//custa.cantho.gov.vn/files/images/kh.png

Khoa học công nghệ là động lực phát triển kinh tế xã hội năm 2020

Ngày nay cả Thế giới đang chạy đua với cuộc Cách mạng Khoa học Công nghệ (Cách mạng công nghệ 4.0) vì thế hàng ngày hàng giờ đặt ra cho chúng ta không biết bao nhiêu vấn đề, thích thú có, thách thức, khích lệ…. Chưa bao giờ xã hội mà chúng ta sống có 1 lượng thông tin khổng lồ, phong phú, nhanh chóng trên mọi lĩnh vực của đời sống như hiện tại.

Ảnh minh họa

Thông tin có thể trở thành hàng hóa, khi hàm lượng chất xám trong thông tin càng nhiều thì giá trị của nó càng lớn. Khác với những hàng hóa thông thường thì hàng hóa thông tin được mở rộng không ngừng, hiệu quả sử dụng tùy theo thời gian và khả năng nhận thức của con người. Đặc biệt thông tin có thể tự phát triển thêm hoặc sáng tạo ra thông tin mới nhờ vào trí tuệ của con người. Nhìn vào những nền kinh tế phát triển, chúng ta thấy thông tin trước hết dưới dạng chất xám là nguồn gốc chủ yếu làm nên sự thịnh vượng của họ. Sức mạnh và sự giàu có của quốc gia có thể đo bằng khối lượng thông tin nó có và sử dụng được. Cũng có thể nói rằng không làm chủ được thông tin, hiểm họa sẽ khôn lường.

Việc tiếp cận thông tin và xử lý thông tin là hai việc chúng ta phải làm. Chưa kể đến việc tìm được nhưng không thấy, tìm thấy nhưng không hiểu điều đó có nghĩa là có thông tin nhưng không có giá trị tri thức. Vì thế, để tiếp cận và xử lý thông tin cần đến một phương tiện khác là tri thức, tri thức càng lớn và khả năng tiếp cận và xử lý thông tin càng lớn qua đó tri thức càng được mở mang, trau dồi tri thức là công việc hàng đầu của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thông tin và tri thức khoa học trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng của sản xuất và đời sống xã hội, ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Cách mạng khoa học - công nghệ, tác động trực tiếp vào đời sống xã hội và con người. Trong cách mạng công nghiệp hiện nay những sản phẩm mới, công nghệ mới được tạo ra với tốc độ nhanh, mang tính cách mạng và được áp dụng ngay vào sản xuất, đời sống con người và xã hội, nhanh chóng tạo nên những thay đổi to tớn.

Năm 2020 là một năm đầy biến động trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế xã hội của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng với tinh thần tự cường dân tộc và sự sáng tạo, thích nghi cao, dân tộc Việt Nam đã đáp ứng một cách nhanh chóng, nắm bắt được các thành tựu khoa học kỹ thuật và ứng dụng mạnh mẽ vào thực tế cuộc sống:

"Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép. Ảnh minh họa

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu với một số chỉ số cơ bản cụ thể đến năm 2025 và 2030.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 theo chiều hướng xấu, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn; nhất là đối với các hoạt động kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, hành chính, giao thông - vận tải. Sự điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng với sự tham gia của mạng lưới truyền thông đặc biệt là sự phát triển của điện thoại thông minh, mạng 3G, 4G phủ khắp đã giúp mọi người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác giúp cho đất nước ta chiến thắng dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội, duy trì phát tiển kinh tế với tăng trưởng dương 2,91%.

Việt Nam tự hào góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu và tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, tạo nên những thành công có tầm lan tỏa quốc tế.

Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới (nCoV) gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), tạo điều kiện cho việc xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng, chống loại virus này trong tương lai.

Lĩnh vực nông nghiệp: người nông dân tự hào tự sản xuất nông sản và tự giới thiệu nông sản nhà mình đến người tiêu dùng thông qua điện thoại thông minh và các mạng xã hội. Không dừng ở đó, những người nông dân còn kết nối với nhau, trao đổi thông tin kỹ thuật, thị trường, vấn đề về địa lý không còn là trở ngại quan trọng. Chưa bao giờ hoạt động kết nối 4 nhà lại dễ như vậy, thiết thực và hiệu quả như vậy. Các diễn đàn, câu lạc bộ, nhóm được diễn ra một cách minh bạch, công khai, thông tin nhanh chóng, hình ảnh minh họa sinh động đã góp phần đưa tri thức nông nghiệp hiện đại vào trong sản xuất nông nghiệp.

Lĩnh vực công nghệ thông tin: Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng.

Ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống dịch Covid-19. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Khi các điện thoại thông minh cùng cài ứng dụng Bluezone thì chúng tự phát hiện nhau trong khoảng cách 2m và tự ghi nhớ. Nếu người cài ứng dụng là F0, tức dương tính với virus SARS-CoV-2 thì khi đó, qua dữ liệu được lưu lại, cơ quan y tế có thể xác định được các F1 có tiếp xúc gần với F0 và hệ thống sẽ cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, ngân hàng, giao thông, logictic,… đều có bước phát triển mới, vượt bậc, tiện ích hơn, nhanh chóng hơn. Có thể nói Việt Nam đã chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bước đầu đạt được thành công góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Chính vì vậy trong những năm tiếp theo, khoa học công nghệ chính là động lực phát triển kinh tế xã hội, tri thức khoa học công nghệ là nền tảng. Đào tạo, giáo dục con người để có tri thức là nhiệm vụ toàn xã hội. 

 

Lê Thị Thúy Kiều

 

Tài liệu tham khảo:

Bách khoa tri thức toàn thư

Lương Đình Hải (2012), “Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, Số 3, Tr. 3 - 10.

https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cong-bo-10-su-kien-khoa-hoc-va-cong-nghe-noi-bat-nam-2020-20201223182152291.htm