Thực hiện Đề án một triệu hec-ta lúa chất lượng cao phát thải thấp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai thực hiện, nhóm doanh nghiệp (DN) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phối hợp các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, hợp tác xã và người nông dân liên kết thực hiện “Mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp” bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan, có thể nhân rộng mang lại thu nhập cao cho người trồng lúa.
Mô hình luôn cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật
Giới thiệu về mô hình tại Hội thảo “Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo” do Văn phòng Điều phối Nông nghiệp Nông thôn ĐBSCL thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào đầu tháng 5/2024, GS-TS Nguyễn Bảo Vệ - Trường Đại học Cần Thơ cho biết, mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải ở vùng ĐBSCL là Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty phân bón Bình Điền cùng với nhóm nhà khoa học, các cán bộ kỹ thuật của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và nông dân trồng lúa.
GS-TS Nguyễn Bảo Vệ giới thiệu mô hình canh tác lúa thông minh vùng ĐBSCL.
Chương trình có quy mô lớn thực hiện qua nhiều năm, từ năm 2016 đến năm 2022 với khoảng 6 mô hình được triển khai thực hiện. Mỗi một mô hình như vậy là thực hiện trên diện tích khoảng 5 hec –ta, trải khắp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Theo GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, mô hình canh tác lúa thông minh áp dụng quy trình mở, tức là quy trình luôn cập nhật mới những tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với mô hình triển khai.
Mô hình canh tác lúa thông minh đang được triển khai thực hiện ở vùng ĐBSCL.
Qua 7 vụ canh tác từ năm 2016 đến năm 2022 thì hiệu quả của nó tăng năng suất bình quân mỗi một vụ khoảng 0,5 tấn/ha, và chi phí của người nông dân giảm khoảng 1 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm 5 triệu đồng/ha.
Với kết quả này, năm 2023 sau khi Chương trình kết thúc đã được Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT công nhận là một tiến bộ kỹ thuật. Theo đó, Bộ đã yêu cầu nhóm tác giả cần nhanh chóng triển khai nhân rộng tiến bộ khoa học kỹ thuật này và đến nay, đã có nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã lồng ghép canh tác lúa thông minh vào sản xuất lúa của địa phương.
Đặc biệt là vào vụ Đông Xuân năm 2023-2024, canh tác lúa thông minh thêm một cải tiến mới đó là lập nhóm doanh nghiệp (DN) hợp tác với nông dân để thực hiện mô hình Đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang và Long An. Nhóm DN này gồm các công ty: Công ty Bình Điền, Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Bayer Việt Nam, Công ty Vinarice và Công ty Tân Long…
Canh tác lúa thông minh mang lại hiệu quả vượt trội
Thu hoạch lúa ở vùng ĐBSCL
GS-TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết, trong 4 DN có 1 DN phụ trách về phân bón, 1 DN phụ trách về máy móc và gieo sạ, 1 DN phụ trách thuốc bảo vệ thực vật và và 1 DN phụ trách về giống. Qua mô hình liên kết này, trong vụ Đông Xuân 2023 -2024 kết quả triển khai ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ và Long An theo Đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao giảm phát thải cho thấy, năng suất tăng 0,51 tấn/ha, chi phí giảm 1,3 triệu đồng/ha, phun thuốc giảm 1,4 lần/ha, phân bón giảm 35 kg/ha, lượng giống giảm 82kg/ha, lợi nhuận tăng 6,4 triệu đồng/ha.
Theo Viện lúa ĐBSCL, lượng phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,4 lần/ha, lượng phân đạm giảm 35 kg/ha, giống giảm 82 kg/ha… làm giảm lượng phát thải đến 24%. Đây là một tín hiệu rất khả quan từ mô hình liên kết này.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đạt được mở ra tín hiệu tốt để nhân rộng triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho Bộ NN&PTNT chủ trì phát động, GS-TS Nguyễn Bảo Vệ cho rằng mô hình liên kết nhóm DN canh tác lúa thông minh vẫn còn thiếu vắng các DN giữ vai trò thu mua lúa, sấy lúa, chế biến gạo và đo lượng phát thải khí, xác định chứng chỉ cacbon. Vì vậy, cần có một sự liên kết toàn diện hơn để mang lại nhiều cái lợi hơn.
“Trong mô hình canh tác lúa thông minh, ở mỗi khâu trong kỹ thuật canh tác đều bám chặt vào quy trình canh tác do Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT biên soạn trong Đề án 1 triệu hec-ta lúa và có kết hợp với mô hình canh tác lúa thông minh đã thực hiện trong thời gian qua để hợp tác, phân công trong thực hiện duy trì canh tác lúa thông minh cùng với bà con nông dân”
Ví dụ ở khâu làm đất, mô hình áp dụng 6 bước, có sự phân công của các DN trong thực hiện quy trình canh tác lúa thông minh như Công ty Bình Điền thì chuyên về đất và phân, Công ty Kim Hồng chịu trách nhiệm về máy sạ cụm, Công ty Vinarice cung cấp giống đạt chuẩn, Công ty Bayer Việt Nam lo khâu bảo vệ hạt giống, bảo đảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật để giảm phát thải…Tuy nhiên quy trình canh tác không chỉ là đất và phân mà còn là vấn đề về chọn giống, giống xác nhận, cho đến vấn đề máy móc thiết bị nông nghiệp, vấn đề thu mua lúa khi thu hoạch …
Ở trong đề án 1 triệu hecta của Bộ có vấn đề phát thải thấp, đo lượng cacbon như vậy mỗi một DN tự mình hợp tác với HTX với nông dân làm, chúng ta có được thế mạnh về mặt chuyên môn mà nhiều khi nó lại bị lỗi ở một khâu khác của kỹ thuật canh tác khiến kết quả và chất lượng của hạt gạo sau này cũng như năng suất lợi nhuận của bà con nông dân, mình phải giảm chi phí sản xuất nữa .., Vì thế một sự hợp tác toàn diện sẽ cho chúng ta có nhiều cái lợi hơn.
Thực tế canh tác cho thấy, muốn chứng nhận mảnh ruộng đó lượng phát thải giảm bao nhiêu thì chúng ta không thể nào có đủ lượng máy móc mà đi đo từng thửa ruộng được. Do vậy, cần phải tìm cách chuyển đổi với kỹ thuật canh tác như thế nào để làm giảm phát thải khí nhà kính nên cần có một công ty chuyên về lĩnh vực này đi cùng trong nhóm DN trong mô hình canh tác lúa thông minh để có thể xác định, đảm bảo lượng khí phát thải đó được công nhận. GS-TS Nguyễn Bảo Vệ gợi ý.
Bài và ảnh: Phan Tại
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: GS-TS Nguyễn Bảo Vệ giới thiệu mô hình canh tác lúa thông minh ở vùng ĐBSCL (ảnh Phan Tại)
Ảnh 2: Mô hình canh tác lúa thông minh vùng ĐBSCL (Ảnh: Phan Tại)
Ảnh 3: Thu hoạch mùa vàng bội thu ở vùng ĐBSCL. (Ảnh: Phan Tại)