Gửi về thành phố Hồ Chí Minh - Sự sẻ chia và niềm cảm thông sâu sắc

                                         GỬI VỀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỰ SẺ CHIA VÀ NIỀM CẢM THÔNG SÂU SẮC

    Suốt mấy tháng nay cả nước cuốn vào cơn cuồng phong chiến đấu với giặc covi nên công tác truyền thông dành phần lớn thời lượng phát hình, phát sóng, trang in…nói về tình hình chống dịch. Ở Cần Thơ, hai tháng nay thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị số 16 của Chính phủ, cơ quan tôi thực hiện làm việc trực tuyến tại nhà; vì vậy có điều kiện cập nhật tin tức: chủ yếu là truyền hình, mỗi ngày mấy buổi thời sự, tin tức 24h, bản tin 5ph, chương trình thời sự cuối ngày của đài VOV. Ngoài ra tìm kiếm những bài viết chính thống trên báo mới, báo điện tử, mục đích theo dõi tình hình dịch bệnh có thuyên giảm không, thiệt hại nhất là tổn thất về người có giảm bớt không? Mừng cho mấy tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương…đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước tập trung sức lực dập nhanh gọn hết dịch, cuộc sống nhân dân đã trở lại bình thường mới.

      Nhưng niềm vui chưa được tầy gang, thì dịch lại “đổ xô” vào thành phố mang tên Bác; trước đây đánh giặc, ta còn biết được khá chắc quân số, đồn bót, căn cứ của chúng để tìm phương án tiêu diệt, còn giặc covi này ta không nhìn thấy nó ở đâu, là kẻ thù vô hình, nó không màu, không mùi…nhưng nó làm khuynh đảo cả thành phố Hồ Chí Minh. Mấy tháng qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã phải dồn sức, đồng lòng chống dịch, nhưng hình như dịch thi gan, thách thức chúng ta. Theo dõi những con số mỗi ngày làm lòng ta sôi sục, tim ta đau nhói: con số lây nhiễm mỗi ngày cứ tăng lên cấp số cộng, có ngày lên đến 4-5 ngàn người, toàn thành phố có lúc 3 ngàn ca nặng, toàn TP có đến hàng ngàn ca sản phụ nhiễm vi rút. Do bệnh nặng tăng đột biến và nhanh đến mức không kịp trở tay (nên có ngày chết 200-300 ca theo bản tin hàng ngày của Bộ Y tế). Xót xa thay những bác sĩ lo chữa trị cho bệnh nhân thì 2.300 người cũng bị lây nhiễm và đã có 3 người mất… những chung cư, những khu vực, những phường, những quận bị phong tỏa, bị giãn cách cứ tiếp tục biến thiên theo chiều cao không mong muốn, trong chúng ta ai cũng lo lắng trước những con số nóng này…

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân TPHCM.

 

     Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, dân cư đông (9,4 triệu người) là đàu tàu kinh tế, luôn năng động, sáng tạo. Nhưng trước tình hình khá nguy ngập, Đảng, Chính phủ phát đi những mệnh lệnh, Thành phố vì cả nước, bây giờ cả nước phải vì thành phố. Các ngành Y tế, quân đội, công an, đã tăng cường lực lượng Y bác sĩ vào thành lập nhiều bênh viện dã chiến, các trung tâm cấp cứu, chuyển công năng các bệnh viện sang điều trị bệnh nhân covid. Tăng cường thêm y, bác sỹ cho y tế xã phường, với những cách làm mới điều trị tại nhà, túi thuốc gia đình . Chính phủ và hầu hết các bộ ngành đều thành lập tổ công tác đặc biệt tại thành phố để cùng phối hợp chỉ đạo dập dịch. Trong thời điểm nước nước sôi, lửa bỏng, việc chống dịch lại chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm nên cũng phát sinh nhiều việc bất khả kháng, vượt khỏi tầm kiểm soát như: 1/ một bộ phận người dân không chấp hành nghiêm lệnh giãn cách nên vẫn có hàng ngàn người đi ra đường, do đó số ca F0 trong cộng đồng không giảm; 2/ việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, TP và ngành thương nghiệp đã thông báo là sẽ cung cấp đầy đủ nhưng do tâm lý lo ngại, thiếu thốn trong thời gian giãn cách kéo dài, vì vậy người dân đổ xô đến các siêu thị, chen lấn vừa dễ lây lan dịch bệnh lại làm khủng hoảng thiếu hàng hóa…3/ Một lực lượng hàng ngàn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, do lo sợ dịch bệnh lây lan đã tự động di chuyển bằng xe máy về các tỉnh miền trung, vừa không an toàn về giao thông, an toàn về phòng chống dịch và làm cho chính quyền khó khăn trong quản lý; 4/ cá biệt một ít người thiếu ý thức chấp hành pháp luật và lệnh giãn cách, vẫn ra đường lại không đeo khẩu trang, không đội nói bảo hiểm, xong lại có những hành vi chống người thi hành công vụ. Những hình ảnh phản cảm như vậy vô tình làm tư liệu để bọn phản động lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ về kết quả chống dịch của nhân dân ta.

      Truyền thống thương yêu đùm bọc lẫn nhau “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, hơn lúc nào hết đang được dấy lên như một phong trào, từ mệnh lệnh trái tim của những người con, cháu của Vua Hùng. Hàng ngàn tình nguyện viên, các đội thiện nguyện từ các xã, phường, các đoàn thể, từ các cơ quan…đã cùng nhau mỗi ngừời một việc, vận động quyên góp để nấu nhiều ngàn suất cơm không đồng, những phần quà nhu yếu phẩm, tổ chức vận chuyển vào sâu các con hẻm, ngõ ngách để giúp đỡ gia đình khó khăn. Nhân dân các tỉnh từ Hòa Bình, Nghệ An, Bắc Giang nơi vừa hết dịch cũng đã huy động nhiều tấn hàng rau quả, thực phẩm lương thực chuyển vào cho nhân dân thành phố và các tỉnh phía Nam. Các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cho đến các tỉnh Khánh Hòa  mới bị bão lụt…nhưng nhân dân cũng thực hiện “lá lành đùm lá rách” thực hiển hàng chục tấn hàng hòa gửi tặng, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cùng nhau ra nương dẫy thu hài nông sản, tập trung nhiều chục tấn rau ,quả chở về Thành phố gúp bà con, Quân khu 7, Quân khu 9 mặc dù lo giúp đỡ cho nhiều tỉnh nhưng vẫn quan tâm đến TP HCM, với hàng chục tấn hàng góp phần gúp đỡ nhân dân trong lúc dịch bệnh…đây là những hoạt đông mang tính nhân đạo những việc làm tử tế, ấm áp tình người.

     Có thể nói tình đồng chí, nghĩa đồng bào cứ cuồn cuộn như sông nước Cửu Long, như núi Bà Đen cao vời vợi không ai tổng kết ngay lúc này được. Do dịch bệnh bùng phát nhanh khi ta chưa lường hết được, đã có việc xảy ra cũng thật đau lòng khi các bệnh viện phải từ chối nhận bệnh nhân nhiễm covi nặng. Có hàng ngàn cuộc gọi cấp cứu cùng lúc, ta không kịp đáp ứng mặc dù các bệnh viện đã huy động hết xe, nhiều xe tư nhân làm thiện nguyện. Người lái xe trong tổ nấu cơm không đồng đã hàng tháng nay dậy sớm, thức khuya phụ nấu nướng rồi chở đi giúp đỡ, anh không sợ khó khăn vất vả mà day dứt thương dân, bởi có ngày anh nhận 3 ngàn cuộc điện thoại nhờ cứu trợ những suất cơm nhưng làm sao mà đáp ứng hết …Ngay thời điểm này, TP lại thực hiện một đợt giãn cách mới (từ 23/8 đến 15/9) sẽ thực hiện nghiêm ngặt hơn, được sự tăng cường lực lượng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, với gần 1.300 sinh viên y khoa. Những giải pháp nắm chắc các hộ dân vùng đỏ (khoảng 2 triệu người), nắm chắc bản đồ cứu trợ với 26 ngàn điểm để chuẩn bị khối lượng lương thực, thực phẩm, thuốc men khoảng 164 ngàn tấn, tổ chức đi chợ giúp nhân dân vùng xanh và cả vùng vàng, vùng đỏ, mở rộng thêm các bệnh viện dã chiến, thành lập thêm 400 tổ y tế lưu động, phát các gói thuốc gia đình. Một bộ phận được bố trí tổ chức thiêu và đưa tro cốt đến tận gia đình có người quá cố. Được tăng cường hàng ngàn quân y sĩ chắc chắn sẽ có những chuyển biến tốt, hạn chế đi đến khống chế, dập tắt dịch.

Bộ đội đi chợ mua thực phẩm cho người dân

 

    Sẽ có người hỏi rằng vì sao tôi lại quan tâm đến thành phố Hồ Chí Minh? Không quan tâm sao được, vì tôi đã từng là công dân của thành phố ngót chục năm trời; trong sâu thẳm trái tim tôi luôn hướng về thành phố, nơi đây đầy ắp những kỷ niệm khó phai mờ, và lòng biết ơn chính quyền thành phố. Với gần 3.600 ngày tôi ăn cơm, uống nước của thành phố; tôi thực sự là một người con của thành phố, tôi hóa thân vào mọi hoạt động; sáng, tối thể dục ở công viên Tao Đàn kéo dài đến công viên 23/9. Hàng ngày đến cơ quan hay đi công tác trong nội ô, trên những con đường quen thuộc rợp bóng cây xanh mát: Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quí Đôn, Võ Văn Tần hay những con đường thật dài Trần Hưng Đạo, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa….tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao do quận 3 hay thành phố tổ chức vào dịp lễ mừng chiến thắng 30/4 hàng năm, chứng kiến những hoạt động sôi nổi, không khí náo nhiệt trong dịp lễ noen, tết dương  lịch, dịp tết nguyên đán là những đường hoa nổi tiếng cả nước, những hội thi hoa lan, cây cảnh, thi chim tổ chức tại công viên Tao Đàn. Những điểm đến ấn tượng như bến Nhà Rồng (nơi Bác Hồ ra đi tìm đướng cứu nước), mà câu lạc bộ thơ lục bát của tôi tham dự những đêm tết nguyên tiêu; dinh thống nhất là nơi hàng năm Bộ và Tổng cục giao cho cơ quan tôi đăng cai tổ chức các hội nghị triển khai chính sách mới cho các tỉnh phía nam, tổ chức đối thoại với doanh nghiêp trong nước hay doanh nghiệp Hàn Quốc, tổ chức tuyên dương các doanh nghiệp nộp thuế tốt, những cơ quan khác có mối quan hệ nhiều như: T78, nhà khách Quốc hội, hội trường Thành ủy, những cơ quan tôi thường xuyên đến làm việc hay cấp trên ủy quyền thăm hỏi trong dịp lễ tết: báo Tuổi Trẻ, báo Công an TP, báo Thanh Niên …

     Là cơ quan đại diện Tổng cục thuế tại TP HCM phụ trách 32 tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau, tôi phân khu vực để làm việc, và tổng hợp báo cáo, vì đặc đểm giống nhau là: khu vực miền Trung, khu vực miền Đông và Tây Nguyên, khu vực miền Tây và riêng TP HCM là một khu vực. Thành phố là khu vực đặc biệt vì số thu của thành phố chiếm 25-30% số thu của cả nước; số thu của một quận như quận I, quận III, Quận V còn gấp 2, gấp 3 một tỉnh khác, đòi hỏi phải nắm chắc tình hình, có vấn đề gì Bộ, Tổng cục hỏi phải báo cáo kịp thời, chính xác. Do đó phải thường xuyên dự các cuộc giao ban, hội nghị sơ kết, tổng kết, làm việc với lãnh đạo cục, các quận huyện, nắm những khó khăn vướng mắc về công tác thi tuyển, về xét nâng ngạch cho thành phố trên 4.000 cán bộ công chức, về thi đua khen thưởng, những vướng mắc, bất cập về chính sách thuế, về giao cho các doanh nghiệp tự in hóa đơn… còn biết bao công việc phát sinh, phải giúp cho thành phố hoạt động bình thường, bởi đây là đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới. Nhiều việc đã được cấp trên giải quyết kịp thời, giảm bớt những bức xúc cho doanh nghiệp, nhân dân.

     Không sâu đậm, gắn bó với thành phố sao được? ngoài hoạt động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, phải quan tâm các địa phương giúp cho họ cùng hoàn thành nhiệm vụ; ngoài chia ngọt, xẻ bùi với các, tỉnh thì TP HCM vẫn là nơi gắn bó mật thiết hơn vì hai cơ quan cùng chung một khuôn viên, đi chung một cổng, thấu hiểu niềm vui, nỗi buồn của nhau. Ngày mới lên TP còn chân ướt, chân giáo, không có chỗ ở, năm đầu được Văn phòng Bộ cho ở tạm một phòng của nhà khách. Sau đó đồng chí Cục trưởng dẫn tôi đi liên hệ Sở Xây dựng, công ty quản lý nhà, để trình hồ sơ lên UBND TP và được ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP giải quyết cho tôi một phòng 40 m2 là nhà công vụ; tôi mới an cư, lạc nghiệp. Ơn này tôi làm sao quên được. Ngoài cơ quan và ngành thì bạn bè học cùng lò tài chính (khóa 1982-1986) đã an cư lập nghiệp, có ngừời lên đến lãnh đạo TP, có người làm Giám đốc, Tổng Giám đốc, một số anh chị cùng đi B năm 1974… động viên tôi về định cư tại thành phố, nhưng đã xác định Cần Thơ là quê hương thứ hai của tôi, nên tôi trở về nơi gắn bó 30 năm, niềm vui, những kỷ niệm còn sâu đậm hơn !

Bác sĩ thăm khám F0 tại nhà.

 

     Trở về Cần Thơ nhưng nơi thành phố còn có những người thân, có đồng nghiệp, có bạn bè,  những niềm thương, nỗi nhớ, hàng năm mỗi độ tết đến xuân về tôi lại trở về cơ quan họp mặt cán bộ hưu trí, được lãnh đạo Bộ chúc tết, tặng quà, anh em lại chúc nhau ly rượu, cầu mong cho năm mới mọi điều tốt lành, biết được ai mất, ai còn. Giờ phút họp mặt ngắn ngủi rồi lại chia ly. Một thành phố sôi động, có lúc cũng có vẻ ồn ào, xô bồ nhưng vẫn sâu thẳm lòng bao dung, nhân đạo, trong cái khó đã ló nhiều cái khôn,  sự sẻ chia “lá lành đùm lá rách” như Nhạc sĩ Trần Hoàn đã từng viết “có qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau”.

      Những ngày dịch dã, ngồi ở Cần Thơ (nơi dịch bệnh nhẹ hơn thành phố) mà lòng luôn hướng về thành phố. Nhìn những người tuyến đầu và cả những tuyến sau, những tình nguyện viên nhất là tình nguyện viên trực tiếp chăm sóc F0, F1, họ ngày đêm quên cả gia đình, không sợ hy sinh, chết chóc, công việc nhọc nhằn thiếu ngủ, ăn vội, chưa xong bữa đã phải khoác ống nghe chạy đi cấp cứu. Còn hàng ngàn, hàng vạn công việc, những sự vụ, sự kiện phát sinh nữa…mà tôi cứ thao thức, trăn trở, suy tư, tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời. Cuối cùng vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, Chính phủ, các bộ ngành; sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, sự sẻ chia của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc, TP HCM nói riêng, cà nước nói chung sẽ chiến thắng giặc covi.

     Không phải là ôn nghèo, kể khổ hay kể công vào lúc này; nghe lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, cả nước đang hướng về TP HCM, mình đã là công dân của thành phố, không làm được gì thì cũng phải có lời sẻ chia gửi đến nhân dân Thành Phố nơi mà mình đã từng được bao bọc, chở che, với đúng tính nhân văn “uống nước, nhớ nguồn” cầu mong thành phố sớm vượt qua hoạn nạn mang tầm quốc tế này. Xin gửi lời chào trân trọng đến nhân dân thành phố thân yêu của tôi./.

                                                 Cần Thơ, ngày 23/8/2021

                                                       Trương Viết Hùng

 Nguyên Vụ Trưởng- Trưởng Đại diện Tổng Cục thuế tại TP Hồ Chí Minh