KÝ ỨC THÁNG TƯ
Trương Viết Hùng, nguyên cán bộ đi B
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc thắng lợi bởi chiến dịch Hồ Chí Minh 55 ngày đêm với tinh thần quân lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…”.
Từ 30/4/1975 đất nước ta đã sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế theo đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ 4 – cách mạng 4.0.
Chiến tranh đã lùi xa 43 năm, chúng ta đang sống trong những ngày hòa bình, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng không thể nào quên những ngày khói lửa đạn bom. Sống trong những ngày tháng tư này ký ức lại hiện về bởi mình là người trong cuộc.
ông Lê Nam Giới - nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ
đọc diễn văn khai mạc kỷ niệm 30 năm giải phóng Cần Thơ (ảnh: V.H)
* TẠM XA MIỀN BẮC THÂN YÊU
Tháng 11 năm 1974, theo lời phát động của Bộ Tài chính, tôi đã tình nguyện đăng ký đi B và đoàn cán bộ của Ty tài chính Ninh Bình. Lúc bấy giờ có 8 người (Văn phòng Ty có anh Trần Đăng Minh – phòng Tài vụ, anh Nguyễn Văn Thanh – phòng hành chính sự nghiệp, anh Lê Văn Ước – phòng tổng dự toán, anh Nguyễn Văn Thí – phòng Nông nghiệp (cán bộ tập kết), Trương Viết Hùng – phòng Thanh tra; cấp huyện có anh Lê Ngọc Anh – phòng Tài chính Hoa Lư, anh Phạm Văn Chiên, Mai Trực Ninh – phòng Tài chính Yên Mô).
Tạm biệt cơ quan, bạn bè, người thân chúng tôi lên đường, được Bộ Tài chính đưa về học tập bồi dưỡng (vỗ béo) để trang bị chính trị và sức khỏe để đi B. Sau hơn một tháng tại thôn Văn Khê – xã La Khê thuộc thị xã Hà Đông, Hà Tây nay là Hà Nội. Đoàn của bộ Tài chính là 180 người.
Sau đó chúng tôi được tập kết tại ga Thường Tín để lên tàu và ga Vinh là ga cuối cùng của miền Bắc. Do bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt không thể có đường vào Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trên tàu có lúc cười đùa giòn giã, có lúc lại trầm tư sâu lắng, mỗi người một suy nghĩ. Tâm trạng chung là nỗi nhớ gia đình, quê hương đi vào chiến trường chẳng biết sống chết ra sao. Mỗi người được trang bị một ba lô nặng trĩu, áo quần, tăng, võng, chăn màn, thuốc men, lương khô, bao nải đựng gạo, mũ cối, dao găm, bình toong, ăng gô…đồ tự nấu ăn suốt dọc đường hành quân (trừ khi đến các binh trạm). Nhiều lá thư gửi về nhà được tung từ trên tàu xuống sẽ được người dân lượm và đến bưu điện bỏ vào thùng.
Xuống ga Vinh, chúng tôi được di chuyển ngay trong đêm và đến Vĩnh Chấp – Vĩnh Linh cũng là 3-4 giờ sáng. Tạm nghỉ trong ngày, đêm bắt đầu hành quân bộ đến Khe Sanh, nghỉ đêm tại Khe Sanh, giăng võng bên cạnh hố bom còn nguyên mùi thuốc súng. Một đêm lạnh đến thấu xương, gian khổ cũng bắt đầu từ đây, phải trải nghiệm khó khăn vì mới ngày hôm qua còn phơi phới, ở nhà dân, mạ nấu cơm cho ăn, nấu khoai mì (sắn) với nếp thật thơm ngon. Tôi còn dạy con mạ chơi đàn bầu, số tôi lại đỏ làm sao. Nhà mạ có 2 chị em gái tuổi 18 đôi mươi, da trắng, mắt huyền thật dễ thương. Có lúc tôi nhìn lén em thì bắt gặp em cũng nhìn lén tôi và 2 bên đều cười tủm tỉm thật hồn nhiên. Sau này nghỉ lại giá mà tôi đã biết yêu, để sau ngày giải phóng trở về cưới nhau…
* KỶ NIỆM VƯỢT TRƯỜNG SƠN
Từ Khe Sanh chúng tôi lại hành quân qua Sava-nakhét, Salavan đến trạm đón tiếp T12 trên đất Lào. Ở đây chúng tôi được người dân nước bạn Lào vui mừng đón tiếp. Họ thì cần kẹp tóc, kim băng, giây thun, áo (phụ nữ), cần chăn đắp. Thế là một cuộc nhường cơm xẻ áo cho nhau, mình biếu họ một chăn chiên Nam Định, họ biếu lại cho “bộ đội” 2-3 con gà. Phía anh em thì sau đó một chiếc chăn xẻ đôi cho 2 người. Thế là vừa làm nghĩa vụ quốc tế, có gà ăn và vẫn có chăn lại nhẹ đôi vai, lợi cả đôi ba đường.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi vượt qua đến các trạm 13, 14, 15 của đường dây 559. May mắn là những nơi này là vùng giải phóng nên có đường cho ô tô, loại gát 63 của Trung Quốc. Tuy vậy xe vẫn phải cải trang bằng cây lá xanh, đường đi quanh co, hiểm trở, lúc thì chênh vênh bên vực thẳm, lúc thì leo dốc thẳng. Qua đèo Ăngbun, dốc con mèo, số phận chúng tôi được giao cho các anh lái xe. Nhưng các anh rất giỏi tay lái vững vàng với hàng ngàn chuyến chở bộ đội, cán bộ vào Nam, thương bệnh binh ra Bắc và thư từ, từ chiến trường ra Bắc cũng nhờ các đoàn xe này. Trên đường Trường Sơn xe ra, xe vào cứ vui như hội. Khi đến các binh trạm, đi tìm gặp người than, đồng hương thăm hỏi ai còn, ai mất và ghi vội lá thư nhờ chuyển về Bắc cho gia đình.
Khoảng 10 ngày chúng tôi đã đi hết đường dây 559. Tiếp theo đó chúng tôi đi theo đường dây giải phóng đi về Trung ương cục miền Nam. Khác với đi đường Trường Sơn (đường dây 559) là chủ yếu đi ban ngày, trong khi đó theo đường dây giải phóng lại chủ yếu là đi ban đêm. Đêm giao thừa năm ấy, đoàn xe dừng tại ngã ba Đông Dương, bắn thay pháo đón giao thừa, trong lòng mọi người đều rạo rực nhớ quê nhà da diết. Qua các trạm T7, T8, T9, T10 hết 1 tuần chúng tôi đã về đến đầu cầu nơi Trung ương cục đóng, sau này tôi mới biết đó là rừng ở Tây Ninh.
Chúng tôi được đón tiếp rất ân tình, lãnh đạo Bộ Tài chính Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chú Nguyễn Văn Ngự (9 Phước) và nhiều người như anh Năm Chấp – vụ Thuế Nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Ninh (sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục thuế)…Chúng tôi được nghỉ tại đây 4 ngày, Bộ Tài chính tổ chức ăn tết cho đoàn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con heo từ 100 đến vài trăm ký tôi hết hồn (vì heo ngoài Bắc chỉ 70-80kg) là đã cung cấp đi phục vụ quân đội.
Sau đó chúng tôi được chuyển đến bãi tập kết, tôi nhớ hôm đó là mùng 6 tết âm lịch. Đến đây chúng tôi được phổ biến “làm nhà” cố định. Thực ra là từng nhóm ở gần nhau, giăng võng, lấy tăng làm mái nhà để trú sương, mưa, làm bàn ghế, chỗ để tư trang hành lý. Trong khoảng 1 tháng (từ 21/2-25/3) chúng tôi lại tiếp tục học chính trị, tình hình cách mạng miền Nam và những thắng lợi của nhân dân ta. Hàng ngày nhiều tỉnh, thành phố được giải phóng, đặc biệt là nhiệm vụ tài chính – ngân hàng trong vùng giải phóng và công tác thu đảm phụ (thuế nông nghiệp) đảm bảo lương thực cho các cơ quan và quân đội, công tác dân vận trong quần chúng.
* CUỘC HÀNH QUÂN ĐẦY THÁCH THỨC
Ngày 25/3, Bộ Tài chính công bố danh sách cán bộ được tăng cường về T6, T8, khu Sài Gòn Gia Định, T3 miền Tây và những người được ở lại Trung ương cục, điều về các bộ ngành ở Trung ương cục.
Tôi và 25 người được phân công về T3, ngày này cũng là ngày chia tay mỗi người một ngã, rồi chẳng biết sống chết ra sao khi cuộc chiến tranh đang vào những giai đoạn cuối, giờ phút thật cảm động, thiêng liêng. Do Ninh Bình kết nghĩa với Bạc Liêu nên cán bộ Ty Tài chính Ninh Bình chúng tôi chủ yếu là về T3 cùng với một số anh quê các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Tây kết nghĩa với Cần Thơ, Hải Phòng, Bạc Liêu, Hà Tĩnh.
Ngày 26/3, chúng tôi từ bãi tập kết di chuyển đến Đại sứ quán T3. Ở đây, đoàn được đồng chí Tám Đồng là Trưởng trạm T3 đón tiếp (sau này dược biết đồng chí Tám Đông là bố vợ đồng chí Xuân Tươi nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ).
Cuộc hành quân đúng nghĩa phải đi bộ từ đây về miền Tây theo đường giao liên. Ngoài ba lô, tư trang còn phải thêm một số xoong nồi để tự nấu ăn, bao gạo đi đến đâu thì mua thêm. Thực phẩm là thịt, cá hộp, ruốc…rau thì xin hoặc mua của dân. Cuộc hành quân đầy gian nan, vất vả hơn một tháng trời (từ 27/3 đến 30/4/1975) từ Vàm Cỏ Đông đến trạm Tà Nông – Campuchia, đến Ba Thu (Long An), qua Đồng Tháp Mười, qua Kiến Tường sang Mỹ Tho (Ấp Bắc), qua sông Hàm Luông sang Mỏ Cày – Bến Tre, qua sông Cổ Chiên, sông Bát Sắt về Trà Vinh, vượt lộ 7 sang Vĩnh Long rồi lại qua Trà Vinh. Đi theo đường giao liên, chổ nào giải phóng, an toàn không có đồn địch thì đi. Đoàn về T3 không chỉ có cán bộ tài chính mà còn có ngân hàng, giáo dục, cán bộ Trung ương về hoặc cán bộ miền Tây đi công tác về, cán bộ trị bệnh ở Trung ương về…lên đến gần 200 người nên rất đông. Đi phải tuân theo chỉ dẫn của giao liên, có mật khẩu, có tên đoàn. Hô đi là phải đi, chạy là phải chạy, nằm xuống (khi nghe tiếng đạn cối bắn), hô gói đồ lội qua sông là phải gói. Không được nói chuyện, không được hút thuốc lá (sợ địch ngửi thấy mùi, không được mở lu khạp của dân uống nước…) nói chung là mệnh lệnh quân sự bí mật tuyệt đối, địch phát hiện là nó bắn đạn cối, pháo kích là chết. Cứ vào 4-5 giờ chiều là phải đi cho đến gần sáng hôm sau mới đến trạm. Có nhiều lần bị pháo kích (có khi là nó bắn vu vơ) là phải chạy. Có lần gần đến bờ sông thì tàu địch đi tuần tra trên sông, phải chờ cho nó đi qua, khi quay lại xa mới dám qua sông. Nhiều đêm phải nằm ngoài vườn mận, vườn chuối của dân.
Có đêm vượt lộ 4 lúc 8 giờ ngày 14/4 mới được nữa đoàn thì giao liên phát hiện xe địch chạy kiểm soát, phải lùi lại nằm xuống ruộng đất chờ cho xe chạy qua mấy cây số và quay lại xa mới tiếp tục qua lộ, mọi người đều đứng tim. Ngày 19/4, do tình hình căng thẳng không đi tiếp được phải nằm lại huyện Mỏ Cày 2 ngày. Khi vượt các sông lớn vào ban đêm phải chờ có tàu lớn an toàn giao liên có tín hiệu thế nào đó nhờ họ ghé vào và chở cán bộ qua sông 1-2 chuyến.
* NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN
Một kỷ niệm ai củng nhớ đời là hôm ở Ba Thu – Long An hồi 10 giờ kém 15, mọi người đang nấu cơm ăn thì có một máy bay trực thăng bay trên bầu trời, nó phát hiện nhiều khói. Một lúc sau, mấy chiếc xe tăng chậy quần, pháo bắn. May mà giao liên tỉnh táo, cho đoàn sớm chạy lên kênh 3 Reng – Đồng Tháp Mười. Người thì ôm cả nồi cơm chạy, tôi tiếc nồi cá kho nên ba lô đằng sau, nồi cá trước ngực chạy đến nơi mới có thức ăn và cũng phải nằm lại 2 ngày ở rừng tràm.
Những lúc chết hụt như thế này ai mà chẳng nhớ. Thêm một cái lo là leo cầu khỉ, đa số anh em miền Bắc chưa bao giờ leo cầu khỉ mà lại leo ban đêm, nhiều người té lăn xuống nước, ướt hết rồi lộm cộm bò lên. Cứ hành quân như vậy không có tin tức gì, không biết đi đến đâu. Có đêm sáng trăng mờ ảo còn thấy đường, có đêm trời tối giao liên nhắm hướng mà cắt đường, người sau bám người trước mà lội trên đất cày, khô văng đứt cả giày dép. Lội mương lên chân bùn đất không đi giày được, phải đi chân đất đau đớn. Nhưng hàng đêm nghe cuộc giao tranh ta tấn công địch, súng đạn nổ vang rền tạo thành tiếng cối xay lúa, nơi đó bộ đội ta chiến đấu, máu chảy đầu rơi, sự hi sinh gian khổ còn gấp bội. Từ đó mà tự củng cố tinh thần để tiếp tục hành quân về đích.
Một sự việc khác cũng xảy ra trên đường hành quân mà bản thân tôi cứ day dứt, nghe mà xót thương cho đồng chí mình: đêm 17/4 vượt lộ 27 và qua sông Hàm Luông khi tàu của dân chở chuyến cuối cùng qua sông thì giao liên nhắc “đi hết trơn nhe”. Đoàn đã đi cách xa hàng trăm mét, trên đồng lúa có một bóng người đi đuôi theo. Khi đến gần 40-50m, giao liên hỏi mật khẩu thì người này không trả lời được (do quên) buộc giao liên nổ súng bắn chết. Khi đến trạm kiểm tra quân số thì mất 1 người. Người đó là cán bộ miền Tây ra Trung ương chữa bệnh và do yếu đi sau cùng đã bị bắn chết đêm qua. Sự việc sau đó thế nào thì không biết nữa. Hôm sau đoàn lại hành quân đi, nghĩ mà thương: bệnh không chết khi khỏe lại bị chết, nhưng đó là mệnh lệnh chiến trường không thể làm khác được.
Ngày 29/4, đoàn đến xã Phú Hữu, huyện Châu Thành B, tỉnh Cần Thơ. Những ngày qua, nhất sáng 30/4, nhiều máy bay trực thăng bay ầm ầm trên trời. Đúng 11 giờ nghe nhân dân mở đài, nghe Dương Văn Minh đầu hàng, anh em trong đoàn ôm nhau sung sướng. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, quân Mỹ đã rút về nước từ mấy ngày trước. Quân ngụy đầu hàng tháo chạy, vất bỏ quần áo, sung đạn 2 bên đường bám xe đò về quê chỉ với chiếc quần cụt.
Theo mệnh lệnh hành quân, chúng tôi vẫn phải tiếp tục đi về căn cứ Sở Tài chính khu Tây Nam Bộ (T3). Sáng 1/5, chúng tôi về đến nơi, anh Tám Thành lúc đó là Chánh Văn phòng ra đón chúng tôi tại Ba Đình – Rạch Giá. Sau đó về trạm đón tiếp kinh tài T3 tại Bạc Liêu. Như vậy đất nước kết thúc chiến tranh cũng là lúc chúng tôi kết thúc cuộc hành quân bộ hàng tháng trời (anh Tám Thành sau này là Phó Giám đốc ngân hàng nhà nước kiêm Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ). Lúc đó chưa có loa công cộng, nhưng nhiều người dân có radio, cán bộ hầu như ai cũng có mở ra hòa âm nghe tin chiến thắng. Bài hát Như có Bác hồ trong ngày vui đại thắng, Tiến về Sài Gòn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng chày trên Sóc Pompo phát liên tục. Những bài xã luận đanh thép bình luận chiến thắng của nhân dân ta, những lời chúc mừng của các nước trong phe XHCN và các Đảng cộng sản, công nhân thế giới. Nhà nhà treo cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng ăn mừng thật niềm vui đến bất ngờ, vui mà trào dâng nước mắt. Quân đội ta, cán bộ từ chiến khu về tiếp quản gần như nguyên vẹn các thành phố, cơ sở quân sự và các cơ quan hành chính, các cơ sở kinh tế: điện lực, cấp nước, cây xăng, các ngân hàng, ngân khố…
* CÙNG THAM GIA NHIỆM VỤ CỦA CHÍNH QUYỀN GIẢI PHÓNG
Mặc dù biết trước là năm 1975 sẽ giải phóng, nhưng chiến thắng quá thần tốc, còn phải thành lập ủy ban quân quản và phân công cán bộ về các tỉnh, thành phố và chờ cho quân ngụy đầu hàng hết, lúc này do quân đội kiểm soát và thực hiện lệnh giới nghiêm (vì đến ngày 01/5 Đại tá Cẩn ở Vị Thanh vẫn không đầu hàng). Sau này ta xử tử hình tại sân vận động Cửu Long, nay là khu dịch vụ của Văn phòng Thành ủy Cần Thơ. Do vậy ngày 03/5, Sở Tài chính chúng tôi mới lên Cần Thơ tiếp quản. Cán bộ lãnh đạo đi trước ngày 02/5 gồm: chú Năm Kiên, Giám đốc Sở Tài chính T3, sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; chú Trương Văn Quá (sau này là Phó Chủ tịch) và chú Hai Thành (Trần Chí Thành) sau là Giám đốc ngân hàng nhà nước tỉnh cùng nhiều cán bộ cao cấp.
Xe khối ngành Tài chính, Thuế, Ngân hàng, Kho bạc diễu hành qua lễ đài (ảnh: V.H)
Đoàn chúng tôi lên Cần Thơ bằng đường thủy và tập kết vào ngân hàng Thương Tín (nay là ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Cần Thơ). Ngày hôm sau được phân công cán bộ tiếp quản ngân hàng Tín Nghĩa (góc đường Phan Đình Phùng, Châu Văn Liêm – Cần Thơ), ngân hàng Nam Việt, ngân hàng Mekong (nay là Kiểm toán khu vực V), ngân khố (nay là Kho bạc Ninh Kiều), ngân hàng quốc gia (nay là ngân hàng nhà nước chi nhánh Càn Thơ), tiếp quản 3 cay xăng lớn tại Cần Thơ (Shell, Exxon…).
Ngày 10/5/1975, 6 cán bộ chúng tôi được phân công cấp bông xăng (phiếu mua xăng), tại Liên hiệp Công đoàn lao công tại 46-48 Võ Trường Toản (nay là Lý Tự Trọng) để cho các phương tiện giao thông: xe lam, xe lôi, xe đò hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa vào cung cấp cho thành phố. Chúng tôi làm việc ở đây đến hết ngày 14/5 thì đã tạm ổn. Công việc rất bận rộn, nhưng với tinh thần phục vụ của người cán bộ quân quản, chúng tôi luôn niềm nở vui vẽ, được nhân dân quý mến, khen ngợi.
Ngày 15/5, ủy ban quân quản tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Ngày 16-17/5 được nghỉ. Những ngày tiếp theo là chúng tôi phải làm nhiệm vụ cấp kinh phí cho các cơ quan cấp khu, cấp lương cho ngành giáo dục, toàn bộ các trường học của thành phố Cần Thơ củ cho các hoạt động công cộng, số lượng người hưởng lương của chính quyền cũ để lại rất đông phải làm cả ban đêm mới kịp. Phải rà soát mức lương và phụ cấp từng giáo viên và công chức cũ. Công việc cứ cuốn hút chúng tôi vào nhiệm vụ của chính quyền cách mạng, dù có mệt nhọc nhưng rất đỗi tự hào vì được sống trong hòa bình độc lập của một dân tộc chiến thắng, bách chiến bách thắng. Đó là niềm vinh dự tự hào của tuổi trẻ.
Xe ngành Văn hóa - Thông tin diễu hành qua lễ đài (ảnh: V.H)
Thời gian trôi đi nhanh quá, đất nước giải phóng đã 43 năm, từ lúc còn là thanh niên, nay đã gần tuổi 70. Ngồi nhớ lại chặng đường qua càng thấy công lao to lớn, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng Cộng sản Việt Nam và quân đội Việt nam anh hùng. Cũng như nhân dân cả nước, miền Bắc hi sinh sức người, sức của, hàng triệu thanh niên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…Đồng bào miền Nam thành đồng tổ quốc, anh dung tiêu diệt bót đồn, vùng lên đấu tranh cùng quân đội giải phóng đất nước. Và tôi càng biết ơn những chiến sĩ, nhân dân ta đã dũng cảm hi sinh xương máu vì độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào. Tôi nguyện suốt đời theo Đảng và phụng sự cho tổ quốc, giáo dục cháu con tiếp bước cha anh, xây dựng tổ quốc ta ngàn lần yêu quý, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
Ngày 20/4/2018