NHIỆM VỤ … BẤT ĐẮC DĨ ! (Chuyện kể nhân ngày Thầy Thuốc VN 27/2)

Lời phi lộ:

Được anh bạn trong ngành gợi ý tôi viết 1 bài báo,  lỡ hứa mà giờ cuối không tìm được đề tài "hot"   nên đánh liều viết bài dạng ký sự tếu táo … liên quan đến cái ngành y tế công cộng (public health) mà sau nhiều giai đoạn thăng trầm giờ được mang danh xưng "y học dự phòng" gắn với cơ quan CDC của các tỉnh,  thành hiện nay.

Vài mẫu chuyện kể dưới đây có lẽ đã trên 40 năm!

TẢN MẠN VỀ NGÀNH HỌC:

 Bạn có biết trước ngày 30/4/75 chương trình học của ngành y tế công cộng (public health)  này là gì?

Thực tế thì các học viên như chúng tôi mới chân ướt,  chân ráo vào học tại Viện Quốc gia y tế công cộng ở Sài Gòn cũng bỡ ngỡ khi nghe thầy Giáo vụ giới thiệu về chương trình học 3 năm của lớp Cán sự YTCC - được tổ chức thi tuyển toàn quốc với chỉ tiêu chỉ có 60 học viên (cấp Bác sĩ YTCC dành cho các CSYT thâm niên và cả các vị Bác sĩ đa khoa lão làng mà khoái cái ngành YTCC , tất nhiên là phải tu nghiệp 1 năm ở nước ngoài như Philippines,  Canada,  Hà Lan…) 

Trở lại với cái danh mục học phần lớp CSYTCC: Từ học các môn tưởng chừng chẳng ăn nhập đến chuyên môn như tiếng Anh,  tiếng Latin,  Tâm lý học,  Lịch sử y học… . cho tới chương trình  y học cơ sở,  sơ lược bệnh học, sơ cấp cứu,  bệnh truyền nhiễm,  kể cả các chuyên khoa lẻ như bệnh về da liễu,  bệnh nhiệt đới, bệnh lây truyền từ động vật,  bệnh lão khoa, Dinh dưỡng và cả cái môn phụ sản…,  chưa kể các môn chẳng giống ai (đối với ngành y)  như đo tọa độ địa hình,  quy tắc xây dựng công trình nông thôn,  xây dựng cầu tiêu công cộng,  kỹ thuật đào giếng … Sẵn đây xin nhắc kỷ niệm "vui"…  ra nước mắt: Số là sau ngày 30/4/75,  lúc tiếp quản cái Viện QGYTCC này,  có một vị Cán bộ Quân quản sau khi xem xét tài liệu và chương trình huấn luyện của trường,  nghi ngờ "đây là ý đồ thâm nhập nông thôn, lấy lòng dân chúng hầu phục vụ mục đích chính trị " (?! ).

CÔNG TÁC … BẤT ĐẮC DĨ!

Giờ xin kể vài sự kiện liều lĩnh,  táo bạo của bản thân sau cái ngày Viện QGYTCC tạm đóng cửa vô thời hạn,  cho nên tôi phải khăn gói trở về quê nhà Cần Thơ, được giới thiệu công tác tại Trạm y tế. Lúc này xã hội phát động nhiều mô hình "vệ sinh trong nhà,  ngoài phố" nên chú em thanh niên học từ Sài Gòn về có đất dụng võ ngay,  rồi thấy cậu Đoàn viên thanh niên này xông xáo,  tích cực với tinh thần "đâu cần thanh niên có,  việc gì khó có thanh niên" nên các chú lãnh đạo có lúc điều tôi đi tham gia công tác … thú y! Cũng vui khi được tham gia kiểm tra lò giết mổ gia súc từ lúc 4 giờ sáng.  Thời này còn ảnh hưởng của thời Quân quản cho nên hiệu lệnh quản lý nhà nước rất nghiêm,  với máu nhiệt tình Cách mạng của cậu thanh niên "mới vô nghề" có lẽ làm các chú Cán bộ Thú y cũ (gọi là Cán bộ lưu dụng) khá e dè,  vì mỗi buổi có tôi trực y như là có hàng chục kí thịt,  phần nhiều là phủ tạng gia súc bị tôi đề nghị cắt bỏ để tiêu hủy vì có bệnh tích như hiện diện trứng ký sinh trùng,  lao hạch,  sung huyết; nhớ có lần tôi đề nghị tiêu hủy con heo cả trên 60 kí đã ăn nhầm bả thuốc chuột dạng Phosphure kẽm,  báo hại chủ chăn nuôi méo mặt vì tiếc của (thời này thịt heo quý lắm); tuy nhiên cũng có lúc tôi bất đắc dĩ … làm việc nghĩa, số là một buổi nọ sau giờ nghỉ trưa,  khoảng hơn 11 giờ còn lân la ở cơ quan,  bỗng có một chị hơ hãi bước vào xin nhờ đến nhà đỡ đẻ cho … . con heo nái!  Vì giờ này các chú cán bộ Thú y lão luyện trong nghề đã về hết,  mà nghe chị ta nói con heo đã đẻ được 3 con và chết 2 con,  rồi cả 20 phút sau … không rặn nữa nên nhờ "cán bộ" đến cứu giúp khẩn cấp, thế là tôi liều mạng theo chị đến nhà để giải quyết … một cas đẻ khó. Sau khi tiêm 1 liều Oxytoxin,  tôi ra tay vào "cửa mình" con heo nái và lần lượt rước ra, cứu  5 chú heo con chưa bị chết ngạt.

Chủ nhà rối rít cám ơn và khen ngợi,  chứ họ đâu ngờ đây là cas đỡ đẻ đầu tiên trong đời,  mà tôi chỉ dựa vào kiến thức sơ đẳng sau thời gian  1 tháng thực tập tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ ngày xưa (Nguyên lý heo đẻ cũng gần giống như người sanh thôi mà) - Đúng là hay không bằng hên!

Tuy nhiên,  riêng cái nghề "thiến heo" xem ra không khá,  vì tôi cũng từng theo các chú CB thú y già để học hỏi,  thực hành trên các trại chăn nuôi,  thấy cách cắt bộ sinh dục các chú heo đực để "triệt sản" mà ghê rợn và đau lòng,  nên tôi cương quyết không tham gia động thủ nhát nào!

Một chuyện khác cũng liên quan đến bệnh thú vật vào năm 1986, khi ấy có tin báo từ huyện Châu Thành của tỉnh Hậu Giang cũ (gồm Cần Thơ,  Vị Thanh và Sóc Trăng),  tôi lúc này là Cán bộ phụ trách Tổ Dinh Dưỡng - Vệ sinh thực phẩm của Trung tâm y tế dự phòng,  được dự buổi họp chuyên môn khẩn cấp về "chứng bệnh lạ" của con trâu đã gây cho gần 30 người bị ngộ độc sau khi ăn thịt con trâu chết (có 1 người sau đó tử vong).  Đa số các vị Bác sĩ,  Dược sĩ tuy có trình độ và thâm niên,  nhưng lại quên phắt chứng bệnh Nhiệt thán ở gia súc có thể lây nhiễm cho con người!  Lại là ăn may,   vì khi nghe mô tả bệnh lý và triệu chứng trên con trâu và người bệnh,  tôi đưa ra ý kiến nên tầm soát cas bệnh nghi nhiệt thán này,  đa phần phản bác với luận điểm khó thuyết phục của tôi,  vì bệnh này đã vắng bóng ở Việt Nam có lẽ trên nửa thế kỷ,  ngọai trừ một ý kiến ủng hộ tôi là của Thủ trưởng cơ quan.  Như các bạn đã biết,  cuối cùng Phân viện Thú y miền Nam cũng công nhận cas bệnh này, thế là ngành y tế và thú y Cần Thơ phải một phen xử lý ổ dịch vất vả (Biết đâu nhờ vậy mà con vi khuẩn Bacillus anthracis gây bệnh nhiệt thán không còn có cơ hội phát tán mầm bệnh)

  Qua câu chuyện mang tính tản mạn này,  người viết muốn khơi gợi lại cái đáng quý của ngành YTCC ngày xưa với tôn chỉ học để phục vụ bà con nông thôn và cái chất "bạt mạng" dấn thân của những người trẻ tuổi trót theo đuổi cái ngành y tế dự phòng.

 Xin chúc các bạn đồng nghiệp mọi điều tốt đẹp và luôn yêu nghề nhân ngày Thầy Thuốc VN

       CNYK.  Đàm Hồng Hải