Hoạt động của các nhóm tiếp cận cộng đồng và các tổ chức hỗ trợ cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố Cần Thơ

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NHÓM TIẾP CẬN CỘNG ĐỒNG VÀ

CÁC TỔ CHỨC HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG

PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ

 

Phạm Trương Kim Dương – Trưởng nhóm Glink Cần Thơ –

Giám đốc DNXH Glink Cần Thơ

 

Trong những năm gần đây, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS  tại Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng, ngày càng hiệu quả hơn khi triển khai những dự án có sự tham gia từ các nhóm tiếp cận cộng đồng và tổ chức hỗ trợ cộng đồng. Sự nỗ lực và tận tâm của họ đã đóng góp những hiệu quả to lớn trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong những cộng đồng có quan hệ tình dục đồng giới nam (gọi tắt là cộng đồng) tại địa phương.

Tạo tác động thay đổi nhận thức và hành vi:

Một trong những thành tựu nổi bật của các nhóm tiếp cận cộng đồng và tổ chức hỗ trợ cộng đồng là việc tạo ra một làn sóng nhận thức về HIV/AIDS trong cộng đồng. Các chương trình tiếp cận truyền thông cá nhân, bài viết truyền thông đã cung cấp những thông tin chính xác giúp cho cộng đồng có nguy cơ cao thêm hiểu biết sâu rộng về các yếu tố, hành vi lây nhiễm HIV, cách để bảo vệ bản thân và cộng đồng, cũng như quyền lợi và dịch vụ hỗ trợ có sẵn. Nhờ vào sự chủ động tìm kiếm và cung cấp thông tin chính xác này, những người có nhiều rủi ro có thể lây nhiễm HIV cao đã có cơ hội nhận ra các mối nguy cơ và tự trang bị kiến thức để bảo vệ sức khỏe của mình.

 

 

Phạm Trương Kim Dương – Trưởng nhóm Glink Cần Thơ

Giám đốc DNXH Glink Cần Thơ

Song song chương trình tiếp cận cá nhân, các sự kiện truyền thông cũng đã thu hút đông đảo cộng đồng tham dự và mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành vi của cộng đồng về HIV/AIDS. Các sự kiện truyền thông, chiến dịch quảng bá PrEP đã tạo ra sự lan tỏa thông tin chính xác và loại bỏ các rào cản tâm lý, giúp mọi người đối diện với thực tế và thay đổi quan điểm. Những nỗ lực này đã góp phần tạo ra một môi trường xã hội ấm áp, không phân biệt và hỗ trợ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 tại thành phố Cần Thơ đã có 24 cuộc truyền thông ngoài cộng đồng cho hơn 600 người Nam có quan hệ tình dục đồng giới tham dự, 13 cuộc truyền thông tại các trường cao đẳng đại học với hơn 2.600 sinh viên tham gia. Song song với các cuộc truyền thông đã tổ chức thành công 02 sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức về HIV, giới thiệu và cung cấp các dịch vụ liên quan đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên tại Trường Đại học kỹ thuật Công nghệ và Đại học Tây đô với hơn 600 sinh tham dự. Đặc biệt, một sự kiện truyền thông lớn tại trường ĐH Cần Thơ do Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE), trung tâm Kiểm Soát Bệnh Tật thành phố Cần Thơ phối hợp cùng các nhóm cộng đồng, nhân viên tiếp cận cộng đồng các trường cao đẳng và đại học tổ chức đã thu hút được sự tham gia của hơn 1.500 người. các số liệu cần hợp nhất

Hỗ trợ tâm lý:

Các nhóm tiếp cận cộng đồng và tổ chức hỗ trợ cộng đồng đã tạo ra môi trường an toàn và hỗ trợ tinh thần cho những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Họ hiểu tâm lý nhóm cộng đồng của mình, nên trao đổi với nhau một cách cởi mở hơn, không chỉ động viên, trấn an tâm lý cho nhau, mà còn giúp tạo ra một cộng đồng đồng cảm và ủng hộ. Sự chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm giữa những người bị ảnh hưởng từ đó giúp giảm bớt cảm giác cô đơn và tạo ra sự kết nối mạnh mẽ.

Hỗ trợ tâm lý còn thể hiện ở công tác hỗ trợ tuân thủ duy trì điều trị PrEP (thuốc dự phòng trước phơi nhiễm_ Pre-Exposure Prophylaxis), ARV (thuốc kháng HIV_Antiretroviral drug) nhằm phòng ngừa lây nhiễm virus HIV do quan hệ tình dục không an toàn. Việc nhắc nhở, động viên cùng kiên trì, tuân thủ sử dụng thuốc đúng hướng dẫn, đủ liều góp phần tạo ra thành công chung cho chương trình phòng chống HIV/AIDS cho các cộng đồng tại địa phương.

Kết nối sử dụng PrEP, điều trị ARV và xét nghiệm HIV định kỳ:

Các tổ chức hỗ trợ cộng đồng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhận thức và khuyến khích sử dụng PrEP- một biện pháp dự phòng HIV hiệu quả, tối ưu hiện nay. Thông qua việc cung cấp thông tin chính xác về tác dụng và cách sử dụng PrEP, họ đã giúp cộng đồng người có nguy cơ nhiễm HIV cao có sự lựa chọn an toàn và tự quyết định về sức khỏe của mình. Đồng thời, việc khuyến khích kiểm tra HIV định kỳ đã đóng góp đáng kể vào việc phát hiện sớm, điều trị ARV hiệu quả và dự phòng lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo báo cáo của phòng khám Đa Khoa thuộc trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Cần Thơ các CBO (tổ chức hỗ trợ cộng đồng_Community Base Organisation) chuyển gửi điều trị ARV hơn 40% số ca phát hiện mới tại phòng khám. Trong chương trình PrEP, chỉ riêng nhóm Glink Cần Thơ đã hỗ trợ phòng khám Glink Cần Thơ đóng góp điều trị 1.239/2.237 ca nhiễm (hơn 55%) khách hàng dùng PrEP toàn thành phố.

Mở rộng tầm tác động:

Các tổ chức hỗ trợ cộng đồng đã hợp tác mạnh mẽ với nhau và với các đối tác phi chính phủ, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp để mở rộng tầm hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Qua việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tài nguyên, họ đã tạo ra mạng lưới hợp tác mạnh mẽ, tận dụng sức mạnh đa dạng để đối phó với thách thức phức tạp của HIV/AIDS. Các CBO: S Đỏ, Glink Cần Thơ, Tình Cờ, VTC Team, cùng các trường đại học, cao đẳng đã cùng đồng hành, tận dụng nguồn lực từ trung tâm LIFE, tổ chức Bảo vệ trẻ em (Save the Children), cũng như sự hỗ trợ từ Trung tâm Kiểm Soát Bệnh Tật thành phố Cần Thơ giúp vừa nâng cao năng lực vừa phát huy vai trò và thế mạnh trong hỗ trợ cộng đồng của mình. Đã thực hiện ký Hợp đồng thỏa thuận về cơ chế phối hợp giữa các cơ sở Y tế và các nhóm CBO, điển hình như ký kết giữa bệnh viện Da Liễu, bệnh viện Đa khoa thành phố, Phòng khám chuyên khoa Đa Khoa – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ.

Kết Luận: Các nhóm tiếp cận cộng đồng và tổ chức hỗ trợ cộng đồng đang ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu trong việc ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS tại thành phố Cần Thơ  và góp phần cho hoạt động này trong cả nước. Từ việc cung cấp thông tin chính xác, tư vấn tâm lý, khuyến khích xét nghiệm, sử dụng biện pháp dự phòng và tạo sự thay đổi trong nhận thức xã hội về tình dục đồng giới an toàn, họ đã góp phần tạo nên một môi trường hỗ trợ, giúp cộng đồng vượt qua thách thức trong phòng chống HIV/AIDS và hướng đến một cuộc sống lành mạnh hơn./.