Khuyến khích điều trị HIV sớm và tuân thủ điều trị

KHUYẾN KHÍCH ĐIỀU TRỊ HIV SỚM VÀ TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ

ThS Dáp Thanh Giang, Trung tâm KSBT TP Cần Thơ

TS Nguyễn phương Toại, Liên hiệp các Hội KH&KT TP Cần Thơ

1. Khái niệm ARV

ARV là thuốc kháng vi rút (Antiretroviral drug). ARV ức chế sự nhân lên của vi rút, duy trì nồng độ vi rút trong máu ở mức thấp nhất có thể. Khi một người bị nhiễm HIV (Human Immunodeficiency Virus - vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người), HIV sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, do vậy nếu được điều trị bằng thuốc ARV, nồng độ vi rút trong máu sẽ xuống thấp, hệ miễn dịch sẽ được phục hồi.

2. Lợi ích của điều trị ARV sớm:

- Giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan tới HIV: Thuốc ARV ngăn chặn sự nhân lên của vi rút, nó duy trì lượng vi rút thấp trong máu. Do đó duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch không bị suy giảm thì không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Ngay cả hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm do HIV, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV mà hệ miễn được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh.

- Dự phòng lây truyền HIV từ người nhiễm sang người khác (bạn tình): Khi điều trị ARV, lượng vi rút HIV thấp trong máu, do vậy giảm nguy cơ lây truyền HIV từ người nhiễm HIV ra cộng đồng. Cụ thể hơn, khi người bệnh điều trị ARV đạt tải lượng HIV < 200 bản sao/mL và tuân thủ điều trị sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua đường tình dục.

- Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Cũng do điều trị ARV nên lượng vi rút thấp trong máu, do vậy giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con ngay khi mang thai, khi sinh và sau khi sinh.

- Điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh: Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người không nhiễm HIV và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng.

- Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS (mắc các nhiễm trùng cơ hội) và tử vong ở người nhiễm HIV. Đặc biệt là giảm nguy cơ làm bệnh lao bùng phát.

- Theo tạp chí khoa học Lancet (2008) đã công bố các nghiên cứu thuần tập chỉ ra rằng người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và duy trì điều trị tốt cũng có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV.

3. Nguyên tắc điều trị

- Điều trị ARV càng sớm càng tốt ngay khi người nhiễm HIV có kết quả xét nghiệm HIV dương tính, được đánh giá tình trạng lâm sàng và sẵn sàng điều trị ARV;

- Phối hợp đúng cách ít nhất 3 loại thuốc ARV;

- Đảm bảo tuân thủ điều trị hàng ngày, liên tục, suốt đời.

4. Không phát hiện = không lây truyền (K= K) có nghĩa là gì?

Không phát hiện = Không lây truyền (viết tắt K=K) có nghĩa là: Khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV mà đạt đến mức ức chế vi rút, nghĩa là tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện), sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục. Tuy nhiên với trường hợp này, HIV vẫn có khả năng lây truyền qua đường máu.

* K=K dựa vào bằng chứng khoa học nào?

Ít nhất đã có 04 nghiên cứu khác nhau trên hàng ngàn người chưa nhiễm HIV với tổng số hàng trăm ngàn lần quan hệ tình dục với người nhiễm HIV đang điều trị ARV và có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/1 ml máu (không phát hiện) cho thấy họ không bị nhiễm HIV (không lây truyền).

Những người chưa nhiễm HIV trong các nghiên cứu trên bao gồm cả những người quan hệ tình dục đồng giới; quan hệ tình dục khác giới nhưng không sử dụng bao cao su hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễrn HIV.

Các bằng chứng khoa học trên đã được công bố tại các Hội nghị khoa học Thế giới về HIV/AIDS năm 2017 tại Paris và 2018 tại Hà Lan. Hàng trăm tổ chức quốc tế tuyên bố đồng thuận phát hiện này.

Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS cũng xác nhận khái niệm K=K.

* Tại sao một người có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu lại được cho là không phát hiện được?

Hiện nay, tất cả các xét nghiệm tải lượng vi rút trên thế giới đều thực hiện dựa trên các máy xét nghiệm đếm tự động. Các máy khác nhau của các hãng sản xuất khác nhau đưa ra các “ngưỡng phát hiện” khác nhau. Hầu hết các máy xét nghiệm đều có thể phát hiện được có vi rút HIV trong máu khi số lượng từ 200 bản sao/1 ml máu. Một số máy có thể phát hiện với số lượng vi rút thấp hơn như 50 bản sao/1 ml máu.

Do vậy, thế giới cần thống nhất một ngưỡng chung. Ngưỡng chung quy định trong các nghiên cứu này là 200 bản sao /1 ml máu . Dưới 200 bản sao được coi là không phát hiện.

* Một người nhiễm HIV điều trị bằng ARV sau bao lâu đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện?

Thông thường một người nhiễm HIV điều trị bằng ARV, tuân thủ điều trị tốt, sau 6 tháng sẽ đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu.

Người nhiễm HIV tiếp tục tuân thủ điều trị ARV tốt sẽ duy trì được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế và khi đó không làm lây truyền HIV cho bạn tình của họ.

Do vậy, Bộ Y tế quy định người nhiễm HIV khi điều trị ARV cần xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ. Năm đầu tiên xét nghiệm 2 lần (6 tháng 1 lần). Những năm sau mỗi năm xét nghiệm tải lượng vi rút 1 lần.

Xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ là rất cần thiết, không chỉ giúp để biết một người có đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện hay không mà còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị.

5. Tuân thủ điều trị ARV - điều kiện quyết định để đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện

Điều trị ARV là điều trị liên tục suốt đời và phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc một cách nghiêm ngặt. Tuân thủ điều trị là dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ, đúng đường và đúng cách:

Đúng thuốc nghĩa là không uống nhầm giữa các loại thuốc, trong trường hợp phải uống nhiều thứ thuốc.

Đúng liều lượng thầy thuốc đã chỉ định, một hay hai viên (liều) một ngày.

Đúng giờ nhất định theo chọn lựa phù hợp của từng bệnh nhân. Việc thực hiện uống thuốc đúng giờ nhằm đảm bảo duy trì nồng độ thuốc cần thiết trong máu.

Đúng đường, là đường uống, vì hiện nay ARV ở Việt Nam chỉ sử dụng qua đường uống.

Đúng cách theo lời dặn của bác sĩ như khi uống trước ăn hoặc sau ăn

Tuân thủ điều trị tốt sẽ trực tiếp làm tăng hiệu quả của thuốc. Sự kềm chế/duy trì lượng HIV trong máu thấp không chỉ phụ thuộc vào tính hiệu nghiệm của thuốc ARV mà còn phụ thuộc vào nồng độ thuốc đó trong máu bệnh nhân trong một khoảng thời gian thích hợp. Khoảng thời gian này lại phụ thuộc vào thời gian bán hủy của từng loại thuốc, do vậy uống thuốc đúng giờ là rất cần thiết.

Tuân thủ điều trị kém hoặc không tuân thủ điều trị dẫn đến kháng thuốc, thất bại điều trị và tử vong.

Để tăng mức độ tuân thủ điều trị, ngoài việc lựa chọn giờ uống thuốc phù hợp cho mình, người nhiễm HIV có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ như: nhờ người nhắc uống thuốc, hẹn giờ bằng đồng hồ hoặc điện thoại nhắc hằng ngày hoặc ghi lịch hằng ngày.

6. Những việc chúng ta cần làm ngay

a) Đối với người chưa nhiễm HIV, đặc biệt là người có hành vi nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), Tiêm chích ma túy và Phụ nữ bán dâm:

- Tăng cường đi xét nghiệm HIV sớm hoặc xét nghiệm định kỳ để nếu nhiễm HIV sẽ điều trị ARV sớm để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện.

- Không kỳ thị với người nhiễm HIV vì người nhiễm HIV nếu được điều trị ARV và đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, họ vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.

- Không lo sợ lây nhiễm HIV từ bạn tình nếu bạn tình nhiễm HIV đã được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.

- Địa điểm cung cấp các xét nghiệm có thể liên hệ: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ; Trung tâm Y tế các quận, huyện hoặc liên hệ các nhóm cộng đồng (CBO) trên địa bàn thành phố Cần Thơ hoặc cũng có thể tự xét nghiệm bằng cách lên trang web tuxetnghiem.vn để nhận test miễn phí.

- Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm nên sinh hoạt lành mạnh, thực hiện hành vi an toàn để ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho mình (nhiễm thêm type HIV mới) và cho người khác.

b) Với người nhiễm HIV:

- Tiếp cận điều trị ARV sớm để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện.

- Tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

- Không tự kỳ thị, vì người nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.

- Xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ để biết tải lượng HIV của mình có ở mức “dưới ngưỡng phát hiện” cũng như biết kết quả điều trị.

- Tham gia bảo hiểm y tế để điều trị ARV liên tục, lâu dài và miễn phí.

- Người nhiễm HIV sẽ được cấp thuốc ARV tại 06 phòng khám ngoại trú người lớn: Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ; bệnh viện Quân Y 121; các trung tâm Y tế quận: Cái Răng; Bình Thủy; Ô Môn; Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt; và Bệnh viện Nhi đồng (nếu là trẻ em).

- Cần thông tin tư vấn, có thể liên hệ: Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (0327.602.902), Phòng tư vấn xét nghiệm HIV (02923.830.676) thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, địa chỉ số 400 đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, thông tin cá nhân sẽ được bảo mật tuyệt đối.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quyết định số 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn và điều trị HIV/AIDS;
  2. W M El-Sadr, et al., (2006) Strategies for Management of Antiretroviral Therapy (SMART) Study Group 1; CD4+ count-guided interruption of antiretroviral treatment; online, Pubmed N Engl J Med. 2006 Nov 30;355(22):2283-96. tham khảo [24-5-2023] tại https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17135583/  
  3. Geoffrey A. Weinberg (2020) Nhiễm vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, online [7-2020] tham khảo [24-5-2023] tại MSD Manual phiên bản dành cho chuyên gia.
  4. The Antiretroviral Therapy Cohort Collaboration (2008), Life expectancy of individuals on combination antiretroviral therapy in high-income countries: a collaborative analysis of 14 cohort studies, Lancet 2008, 372: 293-299