Sáng ngày 22/4/2022, trong khuôn khổ nội dung thực hiện của đề tài khoa học công nghệ cấp thành phố “Xây dựng DNA mã vạch cây dâu Hạ Châu của thành phố Cần Thơ”, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ tổ chức Hội thảo với chủ đề: “DNA mã vạch và tiềm năng ứng dụng trong sản xuất và cuộc sống”.
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo xoay quanh các nội dung nhằm khái quát tình hình nghiên cứu DNA mã vạch trong và ngoài nước, tuyên truyền về ứng dụng DNA mã vạch trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và cuộc sống, đồng thời phổ biến kết quả nghiên cứu của đề tài đến các viện, trường, hợp tác xã và người dân. Đóng góp tại Hội thảo có phát biểu của TS. Đỗ Tấn Khang – Viện nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học – Trường Đại học Cần Thơ với tham luận “Khảo sát đa dạng di truyền các giống dâu (Baccaure sp.) dựa trên dấu phân tử RAPD”; TS. Nguyễn Hữu Thanh – Trường Đại học An Giang với tham luận “Đánh giá ảnh hưởng của vi bao màng hai lớp tới việc tăng khả năng sống sót của probiotic trong quá trình sấy đông khô”; tham luận “Ứng dụng kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy Flow Cytometry trong nghiên cứu tế bào” của Ông Lê Đình Huấn đến từ Công ty Life Sciences; và tham luận “DNA mã vạch trong nông nghiệp công nghệ cao” của KS. Trần Gia Huy – Viện nghiên cứu và Phát triển CNSH – Trường Đại học Cần Thơ. Bên cạnh báo cáo của các chuyên gia và nhà khoa học, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp thảo luận và đề xuất tích cực của quý đại biểu đến từ Viện Cây ăn quả miền Nam, Hợp tác xã dâu Hạ Châu Phong Điền,…
DNA mã vạch là một công cụ mạnh mẽ trong việc ứng dụng sinh học phân tử trong nông nghiệp. Trong xu thế hiện nay, khi nền nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng, các yêu cầu về sở hữu trí tuệ cũng như bảo hộ giống ngày càng quan trọng. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu nhằm xác định các trình tự DNA đặc trưng cho các giống cây trồng đặc sản của nước ta hiện nay.
Tin và ảnh: Y Phụng