LTS: chúng ta đang sống trong những ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc: ngáy 19-8 là ngày cả nước đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân, để rồi ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, công bố trước quốc dân đồng bào và thế giới biết: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập ...”.
Đã 73 năm qua, lời Người còn vang vọng mãi với non sông đất nước. Ngày 02/9 cũng là ngày Bác đi xa mãi mãi.Được sống trong hòa bình, độc lập tự do và no ấm, mỗi người dân Việt Nam phải luôn ghi nhớ công ơn trời biển của Bác, của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình cho độc lâp tự do của Dân tộc.
Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập và một số tư liệu ...để quí độc giả có dịp nghiên cứu.
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CÔNG HÒA
Ảnh: tư liệu
Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.
Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
“Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm giữ nước và dựng nước, chúng ta càng thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới trong suốt thời gian lịch sử từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn Độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”.
Thủ tướng PHẠM VĂN ĐỒNG.
“Đây là bản Tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa giành được độc lập bằng cuộc chiến đấu suốt 80 năm của dân tộc. Đây là những lời lẽ tâm huyết, đầy cảm kích của đội tiên phong giác ngộ nhất của giai cấp cách mạng nhất, có những người con tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của dân tộc, trước máy chém, trước miệng súng của quân thù, đã từng giật tấm băng đen bịt mắt, hô lớn: “Việt Nam độc lập muôn năm!
… Bản án chế độ thực dân Pháp đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu! Bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!”.
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP.
“Cách mạng tháng Tám nổ ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi sớm nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là một cuộc cách mạng kỳ diệu, lãnh đạo tài tình, trong có hai thuần lễ dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và từ đó đến bao thắng lợi to lớn khác về sau. Theo tôi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người mang tính thời đại rất lớn, chứ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng dân tộc Việt Nam”.
GS. Sử học FURUTA MOOTO – Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản.
“Tuyên ngôn Độc lập ngày mồng 2-9-1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn, ra đời sau chiến tranh thế giới thứ hai: Đó là quá trình giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn cầu”.
Nhà sử học Na Uy STEN TONNESSON.
Trích “Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập” – NXB Văn hóa thông tin, năm 2009
BÁC HỒ BẤT DIỆT
Ảnh: tư liệu
Chị em ơi! Bác Hồ đã mất
Đau đớn buồn từ Bắc vọng vào Nam
Chúng con từ các trại giam
Sụt sùi nức nở lệ tràn tuôn rơi
Bác Hồ ơi! Bác Hồ ơi! Bác đã đi rồi
Chúng con ở lại mất người cha yêu
Thượng giới ngàn năm Cha yên giấc
Dân gian muôn thuở tiếng lưu đời
Hướng về phương Bắc lòng khấn nguyện
Tưởng niệm hương hồn Cha, Cha ơi!
Khăn tang chít phủ trùm mái tóc
Những đứa con xa, chốn ngục hình.
Nói sao cho hết niềm thương tiếc
Vĩ đại anh hùng, vị cứu tinh
Bác Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh
Vì dân đời Bác hy sinh
Toàn dân mãi mãi bóng hình khắc tim
Cầu hồn cha thiêng liêng hiển hách
Giúp miền Nam cách mạng chóng thành
Đập tan bè lũ hôi tanh
Để chúng con ra Bắc tận nhìn mộ cha
Nhân dân xếp hàng vào lăng viếng Bác. Ảnh: VH
Công ơn cha như là trời biển
Công ơn cha vô bến vô bờ
Đồng thanh tất cả hô to
Bác Hồ bất diệt! Quyết lòng noi gương!
Thương Cha đã dầm sương dãi gió
Để Việt Nam được có ngày nay
Vượt qua bão táp chông gai
Vào sinh ra tử không nài hiểm nguy
Đời chiến đấu chỉ vì giai cấp
Đem tự do xóa bỏ bất công
Quyết đưa Thế giới đại đồng
Muôn năm rực rỡ cờ hồng sáng soi
Nhớ thương Bác quyết noi gương Bác
Làm đúng theo di chúc của Người
Hy sinh phấn đấu trọn đời
Trước sau như một, vẹn lời thủy chung
Dù sống cảnh lao lung xiềng xích
Dù kẻ thù bưng bít gắt gao
Dù cho đổ giọt máu đào
Bảy ngày giữ vẹn mái đầu tang Cha
Lá cờ đỏ hiện ra giữa khám
Trước cửa, băng tang trắng phủ rèm
Trong, bàn hương án trang nghiêm
Hiện nay mọc giữa trái tim kẻ thù
Đau thương tràn ngập mái đầu
Biến thành hành động khắc sâu lời thề
Bác Hồ ơi! Đời đời bất diệt
Bác Hồ ơi! Lệ huyết chan hòa
Hướng về miền Bắc thiết tha
Hướng về miền Bắc nhớ Cha muôn đời…
Nguyễn Thị Xà
(kỷ niệm ngày để tang Bác Hồ tại Khám Chí Hòa khu OB – 7-9-1969)