//custa.cantho.gov.vn/files/images/NAM%202022/NAM%202023/t4.png

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

 

Với chủ đề “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp động lực cho phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, tọa đàm do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì tổ chức vào ngày 16/6 đã nêu lên nhiều vấn đề, khó khăn thách thức cũng như các giải pháp nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) vùng ĐBSCL. Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham dự tọa đàm.

Cùng tham dự tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả trong và ngoài nước; các tổ chức JICA (Nhật), GIZ (Đức), CSIRO (Úc)…; Trung tâm ĐMST Quốc gia; các Hiệp hội, Doanh nghiệp khởi nghiệp; các Viện, Trường Đại học và Cao đẳng vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh, khoa học là con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu thịnh vượng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thúc đẩy doanh nghiệp và cộng đồng phát triển, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của vùng và cả nước. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế góp phần giải quyết những khó khăn thách thức mang tính toàn cầu cũng như sự phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Trong khuôn khổ diễn đàn SDMD 2045, tọa đàm là sự kiện hiện hữu, cần thiết để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà khởi nghiệp, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, từ trung ương đến địa phương cùng chia sẽ những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm có giá trị cao, kinh nghiệm quý báu, đồng thời đề xuất những giải pháp khả thi cho sự ĐMST để thúc đẩy khởi nghiệp mạnh mẽ trên cơ sở nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ.

“Trường Đại học Cần Thơ với nguồn lực hơn 1000 cán bộ giảng dạy, 18 giáo sư, 183 Phó giáo sư, 2.500 học viên và nghiên cứu sinh, 109 ngành Đại học, 50 ngành cao học,  20 ngành tiến sĩ, khoảng 45 ngàn sinh viên, trường luôn cam kết đồng hành với các cơ quan đơn vị, đặc biệt là kết nối với các tổ chức quốc tế, để thực hiện tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL” – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh.

Thực trạng khởi nghiệp, ĐMST vùng ĐBSCL

ĐBSCL là vùng đất có nhiều tiềm năng phục vụ tốt cho sự phát triển và hội nhập, tuy nhiên, ĐBSCL còn nhiều hạn chế trong việc khai thác tiềm năng vốn có. Trong đó, phát triển KHCN, ĐMST và khởi nghiệp được xem là một trong những hạn chế và là vấn đề cần được thảo luận, trao đổi bàn giải pháp khắc phục, phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, bà  Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức kinh tế phát triển chậm lại sau đại dịch, ảnh hưởng môi trường và biến đổi khí hậu tác động ngày càng trầm trọng hơn đến đời sống người dân và cộng đồng DN.

Qua khảo sát năm 2022 thì có 80% DN xuất nhập khẩu bị tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, chủ yếu là nguồn nguyên liệu, khó khăn trong duy trì sản lượng xuất khẩu. Số lượng DN thành lập mới ở ĐBSCL luôn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước; tỷ trọng DN so với cả nước chưa bao giờ vượt hơn 8%.

Trước những khó khăn thách thức đó, để thúc đẩy khởi nghiệp và ĐMST, xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ sau vài năm nữa, chúng ta cần thay đổi tư duy, có cách làm mới, quyết liệt và hiệu quả hơn 

Hiện VCCI Cần Thơ đã thành lập mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, thành lập mạng lưới DN thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL. Từ đó, VCCI có nhiều hoạt động, chương trình đi vào thực tế, chúng tôi nhận thấy biến đổi khí hậu không chỉ có rủi ro mà còn mang đến những cơ hội để ĐMST, khai thác cơ hội này để kinh doanh ngày càng tốt hơn. 

 

Quang cảnh tọa đàm

Có một thực tế là sau 5 năm tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, từ năm 2016 đến nay, chúng tôi nhận khoảng 1.500 hồ sơ tham gia, nhưng chủ yếu là của các DN nhỏ, vừa và các đối tượng khác, có rất ít sinh viên tại các trường đại học tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tin tưởng rằng đây là lực lượng rất quan trọng để thúc đẩy ĐMST, để trong 5 năm tới chúng ta sẽ có lực lượng doanh nhân trẻ năng động, dám nghĩ dám làm, thích ứng nhanh với bối cảnh mới.

“Để ĐMST ở ĐBSCL thì chúng ta không thể nào tách khỏi thế mạnh của chúng ta là nông nghiệp, chúng ta may mắn có được những giá trị mà chỉ ở ĐBSCL mới có được. Vì thế, chúng ta hãy cùng nhau chứng minh giá trị đó bằng khoa học, bằng ĐMST để vươn ra thị trường thế giới” – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho hay.

Nói về động lực cho ĐMST và khởi nghiệp DN ở Đồng Tháp, ông Mai Thanh Nghị - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho biết, để hỗ trợ DN khởi nghiệp, thúc đẩy ĐMST, tỉnh có nhiều hoạt động kết nối cộng đồng khởi nghiệp, nâng cao vai trò của các tổ chức tác động khởi nghiệp; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản phẩm, ươm tạo cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng.

Cùng với đó, tỉnh còn đẩy mạnh việc kết nối, nâng cao năng lực cán bộ tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đội ngũ tư vấn; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khởi nghiệp và tổ chức các sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp

Với DN khởi nghiệp, tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện về thủ tục thành lập DN; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng các mô hình hoạt động hỗ trợ DN như mô hình cà phê doanh nghiệp kết nối chính quyền với DN, mô hình Hội quán kết nối DN với nông dân; mô hình điểm hẹn Doanh nhân, chấp cánh Đàn Sếu khởi nghiệp kết nối Doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp …

Bàn về khởi nghiệp và làm gì khi khởi nghiệp thất bại, ông Trần Hoàng Tuyên- Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, tỷ lệ khởi nghiệp thành công hiện đạt rất thấp, tỷ lệ thất bại chiếm hơn 90%.  Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như do cơ chế chính sách đối với khởi nghiệp còn vướng nhiều thủ tục, tiếp cận nguồn vốn khó khăn, chỉ được vay vốn khi có thu nhập ổn định, việc bảo vệ các phát minh sáng chế;  kinh nghiệm khởi nghiệp, sự thiếu quyết tâm của chính những nhà khởi nghiệp trẻ…  Đây cũng  chính là những rào cản, khó khăn trong khởi nghiệp, ĐMST của hiện tại và cả sau này.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn khởi nghiệp và ĐMST

Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phát triển KHCN & ĐMST là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược và  là động lực chính để tăng trưởng.

Để phát triển hệ sinh thái ĐMST ở ĐBSCL và cả nước nói chung, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách đang có tác động tốt và chọn những điểm nghẽn dễ làm dễ sửa; khuyến khích huy động các nguồn lực cho phát triển KHCN & ĐMST; có những chương trình hỗ trợ chuyên cho lĩnh vực Start-up và các lĩnh vực tiềm năng; có cơ chế chính sách để huy động nhân lực và nhân tài.

 

PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi – Phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trong 5 năm từ năm 2018 -2022, trường có hơn 2000 dự án, đề tài liên quan hợp tác nghiên cứu khoa học cho sự phát triển vùng ĐBSCL; có hàng chục công trình, dự án công nghệ sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp,

Từ năm 2018, Trường đã đưa đã đưa chương trình khởi nghiệp, ĐMST vào học cho tất cả sinh viên của nhà trường, trường cũng có nhiều đề tài, dự án tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, ĐMST của khu vực; tham gia các hội thảo, tọa đàm về khởi nghiệp. Bên cạnh, trường còn đẩy mạnh hoạt động hợp tác, kết nối với DN; hỗ trợ đào tạo cho các DN, nghiên cứu chuyển giao KHCN cho DN, các đối tác của DN.

Đánh giá cao sự đóng góp của Trường Đại học Cần Thơ cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, là trường Đại học lớn của vùng ĐBSCL, qua 57 năm phát triển, luôn tiên phong trong hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển KHCN để phục vụ phát triển cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng ĐBSCL.

Theo Thứ trưởng, để thúc đẩy ĐMST khởi nghiệp, các trung tâm ĐMST, các trường đại học cũng cần tập trung ưu tiên vào một lĩnh vực được cho là cấp bách của vùng. Tôi đồng tình với ý kiến các đại biểu, ở ĐBSCL chúng ta thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, các vấn đề về kết nối giao thương, nâng cao giá trị lúa gạo, trái cây và thủy sản.  

Dưới góc độ là Cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến phát biểu và tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để làm sao các DN, các Start-up khi tham gia vào thị trường thuận lợi nhất về mặt thủ tục cũng như các điều kiện đầu tư kinh doanh, để DN tiếp cận thị trường tốt hơn.

“Hiện đã có quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, với vốn điều lệ khoảng 2 ngàn tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi ở 2 lĩnh vực ĐMST và tham gia chuỗi liên kết ngành; chúng tôi cũng sẽ tham mưu sửa đổi các Nghị định, điều chỉnh quy định về thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm; đẩy mạnh hỗ trợ, hợp tác các dự án về ĐMST và khởi nghiệp …” Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin thêm.

Bài và ảnh: Hòa Minh