GIỮ MÃI MÙA XUÂN
BsCKII Dương Văn Thấm
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Y học
Những làn gió se lạnh nhè nhẹ thổi qua như những cánh Én báo hiệu mùa xuân, nhưng cái cảm giác lành lạnh của gió mùa xuân chợt đến miên man trên làn da thật khó tả. Dẫu sao thì mùa Xuân vẫn cứ đến. Gió Tết vẫn cứ về. Song cái Tết năm nay, nó đến với bao sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và Ngành Y tế Cần Thơ đã dốc hết sức mình để dọn dẹp Covid, cho đồng bào mình hưởng mùa Tết được yên vui.
Cần Thơ năm nay đón Tết với tinh thần thoải mái. Sống chung, thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 đã cho con người Cần Thơ trở nên an nhiên, bình dị trước bao làn sóng dập dồn những ngày cuối năm 2021. Nhìn lại năm 2021, Ngành Y tế Việt Nam đã gồng mình vượt qua những thử thách khắc nghiệt của dịch bệnh, nhưng cũng đã khẳng định khả năng đáp ứng của xã hội và con người Cần Thơ trước đại dịch.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã cướp đi hơn 5,5 triệu con người trên thế giới, nhưng thành tựu y học trên thế giới vẫn vượt qua những tác động khốc liệt của đại dịch Covid-19, đóng góp vào thành quả khoa học đáng ngưỡng mộ, phục vụ điều trị cho loài người. Một sinh phẩm xét nghiệm máu có tên Galleri có thể phát hiện sớm đến 50 loại ung thư; thậm chí còn định vị chính xác vị trí khối u trong cơ thể. Tai nạn đứt dây chằng chéo trước thường gặp nhiều trong hoạt động thể thao được rút ngắn thời gian chữa trị bằng phương pháp cấy ghép collagen bò và máu tự thân của bệnh nhân. Nghiên cứu thành công chế tạo sữa nhân tạo có công thức gần giống với sữa mẹ sẽ giúp cho những đứa bé kém may mắn được nuôi đầy đủ bằng sữa mẹ. Đặc biệt, những phát minh đột phá trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là công nghệ sản xuất vắc xin mRNA là loại vắc xin không chứa virus sống mà vẫn tạo ra được phản ứng miễn dịch trong cơ thể để chống lại virus thật. Thuốc kháng virus cũng đã làm thay đổi tư duy “virus không có thuốc đặc trị”, mà với viên thuốc kháng virus Molnupiravir (Merk) và Paxlovid (Pfizer) đã có thể khống chế được SARS-CoV2. Và tín hiệu vui cho những ngày đầu tháng Một của năm 2022 là trường hợp ghép tạng thành công là ông David Bennett 57 tuổi được thay quả tim bất trị bằng một trái tim heo! Thật tuyệt vời!
Đối với Ngành Y tế Việt Nam cũng không ngừng vươn lên, nhanh chóng tiếp cận khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, đã đạt được những thành công trên nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ cao; làm chủ được các kỹ thuật như ghép tạng, trị liệu tế bào gốc, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân. Các trung tâm ghép tạng ở Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh đã được thành lập bảo đảm cho việc ghép các tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng (thận, tim, gan, tụy, phổi). Chi phí cho ghép tạng ở Việt Nam có mức thấp nhất so với các nước trên thế giới. Kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp mạch cũng đạt được trình độ các nước tiên tiến. Chỉ tính riêng can thiệp mạch cấp cứu đã cứu sống trung bình trên 3.000 trường hợp mỗi năm kể từ khi kỹ thuật này được đưa vào ứng dụng. Kỹ thuật can thiệp mạch đã điều trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân bệnh tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, rò động mạch, hẹp động mạch). Kỹ thuật can thiệp mạch cũng được ứng dụng trong điều trị ở một số cơ quan khác như: tiêu hóa, hô hấp, thần kinh, sinh dục… Kỹ thuật nội soi và vi phẫu thuật nội soi cũng được phát triển trong chuyên khoa thần kinh sọ não, tai - mũi - họng, nhãn khoa, tiêu hóa, sản - phụ khoa, phẫu thuật cột sống bằng công nghệ laser và nội soi. Nhiều kỹ thuật nội soi can thiệp trở thành kỹ thuật thường quy của các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện các trường đại học y - dược, bệnh viện hạng 1 và được chuyển giao cho một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, khu vực. Phát triển các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, sàng lọc trước sinh và sau sinh như: ứng dụng kỹ thuật giảm thiểu phôi, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, chuyển phôi giai đoạn muộn, đông phôi và trữ phôi, chọc hút tinh trùng từ mào tinh, hỗ trợ phôi thoát màng, chẩn đoán di truyền phôi tiền làm tổ... với tỷ lệ thành công tương đương các nước trong khu vực. Ứng dụng kỹ thuật ghép giác mạc lớp (ghép giác mạc lớp trước sâu và ghép nội mô giác mạc) trong điều trị bệnh lý giác mạc, Femtosecond laser trong phẫu thuật nhãn khoa (phẫu thuật ghép giác mạc, thủy tinh thể, dịch kính võng mạc…), kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu, tạo hình sẹo bỏng, khuyết hổng mất da, kỹ thuật vi phẫu trong khâu nối chi đứt lìa, tổn thương mạch, thần kinh ngoại biên, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay của Việt Nam đã tiếp cận được ở trình độ tiên tiến trên thế giới.
Các tiến bộ đột phá trong nghiên cứu về ghép tủy ở Việt Nam có thể kể đến như: việc sử dụng nguồn tế bào gốc tạo máu ở máu ngoại vi và máu cuống rốn thay cho tủy xương Ứng dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân điều trị bệnh lý chấn thương cột sống có liệt tủy, tế bào gốc mô mỡ tự thân trong điều trị bỏng, tế bào gốc tự thân trong điều trị suy tim sau nhồi máu cơ tim…
Các kỹ thuật xạ trị 3 chiều, kỹ thuật PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị, xạ phẫu (Radiosurgery), ứng dụng dao gamma (Gamma Knife) và dao gamma quay (Rotating Gamma Knife), xạ trị trong chọn lọc (Selective Internal Radiotherapy - SIR) hay còn gọi là phương pháp tắc mạch phóng xạ (Radio Embolization - RE), cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt… đã được thực hiện thành công tại Việt Nam với kết quả tốt.
Về cơ bản, các công nghệ kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị trên thế giới đã được các nhà khoa học y tế của Việt Nam làm chủ; đã xây dựng, chuẩn hóa và phát triển các quy trình kỹ thuật của hơn 30 chuyên ngành. Một số kỹ thuật cao của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế cử chuyên gia đến học tập, mời báo cáo, trình diễn kỹ thuật tại các hội nghị chuyên ngành quốc tế lớn như nội soi can thiệp, tim mạch can thiệp, phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp...
Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh ở người, đảm bảo sản xuất các loại vắc-xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 20 năm liên tục bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt, kể từ khi chính thức được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận vào năm 2000, trong bối cảnh vi-rút bại liệt hoang dại vẫn lưu hành ở một số quốc gia vùng Nam Á, cũng như sự xuất hiện trở lại các ca bại liệt ở những quốc gia khác trong khu vực. Năm 2021 cũng là năm thứ 14 Việt Nam duy trì loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Trên 20 vắc xin đã được nghiên cứu sản xuất trong nước như: viêm não Nhật Bản, tả, viêm gan B, dại, viêm gan A, bại liệt, sởi, tiêu chảy do vi-rút Rota, bạch hầu - ho gà - uốn ván, lao, thương hàn, viêm màng não mủ H. influenzae tuýp B… Đến nay, việc sản xuất vắc xin của Việt Nam đã đảm bảo cung ứng cho 11/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Kể từ năm 2017, vắc xin sởi - rubella đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công và đưa ra thị trường, cho đến năm 2019, vắc xin cúm mùa “3 trong 1” (IVACFLU-S) gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng và được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành. Đây không chỉ là thành tựu công nghệ trong sản xuất vắc xin mà còn thể hiện năng lực ứng dụng, làm chủ công nghệ sinh học, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Ngành Y tế Việt Nam.
Trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng vi-rút SARS-CoV-2. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phân lập thành công vi-rút này. Từ thành công này đã làm nền tảng cho việc làm chủ trong nghiên cứu phát triển các sinh phẩm xét nghiệm, nghiên cứu độc lực vi-rút và điều chế vắc-xin dự phòng.
Năm 2021 có thể nói là một năm toàn bộ nền kinh tế, xã hội của Việt Nam chịu tác động mạnh từ dịch bệnh COVID-19. Chật vật chống chọi với Covid-19, nhất là giai đoạn làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta, trong khi nguồn vắc xin hết sức ít ỏi, bị động, nhưng Ngành Y tế được cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh rất quyết liệt, triệt để cho đến lúc tiếp cận được nguồn vắc xin, chúng ta đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trên cả nước.
Ứng phó với dịch bệnh COVID-19, thành phố Cần Thơ phát triển 14 cơ sở xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 với năng lực xét nghiệm hơn 8.200 mẫu đơn mỗi ngày và 39 cơ sở xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Năm 2021, đã thực hiện xét nghiệm nhanh trên 2,6 triệu lượt người, xét nghiệm RT-PCR cho gần 1,5 triệu lượt người. Phối hợp với lực lượng công an, 2.825 tổ COVID-19 cộng đồng hỗ trợ hiệu quả các trường hợp cách ly, điều trị tại nhà. Thành phố Cần Thơ ghi nhận hơn 50 ngàn ca mắc COVID-19. Trong đó, tổn thất tử vong 540 trường hợp, chiếm tỷ lệ 1,07%. 12 bệnh viện dã chiến đã được khẩn trương thành lập, 7 bệnh viện phải chuyển đổi công năng. Trong đó có mặt các tổ chức thành viên Hội Y học Cần Thơ trên tuyến đầu chống dịch ở các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Mắt – Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Quân Dân y, và hơn 3.000 hội viên điều dưỡng có mặt trên khắp các tuyến y tế của Cần Thơ. Gần 2,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm. Mặc dù đã giảm 467 trường hợp mắc, nhưng dịch sốt xuất huyết vẫn được ghi nhận 797 trường hợp. Bệnh Tay Chân Miệng tăng 126 trường hợp so với cùng kỳ năm trước với 1.113 trường hợp mắc bệnh. Điều đáng mừng là không có trường hợp nào tử vong.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng trả lại cuộc sống bình thường cho nhân dân, Ngành Y tế đã triển khai chiến lược tiêm chủng lớn nhất chưa từng có! Cần Thơ đã thực hiện tiêm phủ vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho tất cả người dân trên diện rộng; huy động đồng bộ cả hệ thống y tế thành lập mới các điểm tiêm lưu động được dựng lên giúp tốc độ tiêm chủng cho người dân được thực hiện nhanh nhất. Tiêm vắc xin tăng cường mũi 3 cũng đã được triển khai từ những ngày cuối năm.
Phấn khởi, tự hào trước những thành tích của Ngành Y tế Cần Thơ cũng như cả nước, nhưng xen lẫn những hạt sạn, những nốt trầm của Ngành Y tế cũng đã làm lắng đọng nỗi đau trong nhân dân, trong lòng những người con của Ngành Y tế. Năm 2021 đã có con số kỷ lục về số cán bộ y, dược bị khởi tố, bắt tạm giam với ít nhất 25 người liên quan đến các vụ án lớn. Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Vụ Bệnh viện mắt TP.HCM cũng đã xảy ra sai sót trong quá trình đầu thầu gây hiệu quả nghiêm trọng. Vụ đấu thầu tại Sở Y tế Cần Thơ. Vụ Bệnh viện Tim Hà Nội khiến nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim là ông Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố. Vụ án hình sự: “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada”. Vụ thổi giá kit test xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. Vụ bệnh nhân mở phòng “bay lắc”, bán ma túy trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Song, không vì những lý do đó mà Ngành Y tế chùn bước. Chấp nhận sóng gió, vượt qua bão lớn, đối mặt với thử thách, lăn xả trong gian khổ, hiểm nguy, Ngành Y tế Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định vững vàng, tiến lên phía trước.
Trước thềm năm mới năm 2022, Ngành Y tế Việt Nam không ngừng tiến bước trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, tiếp tục chiếm lĩnh dư địa để phát triển công nghệ tiên tiến, như công nghệ sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme, phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền, nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng… bằng các công nghệ chiết tách, tổng hợp và bán tổng hợp các sản phẩm từ thiên nhiên, tạo các sản phẩm phục vụ công nghiệp dược, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.
Xúc tiến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm. Kế thừa và phát triển y học cổ truyền, nghiên cứu các cây thuốc, bài thuốc điều trị, hiện đại hóa các dạng bào chế các bài thuốc… Bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm; tiếp tục duy trì lưu giữ và bảo tồn 1.168 nguồn gen của 760 loài và dưới loài thuộc 170 họ tại 5 vườn bảo tồn cây thuốc.
Sản xuất trang thiết bị y tế, nhất là trang thiết bị y tế công nghệ cao cung cấp đủ cho thị trường trong nước các vật tư tiêu hao thiết yếu, thiết bị tiệt trùng, khử khuẩn, thiết bị thay thế trong các chuyên khoa răng hàm mặt, xương khớp. Đến nay, Ngành Y tế đã nghiên cứu và sản xuất thành công một số sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam như: stent sử dụng trong tim mạch có giá thành bằng 1/2 giá sản phẩm cùng loại nhập khẩu và đang được cung cấp trên thị trường, thủy tinh thể trong nhãn khoa đang được thử nghiệm lâm sàng, dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường với giá thành giảm 1/3 so với nhập khẩu. Tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng thành công công nghệ sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân COVID-19, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất một số trang thiết bị y tế cung cấp cho thị trường những sản phẩm công nghệ cao.
Nhìn lại một năm đã qua, trước bao sóng gió dồn dập, nhất là làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta càn quét qua mọi nẽo đường, phố xá, làng mạc, phủ trùm tang thương trên đất nước Việt Nam nói chung và Thành phố Cần Thơ thân yêu của chúng ta nói riêng, lại thêm những nốt trầm của Ngành Y tế trong đó có Cần Thơ, nhưng cán bộ, công chức, viên chức Ngành Y tế Cần Thơ vẫn luôn tự hào là người chiến thắng. Chiến thắng vì chúng ta làm chủ được trong trận chiến chống Covid, huy động tổng lực toàn xã hội; làm chủ được công nghệ và làm chủ bản thân để vững vàng tiếp bước hào hùng của thế hệ đàn anh, chị đi trước. Sự cố gắng vượt bậc của Ngành Y tế thành phố Cần Thơ, trong đó là hơn 100 ngày đêm cần mẫn, tận tụy với bệnh nhân của các hội viên Hội Y học thành phố Cần Thơ đã trả lại mùa xuân yên lành, ấm áp cho bao người dân Thành phố thân yêu của chúng ta. Mùa xuân này, Thành phố chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, gian khổ nhất; cả hệ thống chính trị đã cùng chung vai, sát cánh, đồng cam, cộng khổ để mang lại cho người dân cuộc sống êm đềm, tự tin, phấn khởi đón chào năm mới Nhâm Dần. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng năm mới, Thành phố Cần Thơ sẽ có những thắng lợi mới. Tự hào những chiến sĩ Ngành Y tế chúng ta đã luôn giữ mãi mùa xuân cho Thành phố! Chúc mừng năm mới!