bào ở nước ngoài,
Nǎm mới đang mở ra trước mắt chúng ta một quang cảnh vô cùng mới mẻ, huy hoàng. Các nước anh em ta đang rầm rộ xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Hàng triệu nhân dân châu Á, châu Phi và Trung, Nam Mỹ đang sôi nổi đấu tranh chống đế quốc thực dân, giành tự do độc lập.
Ở miền Bắc ta, toàn Đảng, toàn dân đang hǎng hái thi đua hoàn thành tốt kế hoạch nǎm 1961, làm đà tốt cho kế hoạch 5 nǎm xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho miền Bắc ta ngày càng giàu mạnh vui tươi.
Ở miền Nam, đồng bào ta đang đoàn kết chặt chẽ, anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm, tiến lên giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị dã man.
Thưa đồng bào thân mến,
Nǎm nay là nǎm Sửu, các cụ ta quen gọi là “Tết con Trâu”. Trâu thì cày giỏi mà chọi cũng hǎng. Toàn dân ta đoàn kết đấu tranh thì chúng ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Vậy có thơ rằng:
Mừng năm mới mừng xuân mới
Mừng Việt Nam mừng thế giới!
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh
Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi
Chúc miền Bắc hăng hái thi đua
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới
Chúc hòa bình thống nhất thành công
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi
Qua bài thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Lời chúc mừng năm mới 1961 tới đồng bào cả nước, kiều bào và nhân dân các nước bầu bạn một năm mới vui vẻ, mạnh khoẻ, đoàn kết và tiến bộ.
Sau khi khái quát tình hình trong nước và quốc tế trong năm 1960, nêu ý nghĩa và nhiệm vụ của nước ta trong năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết chặt chẽ, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm; đảng viên, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng cố gắng công tác và học tập để không ngừng tiến bộ, tăng cường đoàn kết nhất trí trên cơ sở tư tưởng Mác-Lênin; nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và hoà bình thống nhất nước nhà.
Năm 1961, cách mạng nước ta tiến lên chặng đường mới, mở đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Câu thơ mừng xuân của Bác như một chân trời mở rộng “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Bài thơ Xuân của Bác 1961 như kêu gọi cả hai miền quyết tâm giành thắng lợi.
Người nhắc nhở: Bước vào năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và nhân dân ta cần cố gắng làm cho năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm hoàn toàn thắng lợi. Người nhờ các đại biểu chuyển tới đồng bào miền Nam lời chúc năm mới đoàn kết hơn nữa, mặt trận chống Mỹ-Diệm ngày càng mở rộng để đấu tranh giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn. Bác có lời khuyên: “Đường lối chủ trương có rồi, phải có biện pháp thực hiện cho tốt. CNXH là phải có biện pháp. Kế hoạch một phần biện pháp phải hai phần và quyết tâm phải ba phần, có như thế mới có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước”.
Từ trong sâu thẳm trái tim mình, Bác Hồ nhớ về miền Nam ruột thịt “Thành đồng Tổ quốc”, bởi đó là “máu của máu, là thịt của thịt Việt Nam”. Trong ý thơ của Người “Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới”, độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, non sông liền một dải không chỉ là khát vọng, đó còn là chân lý. Bởi vậy, cũng như một lẽ tự nhiên, tình cảm, tấm lòng của Người luôn hướng về miền Nam và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc hiển hiện trong lời thơ chúc Tết của Người. Yêu thương và gắn bó với miền Nam, Người không chỉ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sự chi viện về vật chất và tinh thần của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho miền Nam ruột thịt, mà mỗi thắng lợi của đồng bào miền Nam cũng dường như tiếp thêm sức mạnh cho Người.
Cuối bài thơ, Người “Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Người nói đơn giản, cụ thể, dễ hiểu, nôm na đi vào lòng người một cách sâu sắc: “Chủ nghĩa xã hội là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”. CNXH là một chế độ chính trị, là “chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”. Chế độ dân chủ ấy cần sự lãnh đạo của Đảng. Người chỉ rõ: Đảng lãnh đạo nghĩa là tất cả các cán bộ từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào, ngành nào đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân, phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Thơ Chúc Tết của Bác nói chung và Bài thơ Xuân Tân Sửu 1961 nói riêng như hồi kèn xung trận, như là khẩu hiệu hành động, là lời kêu gọi, lời hịch của cha ông và của Đảng ẩn trong tiếng nói, tiếng thơ của một lãnh tụ vĩ đại.
Năm Tân Sửu 1961 cũng là năm Sửu cuối cùng của Bác, nhưng những lời Người nói, những việc Người làm thì mãi trường tồn cùng dân tộc, núi sông. Tư tưởng của Người mãi mãi vẫn là vẻ đẹp tâm hồn và sức xuân của dân tộc Việt Nam.
Hơn nửa thập kỷ kể từ khi Người đi xa, mỗi độ xuân về, đón một năm mới với những nhiệm vụ mới, mỗi người dân Việt Nam vẫn như thấy âm vang những lời kêu gọi, giục giã, cổ vũ, động viên trong những bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh thuở nào; vẫn thấy tràn đầy một niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc trên hành trình đi tới tương lai. Đọc thơ chúc Tết của Người, chúng ta thêm tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc; hiểu rõ hơn trách nhiệm cao cả của Bác với Tổ quốc, với nhân dân.
Tân Sửu 2021 đã về, đất trời đã vào xuân, đọc lại những lời thơ chúc Tết của Bác mỗi dịp Tết đến xuân về càng làm ấm lòng mỗi người dân Việt Nam, toả ánh sáng và dẫn đường để đưa sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước tiến lên CNXH.
Bác Hồ về thăm quê Kim Liên, Nghệ An năm 1961
PHẠM PHÚ BÌNH