Ngày 27/07/2019 vừa qua, câu lạc bộ Nông Xanh đã tổ chức thành công buổi seminar “Kinh tế hợp tác nông thôn”. Hai khách mời chuẩn bị 2 chuyên đề cùng thảo luận: Những thách thức của hợp tác xã nông nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam; tính liên kết và mối quan hệ trong cộng đồng. Buổi họp đã thu hút các đơn vị có liên quan như thành viên hợp tác xã (HTX) cam soàn Ô Môn, HTX Thuận Thới Vĩnh Long, HTX Long Hiệp Trà Vinh, trang trại Ếch Ộp An Giang cùng một số nông dân tại thành phố Cần Thơ cùng tham gia với các thành viên Câu lạc bộ.
Những thách thức của hợp tác xã nông nghiệp, báo cáo viên: Phạm Trung Tuấn (Ảnh: TS)
Mở đầu với chuyên đề: “Những thách thức của hợp tác xã Nông nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam” với phần trình bày của TS. Phạm Trung Tuấn- giảng viên Trường Đại học An Giang đã tái hiện lại mô hình hợp tác xã trên thế giới từ khi thành lập ở nước Anh năm 1844 cho đến hiện tại. Bài báo cáo đã chỉ ra 5 thách thức lớn trong sự vận hành một HTX là:
1) Lợi ích của các thành viên trong 1 HTX (Chưa có sự khác biệt rõ rệt về lợi ích giữa thành viên HTX và người bên ngoài; thành viên tham gia trước và sau vẫn không có sự khác biệt về lợi ích).
2) Chiến lược đầu tư dài hạn (người lãnh đạo không chỉ duy trì mà còn phải dẫn dắt HTX phát triển).
3) Quyền quyết định đầu tư (cần sự thống nhất của tất cả các thành viên nên có thể mất thời gian và cơ hội, trong khi đó giám đốc hoặc chủ tịch Hội đồng quản trị không có quyền tự quyết dù họ thường có kinh nghiệm và kiến thức hơn).
4) Quyền điều hành của ban quản trị trong một HTX (thường bị chi phối bởi nhà nước trong việc chọn Hội đồng quản trị dẫn đến việc hoạt động không hiệu quả).
5) Chi phí ảnh hưởng.
Số lượng hợp tác xã tại Việt Nam tương đối nhiều nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở việc thành lập, hoạt động ổn định hoặc giải thế (ngoại trừ Sai Gon Coop hiện đang quản lý hệ thống siêu thị Coop Mart khắp cả nước). Trong khi trên thế giới, các HTX phát triển có thể phát triển thành mức độ cao hơn như công ty cổ phần hay HTX thế hệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thành viên cũng như xã hội. Về lực lượng nhân sự, đa số HTX tại Việt Nam là những thành viên lớn tuổi dày dặn kinh nghiệm đảm nhiệm nhưng lại thiếu kiến thức về tìm đầu ra cho sản phẩm, marketing và chăm sóc khách hàng. Việc kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp hoặc thuê lực lượng trẻ chuyên về buôn bán và thị trường sẽ giúp tìm được đầu ra cũng như tăng lợi nhuận cho HTX. Nhìn chung, các HTX ở Việt Nam được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước. Tuy nhiên, để thành công cần nhiều nỗ lực hơn từ chính các HTX về nhân lực, quản trị, tài chính, và kết nối thị trường, trong đó nhân lực trẻ là một yếu tố quan trọng.
Tiếp nối là phần trình bày của anh Trương Thành Đạt – trang trại Ếch Ộp An Giang về "Tính liên kết giữa nông trạm Ếch Ộp và các thành viên". Anh chia sẻ, mô hình này khác so với mô hình HTX về sự vận hành dựa trên một trại trung tâm. Qua đó, trại chính và trại thành viên sẽ bổ sung cho nhau về các loại nông sản và các nguồn vật liệu đầu vào. Để trở thành trại thành viên, nông dân phải là người cùng chí hướng và cam kết tuân thủ theo quy tắc của trại Ếch Ộp, đồng thời được tạo điều kiện để tiếp cận làm quen với nguyên tắc, phương pháp trồng trọt của trại, và cuối cùng được bao tiêu toàn bộ nông sản và quyết định giá bán cho trại trung tâm. Nguyên tắc của Ếch Ộp là sản xuất ra những sản phẩm sạch, an toàn từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dung bằng 4 nguyên tắc của Ếch Ộp là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc cỏ, không dùng chất kích thích sinh trưởng, không giống biến đổi gen, sử dụng phân hữu cơ kết hợp với lượng phân hóa học hợp lý có kiểm soát. Từ đây, sản phẩm tạo ra đến với tay người tiêu dùng dựa vào 4 tiêu chí là an toàn, ngon, đẹp và giá cả hợp lý. Quan trọng hơn, trại tiến hành khảo sát nhu cầu và sự chấp nhận của khách hàng đối với giá cả, đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu khách hàng chu đáo nhằm phục vụ tốt hơn trong tương lai. Nhờ đó, Ếch Ộp đã và đang chiếm trọn lòng tin của người tiêu dùng.
Các thảo luận xoay quanh vấn đề trên đều cho thấy con người là mấu chốt cho sự thành công hay thất bại. Chú ý và quan tâm bồi dưỡng con người, đặc biệt là thế hệ trẻ vào hệ thống điều hành để phát triển một tổ chức.
Thúy Kiều + Thị Sử.