MAI VÀNG – MỘT SẮC HOA XUÂN

MAI  VÀNG – MỘT SẮC HOA XUÂN

                                                                      Hoài Phương

 

          Mỗi năm khi gió bấc về xôn xao, những cành mai bắt đầu chớm nụ, chính là lúc mọi người chuẩn bị tết. Do đó mai vàng từng được coi là biểu tượng của mùa xuân phương Nam, là linh hồn của thành phố trong lúc xuân về. Cũng chính vì vậy mà ông cha ta rất yêu quý mai, đặc biệt là mai cổ thụ, vì mai càng già hoa càng rực rỡ.   

          Người xưa quý trọng hoa mai vì cốt cách thanh cao. Cao Bá Quát, một đời dọc ngang kiêu bạc nhưng lại hạ bút :

                 “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,

                   Nhứt sinh đê thủ bái mai hoa.”

(Mười năm giao du tìm thanh kiếm cổ. Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai).

           Những người yêu thích mai thường tôn vinh những cây mai già, từng trải qua nhiều sương gió là “lão mai” và gọi bằng “ngài” hoặc “cụ”. Ngày tết nhiều người đã lấy giấy hồng điều viết chữ lộc hoặc thọ dán lên thân mai để mừng tuổi cho mai. Mai vàng còn gọi là huỳnh mai hay hoàng mai, sách Đại Nam nhất thống chí gọi là “ lạp mai ”. Đây là một loài hoa được phân bố nhiều nhứt từ Quảng Trị trở vào, có nơi mọc thành rừng. Cứ mỗi độ xuân về là mai lại “ anh hoa phát tiết ”, vàng óng ả. Trong sách “ Đất nước miền Nam ” nhà văn Lê Tấn có đoạn tả mai rừng ở chiến khu Đông Nam Bộ thật ấn tượng: “Một cánh rừng mai nở rộ khoe sắc vàng rực rỡ dưới ánh trăng khuya. Ôi! Có phải đây là bồng lai tiên cảnh!”. Mai vàng đúng là một loài hoa cốt cách, là sứ giả của mùa xuân phương Nam.

           Xuất phát từ ý nghĩa nhân văn sâu sắc và giá trị nghệ thuật của một loài hoa tết mà nhiều nghệ nhân hoa cảnh đã bỏ công, lặn lội sưu tầm nhiều cây mai quý hiếm, vừa già giặn cổ kính, vừa dáng thế hùng kỳ đem về chắt chiu, nuôi dưỡng và gởi hết tâm ý, hoài bão của mình vào gốc mai.

          Sáng mồng một tết, những lão mai nầy đều khai hoa nở nhụy, trông như một khối màu vàng rực sáng “Toàn thụ khai thành nhất đóa hoa”. Đó mới chính là mai “ngũ phúc” sẽ mang điềm “đại cát đại lợi” đến cho người trồng.

          Do vậy, cứ tết đến là trong nhà, ngoài vườn, cơ quan, khách sạn…đều rực rỡ những cành mai. Chính những cành mai xuân đã làm đẹp cho đời và mang đến cho con người một niềm tin yêu và tràn đầy hy vọng.

         Từ ý nghĩa và giá trị nhân văn đó mà nhiều nghệ nhân hoa kiểng đã sẵn sàng đầu tư vốn liếng để sưu tầm, chọn lọc và tạo dáng nhiều cây có giá trị nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của người chơi.   

 

           Về màu sắc, mai vàng phương Nam rất đa dạng và phong phú, sắc độ thay đổi từ vàng lợt đến vàng chanh, vàng cam, vàng mơ, vàng nghệ, vàng thau. Ngoài hoàng mai, Nam bộ còn có bạch mai, thanh mai, hồng mai …sắc màu thay đổi tùy theo thổ nhưỡng, thời tiết và môi trường.

         Đa số mai đều 5 cánh, đôi khi đột biến thành 6, 7, 8 đến hàng trăm cánh, nhưng các cụ xưa kia thích mai 5 cánh tròn đầy, vì đây mới là mai vàng truyền thống, mai “ngũ phúc”. Năm cánh hướng về một tâm điểm tạo thành vòng tròn như mặt trời và các nhụy hoa giống như những tia nắng rực rỡ ban mai.      

          Nhà dù giàu hay nghèo, Tết đến cũng phải có một vài cành mai để chưng trên bàn thờ tổ tiên hoặc trang hoàng nhà cửa. Tết với hoa như duyên tao ngộ, không hoa Tết sẽ trở thành nhạt nhẽo. Những kẻ ly hương, mỗi lần thấy mai nở rộ là mỗi lần bâng khuâng chạnh nhớ quê nhà. Những người yêu hoa nhìn thấy cành mai bung nụ, chúm chím là biết chúa Xuân sắp về.

          Ngày nay nhà nhà đều trồng mai, chơi mai, yêu quý mai như một người bạn thân thiết. Tết đến, trong nhà, ngoài vườn, cơ quan, khách sạn đều rực rỡ một vườn xuân, chính những cành mai xuân đó vừa làm cho ngôi nhà thêm cao sang, vừa mang đến cho chúng ta một niềm tin và hy vọng. Ngày Tết không ai hững hờ với mai.  

Ảnh: Xuân về trên những cánh hoa mai.

          Thiên nhiên là nơi bắt nguồn của cái đẹp và là nơi nuôi dưỡng tình người. Mai vàng không những đẹp mà còn tượng trưng cho nếp sống văn hóa lâu đời của dân tộc ta, do đó mai đối với miền Nam và đào đối với miền Bắc là những loài hoa mang nặng tình quê hương, thân thiết, gần gũi và gắn bó máu thịt với con người Việt Nam .