Hội thảo Chuyển đổi số trong ngành Vật liệu xây dựng - Ứng dụng vật liệu xanh
Ngày 11/12, tại thành phố Cần Thơ, hội thảo "Chuyển đổi số trong ngành Vật liệu xây dựng - Ứng dụng vật liệu xanh" đã diễn ra thành công với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và công nghệ. Hội thảo nhằm mục tiêu thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ số và phát triển các loại vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Lê Thành Phiêu, Chủ tịch Hội Xây dựng thành phố Cần Thơ (thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Cần Thơ) phát biểu khai mạc Hội thảo, ông cho rằng hội thảo là một cơ hội quý báu để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các xu hướng và giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là việc ứng dụng các vật liệu xanh trong các công trình nhằm góp phần xây dựng một ngành vật liệu xây dựng hiện đại, bền vững và hiệu quả.
Nội dung Hội thảo tập trung vào các xu hướng, thách thức và cơ hội trong việc áp dụng chuyển đổi số vào ngành vật liệu xây dựng, cùng với đó là việc ứng dụng các loại vật liệu xanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Sự kiện có bài tham luận của các chuyên gia:
PGS.TS. Huỳnh Trọng Phước, giảng viên Đại học Cần Thơ, đã trình bày nghiên cứu về các giải pháp vật liệu thay thế trong ngành xây dựng. Nội dung tham luận nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển các loại bê tông bền vững từ các nguồn vật liệu tái chế hoặc tự nhiên, giảm sử dụng xi măng Portland truyền thống - một nguồn phát thải CO₂ lớn. Các ví dụ điển hình được nêu ra bao gồm bê tông làm từ tro bay và xỉ lò cao, cùng với các phụ gia sinh học có khả năng cải thiện độ bền và giảm phát thải khí nhà kính. PGS.TS. Huỳnh Trọng Phước cho rằng việc sử dụng các giải pháp vật liệu thay thế không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm; TS. Lê Văn Quang, Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, trình bày công nghệ: Lưu trữ carbon dioxide (CO₂) trong bê tông. Đây là một giải pháp tiềm năng để giúp ngành xây dựng giảm thiểu lượng khí CO₂ thải ra môi trường. Công nghệ này cho phép hấp thụ và cố định CO₂ trực tiếp vào cấu trúc bê tông thông qua các phản ứng hóa học, biến khí thải thành thành phần vững chắc bên trong vật liệu xây dựng.
Ts. Lê Văn Quang trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Lê Văn Quang cũng đưa ra các phân tích cụ thể về khả năng ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam, đồng thời khuyến nghị xây dựng các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, giúp ngành vật liệu xây dựng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; TS. Lê Văn Tư, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI), đã chia sẻ về cách AI đang thay đổi diện mạo của ngành vật liệu xây dựng. Bài tham luận tập trung vào các ứng dụng AI trong quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa quy trình sản xuất và kinh doanh vật liệu xanh; CEO Nguyễn Linh Nhân, Giám đốc OMI JSC, giới thiệu giải pháp phần mềm OMICall - một nền tảng Call Center được thiết kế dành riêng cho ngành vật liệu xây dựng. Với các tính năng như quản lý khách hàng, theo dõi đơn hàng và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, OMICall hứa hẹn mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp trong ngành .
Ngoài các bài tham luận chính, hội thảo còn tổ chức các hoạt động giao lưu, trưng bày sản phẩm và công nghệ mới trong ngành vật liệu xây dựng. Có 60 gian hàng đã trình bày các giải pháp sáng tạo, từ vật liệu tái chế đến công nghệ sản xuất xanh, nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư và chuyên gia tham dự.