Nâng cao thu nhập nhờ vào phát triển sinh vật bản địa mô hình ốc bươu đen cho hiệu quả kinh tế cao

Sáng ngày 25/04, tại xã Mỹ Khánh - Phong Điền, được sự chỉ dẫn của người dân chúng tôi tìm đến nhà bác Thanh – một lão nông có hơn 7 năm kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen. Bác Thanh là một trong những người nông dân giỏi của xã, trước khi nối nghiệp với ốc bươu thì bác cũng từng có tiếng trong nuôi cá, nuôi heo. Hai chữ “tình cờ” do được gặp và trao đổi với thương lái thu mua ốc bươu và nhận thấy có tiềm năng bác Thanh đã chuyển sang nghề nuôi ốc.

Bác Thanh (ngoài cùng bên trái) trao đổi chia sẻ mô hình nuôi ốc bươu.

 

Theo mỗi bước chân bác chúng tôi được mở mang tầm mắt với những ao đầy bèo tai tượng trên bề mặt, lùa bèo ra thì xuất hiện ốc bươu đủ cỡ đang bám bèo ăn.Tại đây, bác chỉ phân biệt ốc bươu đen và ốc bươu vàng: ốc bươu đen có vỏ màu đen bóng mẩy khá đều màu, vỏ trơn, đỉnh vỏ tù, rãnh xoắn và rốn ốc cạn, trứng ốc to hơn và có màu trắng và nở trong nhiệt độ ẩm và mát; ốc bươu vàng có màu hơi vàng, thỉnh thoảng có con màu đen tùy thuộc môi trường sống, trứng ốc nhỏ và màu hồng và nở trong khoảng nhiệt độ ấm, vỏ ốc hơi gồ ghề, đặc biệt rốn của ốc bươu vàng sâu, rãnh xoắn sâu và đỉnh nhọn hơn.

Thông tin thú vị hơn là hai loài ốc này không lai được với nhau, quan trọng là không nên để 2 loài ốc này sống chung ao, bởi ốc bươu vàng vốn là loài ngoại lai, mang đặc tính ăn tạp và phát triển mạnh, điều này cạnh tranh thức ăn với ốc bươu đen sẽ làm ốc chết vì đói. Trong quá trình nuôi bác Thanh đã tự mình tìm tòi nghiên cứu và kết hợp thử nghiệm phát hiện ra. Với một tư duy không biết dừng lại, hiện bác đang trong quá trình nghiên cứu chu kỳ sinh sản của ốc. Không ngừng học hỏi cho bản thân mà bác còn hợp tác với trường Đại học Cần Thơ, tiếp nhận cũng như tạo cơ hội cho sinh viên học hỏi cùng nghiên cứu.

Muốn nuôi ốc thì phải biết tập tính của chúng, chúng thích ẩn mình chỗ mát như hiện mình dưới bóng cây mát, bám bèo. Về phân biệt giống đực cái, theo lý thuyết thì con đực có nắp lồi lên, con cái thì lõm xuống nhưng theo thực nghiệm của bác là không phải hẳn chính xác như vậy. Vì vậy, việc thả con giống đực hay cái là tỷ lệ ngẫu nhiên. Khi thả con giống nhỏ phải để trên miếng lưới nhỏ căng ra trên bề mặt nước để ốc con từ từ bò xuống, với ốc lớn không nên đổ thẳng xuống ao như vậy sẽ làm ốc chết bởi tổn thương do va đập lẫn nhau và sốc đột ngột khi đổ thẳng xuống nước, cách hữu hiệu nhất là để ốc gần mé bờ ao để ốc tự bò xuống.

Về thức ăn, ốc bươu đen thích bèo tai tượng, các trái cây như mít, đu đủ, dưa.. chúng ăn phần bã lá già bên dưới bị phân hủy. Nói đến đây bác Thanh nhấn mạnh “ốc ăn dơ nhưng ở sạch”, việc tận dụng bèo tai tượng không chỉ là thức ăn khoái khẩu mà còn là công cụ lọc nước để giữ cho môi trường nước vừa sạch.

Trong tự nhiên ốc có kẻ thù chính là chuột, bìm bịp và gà ăn trứng ốc, buổi sáng ốc lên đẻ chiếm 70%, buổi tối chiếm 30% nên mỗi ngày cần đi thăm ao để lượm trứng ốc tránh bị gà ăn. Với người nuôi, ngoài những thiệt hại trên thì người bắt trộm ốc cũng là mối lo bởi ốc là một món ăn ngon và sản phẩm có giá trị (40 – 50 ngàn/kg cho thương lái), 1 kg ốc chất lượng tầm 20 – 25 con/kg.

Vừa là nơi cung cấp con giống, bác chia sẽ thêm: ốc con sau khi nở được 2 tuần lễ sẽ cắt bớt khẩu phần ăn để ốc chậm lớn và dày vỏ, giảm tỷ lệ hao hụt nếu vận chuyển đi xa. Lựa chọn ốc bố mẹ làm giống phải cẩn thận lựa chọn, tránh mua ngoài chợ do quá trình vận chuyển và buôn bán làm cho ốc bị tổn thương mất sức, cần chọn nơi uy tín và trách nhiệm để mua giống.

 

Đối với những hộ dân có diện tích ao mương hạn chế có thể kết hợp nuôi bạt nhựa. Lưu ý, cá thích màu xanh riêng ốc thích màu đỏ nên khi nuôi lật mặt đỏ của bạt lên trên, cần đào đất sâu một khoảng để giữ ẩm cho môi trường nuôi, mực nước tính từ đáy khoảng 80 – 100 cm. Ốc không chịu nắng gắt nên cần che thêm một lớp lưới lan để làm dịu lại, một trở ngại gặp phải là nếu nuôi bạt nhựa thì cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp để tránh dư làm ô nhiễm nước, sẽ tốn công thay nước thường xuyên.

Tự hào với mô hình nuôi ốc sạch và đạt chất lượng, bác Thanh không ngần ngại sẽ chia để bà con gần xa cùng phát triển mô hình nâng cao chất lượng cuốc sống. Cho tới thời điểm hiện tại, mô hình của bác đã cung cấp con giống trên khắp cả nước bởi sự uy tính, nhiệt tình và chất lượng. Sắp tới, bác sẽ tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng mô hình tại gia đình và những hộ dân có quan tâm.

 

 

Thị Sử