Ngày 31/7/2024 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất xanh trong nông nghiệp”.
Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp đang là xu thế tất yếu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và thích ứng bền vững. Trong đó, việc ứng dụng những thành tựu công nghệ sinh học là yếu tố then chốt nhằm phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững, bảo đảm vấn đề lương thực quốc gia và lương thực trên thế giới.
Ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phát biểu khai mạc hội thảo
Tại hội thảo đại biểu được nghe tham luận về giải pháp phát triển xanh trong nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long do GS.TS Nguyễn Thị Lang –Viện trưởng Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long, trong bài tham luận có nhiều đề xuất rất tâm huyết, trong đó quan tâm đến việc xây dựng ngân hàng gen, bảo tồn và phát huy nguồn gen bản địa làm cơ sở cho các nghiên cứu và phát triển kinh tế; theo Giáo sư Lang, ứng dụng nông nghiệp chính xác cây trồng để đưa ra quyết định tốt hơn; tích cực phát triển tài chính xanh để đạt được các mục tiêu như tối ưu hóa cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy tiến bộ công nghệ nông nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
TS. Hà Thị Loan – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh trình bày: Ứng dụng vi sinh vật có lợi phục vụ sản xuất xanh trong nông nghiệp đây là giải pháp hiệu quả giúp sản phẩm nông nghiệp an toàn và thân thiện môi trường đang rất được quan tâm nghiên cứu và sử dụng.
Giáo sư Nguyễn Thị Lang (thứ 2 từ phải sang) cùng các diễn giả tại Hội thảo
ThS. Phạm Thành Lộc – Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thanh Bình chia sẻ: Nông nghiệp xanh và xu thế tất yếu phải chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp. Với vai trò người thực hành, người trực tiếp sản xuất và chuyển giao công nghệ, anh đã giúp cho hội thảo thấy được hiệu quả khi ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp, sản phẩm sạch đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, môi trường bền vững là cơ sở cho phát triển bền vững. Thạc sĩ Lộc chia sẻ, anh có chuyên môn về hóa học, do bén duyên cùng nông nghiệp anh tâm huyết và mong mỏi cơ quan chức năng quan tâm đến lĩnh vực hóa học và đưa nông nghiệp phát triển dựa trên việc nâng cao sản phẩm giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất.
Nông nghiệp bền vững hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường là xu hướng đang diễn ra trên thế giới. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp duy trì sự cân bằng tốt giữa nhu cầu sản xuất lương thực – thực phẩm và bảo vệ hệ sinh thái.
Tin: Thúy Kiều