MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý HOÀN THIỆN CHỊ THỊ 42-CT/TW
Theo đề nghị của Ban Tuyên Giáo Trung ương tại Công văn số 6552/BTGTW ngày 29/5/2019, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (viết tắt là Liên hiệp Hội) tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vừa qua, tại Khánh Hòa, Liên hiệp Hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các địa phương và tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân trong ngành. Nhân dịp này tôi xin góp ý một số điểm nhằm hoàn thiên công tác tổng kết như sau:
Một là, về công tác tổ chức: Nhín chung công tác tổ chức các hội trên phạm vi toàn quốc đang có sử khác biệt nhau trên một số mặt.
Về số lượng hội thành viên ở các địa phương rất khác nhau: có địa phương chỉ có 10-15 hội, có địa phương 20-25 hội, có địa phương thì 35-40 hội. Đáng chú ý là ở tỉnh này thì hội A nằm trong Liên hiệp Hội, nhưng ở tỉnh khác lại nằm ngoài Liên hiệp Hội mà nhiều hội như thế. Cụ thể như Hội Luật gia, Hội Nhà báo, Hội Khuyến học...
Điều lưu ý nữa là Liên hiệp Hội, các hội thành viên đều do UBND tỉnh, thành phố phê chuẩn điều lệ và công nhận Ban Chấp hành nên có tình trạng có hội không muốn phục tùng, hợp tác với Liên hiệp Hội. Đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp Liên hiệp Hội Việt Nam hướng dẫn cho thống nhất, đồng bộ.
Về chức năng nhiêm vụ của các ban trực thuộc Liên hiệp Hội địa phương: Hiên nay có 2 Ban là Ban KHCN và Tư vấn, Phản biện, Giám định xã hội; Ban Thông tin Phổ biến kiến thức và Hội viên. Tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn chức năng nhiệm vụ cụ thể mà lâu nay làm theo các công văn hướng dẫn từng mặt, từng việc, vì vậy đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam cần hướng dẫn chặt chẽ, sát sao hơn.
Hiện nay, đươc biết một số địa phương có thành lập Liên hiệp Hội ở cấp huyện như Quảng Trị, Hải Dương, Hà Tĩnh,... như vậy có hợp pháp hợp lệ không?
Vấn đề tiêu chuẩn đề bạt các bộ: Việc đề bạt cán bộ từ nhân viên lên Phó Ban hoặc Phó Ban lên Trưởng Ban, có cần phải có bằng trung cấp chính trị (bằng đỏ) và bằng quản lý nhà nước không? Tuy nhiên, các địa phương đang gặp khó là do cán bô thường trực ban đều là cán bộ hưu trí và sinh hoạt Đảng ở địa phương, nên cơ quan không thành lập được chi bộ, không phát triển được Đảng viên, do vậy công chức cơ quan không được đi học trung cấp chính trị. Vây nếu đề bạt chức vụ có gì sai phạm, nếu không bồi dưỡng cán bộ nguồn thì lấy ai thay thế. Đề nghị các cơ quan Trung ương hướng dẫn để địa phương thực hiện cho đúng.
Vấn đề Đại hội Liên hiệp Hội hai cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố: Do các địa phương thành lập ở các thời điểm khác nhau, mà nhiệm kỳ là 5 năm nên các địa phương Đại hội lẻ tẻ các năm khác nhau và không khớp với đại hội ở TW. Nên chăng TW nên có bước sắp xếp các Liên hiệp Hội địa phương tiến hành Đại hội xong trước khi tiến tới đại hội Liên hiệp Hội Việt Nam (giống như Đại hội Đảng và các tổ chúc chính trị - xã hội khác). Nên có bước quá độ nhảy vọt như vậy thì mới ổn định sau này, nền nếp, khoa học. Như vậy nếu các hội vừa Đại hội xong thì không phải Đại hội nữa, địa phương nào chưa đến thời điểm Đại hội thì cho kéo dài phù hợp với TW ...
Hai là, vấn đề Đảng đoàn: qua theo dõi các địa phương, đến nay còn một số ít tỉnh, thành phố chưa có Đảng đoàn. Tuy nhiên nơi có quy chế làm việc, nơi không có, hoặc có thì cũng sơ sài. Đề nghị TW nên có hướng dẫn quy chế mẫu thống nhất cho các địa phương cùng thực hiện.
Ba là, về tư vấn,phản biên và giám định xã hội: Việc hướng dẫn của Chính phủ chưa sát với các văn bản của Đảng. Do đó, hầu hết các địa phương thực hiên được ít công trình sản phẩm, và tùy theo các địa phương, đồng chí Chủ tịch Liên hiệp Hội có mạnh hay không (là Phó Chủ tịch UBND tỉnh hay là đồng chí Thường vụ nghỉ hưu sang làm Chủ tịch Liên hiệp Hội). Qua thực tế cho thấy các văn bản hướng dẫn vẫn tiềm ẩn cơ chế xin – cho, vì vậy mà Liên hiệp Hội Cần Thơ nhiều lần gửi văn bản đến các Sở ngành xin đặt hàng nhưng không có cơ quan nào thật sự chú ý, quan tâm đến. Trung ương nên quy định rõ công trình đề án nào thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Qua đây, chúng tôi thấy rằng cần phải có kinh phí để tuyên truyền rộng rãi, đa dạng hóa các phương tiện, để các cơ quan và nhân dân hiểu rõ lợi ích của tư vấn phản biện và giám định xã hội.Thực hiện TVPB và GĐXH sẽ góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng có hiệu quả, nếu không làm sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội.
Đề nghị TW thành lập ngân hàng dữ liệu các nhà trí thức từ các ngành ở TW và những trí thức đã được tôn vinh trí thức tiêu biểu toàn quốc, giúp cho các địa phương mời gọi tham gia tư vấn, khi cần thiết, nếu các địa phương tự tìm kiếm thì khó khăn.
Trên đây là một số đóng góp để Liên hiệp Hội chon lọc, bổ sung vào phương hướng báo cáo cho ban Tuyên giáo Trung ương.
Xuân Ba