Tất cả chúng ta rồi sẽ “Thân cát bụi sẽ trở về với cát bụi” (Thánh kinh), nhưng nghĩa tình thủy chung, lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô thì mãi mãi vĩnh hằng. Có ai đó đã ví “nghề dạy học như người lái đò chở khách qua sông”. Tôi e rằng không đúng lắm. Người đi đò trả tiền sòng phẳng cho người lái rồi đi, ít khi trở lại. Còn người thầy với nghề dạy học, tuy cũng là nghề mưu sinh nhưng đầy trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”, nặng nề và vinh quang. Hết lớp học trò này ra trường lại đến lớp khác. Những con chim non đủ lông cánh, rời tổ ấm bay đi khắp bốn phương trời.
Rất nhiều những trò xưa nhớ và tri ân thầy cô đã dạy dỗ mình khôn lớn. Song cũng có số ít trò khi công thành danh toại đã vội quên trường xưa, lớp cũ. Thậm chí có những học sinh khi gặp thầy giáo cũ mà hai mắt cứ trơ trơ như một người rớt từ hỏa tinh xuống.. Thầy Đặng Hiển, người đã nặng lòng với nghề, bắt gặp một hoàn cảnh đặc biệt và “ký sự” lại ngay như một đoạn phim quay cận cảnh :
Vì sao lại thế em ơi
Hình như thầy đã một thời dạy em
Vì sao ánh mắt em nhìn
Như người xa lạ gặp trên xe tàu?
Có lẽ người học trò ấy đã bị cơn lốc thị trường cuốn đi với mộng làm giàu, với chức trọng quyền cao nên đã tự đánh mất lòng tôn sư trọng đạo:
Hay là em mãi bước lên
Trường xưa lớp cũ lỡ quên nhớ về?
Người thày đã đặt ra biết bao câu hỏi để lý giải hiện tượng trên và cuối cùng với lòng vị tha, thầy vẫn động viên đứa trò cá biệt ấy:
Thì em ơi cứ đi đi
Cầu cho thuyền ấy ngày kia đến bờ
Giữa ngày em thỏa ước mơ
Bên chùm hoa tặng có thơ của thầy.
Còn nhà thơ Phạm Đình Ân lại cho ta thấy tấm lòng của một người học trò ngược với học trò kia. Dù đã nghỉ hưu, hoặc khi còn chức quyền, người học trò này chẳng bao giờ quên thầy giáo cũ. Ngày tết, ngày lễ em vẫn đến thăm thầy, khi đương chức thì đi xe “con” (xe du lịch):
Hàng năm mấy dịp chúc mừng
Xe con đến của lại dừng lâu lâu.
Dù đi đâu, làm gì, dù đã có chức trọng quyền cao, em vẫn nhớ ơn thầy cô mãi mãi, bể học của cuộc đời là vô tận :
Em còn học mãi đến già
Dù buông vở, mấy năm xa đến giờ
Nhớ trường lớp, ơn thầy cô
Chân non đến được bến bờ xa xôi.
Điều đáng nói ở đây là người học trò có tước vị cao kia, sau khi đã nghỉ hưu, vẫn đạp xe đến thăm thầy giáo cũ :
Năm nay con nghỉ hưu rồi
Đạp xe một quãng đường chơi thăm thầy.
Khi đương chức thì đi xe “con”, nay nghỉ hưu thì đi xe “đạp” cũng là lẽ thường tình, chỉ có tấm lòng đối với thầy vẫn nguyên như cũ. Hai thầy trò gặp nhau mừng vui khôn xiết, bàn luận chuyện thế thái nhân tình:
Chuyện vui thi cử, tháng ngày chiến tranh
Chuyện thời đổi mới giàu nhanh
Chỉ e cái đức cái tình lạt thôi
Ghế sang ngồi chỉ một thời
Tránh sao xanh cỏ nằm nơi vĩnh hằng.
Ở đời cái gì cũng vậy “bạo phát bạo tàn”, chẳng ai “giàu ba họ, khó ba đời”, và cái ghế “sang” kia dù có cao giá đến đâu cũng chỉ tồn tại nhất thời mà thôi. Điều đáng lo là “cái đức”, “cái tình” của người đời lạt theo năm tháng, và trái tim của họ trở nên chai sạn, đóng băng.
Hai người học trò, hai cái nhìn, hai tấm lòng ngược chiều sư phạm. Đứa học trò trong thơ Đặng Hiển thật “xa lạ”, mới ngày nào còn học với thầy mà nay đã như một người dưng. Còn người học trò trong bài thơ “Với thầy giáo cũ” của Phạm Đình Ân là người vừa có đức vừa có tài, là tia nắng làm dịu êm tim thầy. Cũng như một vườn cây trái, bên cạnh những chùm quả ngon ngọt vẫn vó những quả sâu, quả “điếc”. Những đứa học trò “xa lạ” kia đời nào chẳng có, nó làm nhói đau tim thầy cô. Nó là lời cảnh báo trước sự xuống cấp về đạo đức, sự băng hoại về tâm hồn của một bộ phận học sinh hôm nay./.