PGS. Ts Trần Thị Ba (Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ), trong hơn 20 năm nghiên cứu về gốc ghép, một giải pháp kỹ thuật giúp cho cây rau sinh trưởng tốt, năng suất cao, chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết trên cây cà chua, cây ớt, dưa hấu,…Nay là giải pháp ghép khổ qua lên gốc mướp để nâng cao hiệu quả kinh tế và trình độ sản xuất của nông dân, góp phần phát triển rau màu bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tính mới của giải pháp này ở chỗ: Dùng gốc mướp ghép với ngọn khổ qua để tăng năng suất khổ qua vì rễ mướp khỏe mạnh, cây cho nhiều cành nhánh, nhiều trái hơn và kéo dài thời gian thu hoạch hơn cây khổ qua trồng không ghép; Tăng khả năng chịu úng và kháng bệnh cho cây khổ qua ghép trồng mùa nghịch (mưa nhiều) trên nền đất thấp luân canh với cây lúa và kháng được các loại bệnh có nguồn gốc từ trong đất (như nấm Fusarium oxysporum) làm chết cây; Góp phần bảo vệ sức khỏe do cây khổ qua ghép sinh trưởng mạnh hơn cây không ghép, ít bị sâu bệnh gây hại, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên an toàn cho sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường.
Kỹ thuật ghép khổ qua trên gốc mướp đã được cô nghiên cứu thành công trong vườn ươm rồi ra đến đồng ruộng. Từ 2018 đến nay đã thực hiện mô hình trồng khổ qua ghép từ 1-2 gốc mướp ở huyện Châu Thành-tỉnh Sóc Trăng, huyện Tam Bình-tỉnh Vĩnh Long, huyện Châu Phú và thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang và huyện Thanh Bình-tỉnh Đồng Tháp, hiệu quả càng rõ nét khi trồng trong điều kiện càng bất lợi như vụ nghịch (mưa nhiều, nước ngập) và trên nền đất đã bị bệnh chết cây nghiêm trọng (đến 50%).
Xét về hiệu quả kinh tế và xã hội, trồng khổ qua ghép lên 2 gốc mướp đã tăng lãi thuần (đã tính công lao động) 22 triệu/ha (tương đương 30,4%) so với so với sản xuất truyền thống (trồng khổ qua không ghép), lãi thuần cao hơn 9,2 triệu/ha (# 12,6%) so với ghép 1 gốc mướp và trồng khổ qua ghép 1 gốc mướp lãi thuần cao hơn 13 triệu/ha (# 17,8%) so với sản xuất truyền thống. Giải pháp cũng đã góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động (làm nghề ghép cây), nâng cao trình độ sản xuất, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường.
Giải pháp ghép gốc khổ qua trên gốc mướp đạt giải nhì, Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ, lần thứ 11(2020-2021).
Xin giớt thiệu thêm về PGS. Ts Trần Thị Ba người nông dân đồng bằng hay gọi với cái tên thân thiện là Cô Ba, người đam mê gắn bó với nghề, luôn nghiên cứu tìm toài để tạo ra những giải pháp hữu ích, giúp cho nông dân trồng trọt hiệu quả, nâng cao năng suất, giảm phân thuốc hóa học tạo ra sản phẩm chất lượng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Rất nhiều những công trình nghiên cứu về cây rau đã được Cô Ba đúc kết trong các quyển sách được Nhà xuất bản đại Học Cần Thơ phát hành nhằm giúp cho công tác giảng dạy vừa giúp cho nông dân, những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực rau củ có thêm tài liệu khoa học đáng tin cậy soi đường.
Tình yêu đối với công tác nghiên cứu khoa học càng chín mùi ở tuổi về hưu, dù đã hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước, nhưng người cô yêu kính ấy vẫn miệt mài nghiên cứu, truyền dạy cho biết bao nhiêu lớp sinh viên ngành Nông nghiệp, rồi biết bao nhiêu mô hình hiệu quả, cô thực hiện các mô hình này để truyền đạt kiến thức kinh nghiệm nghiên cứu của mình cho nông dân, cho người sản xuất để họ nắm vững các tiến bộ kỹ thuật mà áp dụng vào trong thực tế sản xuất của mình.
Độc giả có thể liên hệ PGS.TS Trần Thị Ba qua số điện thoại 0919093311 hoặc liên hệ Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ để kết nối, hoặc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
Thúy Kiều