//custa.cantho.gov.vn/files/images/tdn.jpg

Để hiểu hơn về Trần Đại Nghĩa

Nhân ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18-5, Ban biên tập xin giới thiệu cùng quý độc giả bài viết về cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đầu tiên.

 

Trần Đại Nghĩa-Nhà khoa học–Thiếu tướng, Cục trưởng Cục quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ công thương, Thứ trưởng Bộ công nghiệp, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Tổng công đoàn Việt Nam, cố vấn Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa II, III, Huân chương Hồ Chí Minh, giải thưởng Hồ Chí Minh, Anh hùng lao động, Viện sĩ Viện Hàn lân Khoa học Liên Xô.

Trần Đại Nghĩa – người tri thức đầu tiên của Việt Nam ngay từ năm 1953 đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trần Đại Nghĩa – một người mà không chỉ thế hệ hôm nay, không chỉ với lớp lớp cán bộ chiến sĩ của hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh, không chỉ các nhà khoa học, công nhân quân giới, đồng bào trong nước mà cả bạn bè quốc tế đều kính trọng và coi như là Một huyền thoại…

Nhờ hàng loạt những vũ khí mới ra đời cùng với những đòn quyết định của giai đoạn tổng phản công đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, cuộc kháng chiến 9 năm của quân và dân ta kết thúc thắng lợi. Hòa bình lập lại ở Miền Bắc, Trần Đại Nghĩa trở lại thủ đô với nhiều trọng trách mới và nhiều gắn bó với khoa học.

Thời kỳ đánh trả và chiến thắng cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc có sự đóng góp lớn của Trần Đại Nghĩa trong việc cùng với các nhà khoa học và các chiến sĩ phòng không nghiên cứu chống nhiễu thành công để tên lửa SAM 2 bắn rơi nhiều pháo đài bay B-52, một lần nửa làm nên một Điện Biên Phủ trên không, toàn thắng 30-4-1975 – Đất nước về một mối.

Để hiểu hơn về Trần Đại Nghĩa – với nhiều khía cạnh của một nhà bác học uyên thâm trong tư duy khoa học, trong công việc và đời thường, xin đọc tiếp những trang viết của Nguyễn Đình Nguyện – người đã gắn bó với Trần Đại Nghĩa suốt nhiều thập kỷ cho đến hôm nay.

CHIẾC THƯỚC TÍNH LOOGARIT VÀ NHỮNG DÃY CON SỐ

Suốt nhiều thập niên công tác, từ núi rừng sâu Việt Bắc những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đến khi trở về với Thủ đô Hà Nội, cuộc đời hoạt động của GS. Trần Đại Nghĩa như luôn gắn liền với chiếc thước tính thủ công loogarit (refgle de calcul) và những dãy con số toán học ghi chép đơn điệu, khô khan.

Chiếc thước tính phủ lớp nhựa trắng đã ngả sang màu vàng nhạt, những kẻ vạch và chỉ số mờ dần theo thời gian và số lần sử dụng liên tục. Thời bấy giờ chưa có loại máy tính nhỏ, bỏ túi chạy bằng pin gọn và thuận tiện như hiên nay.

Hầu như mọi trí tuệ, tư duy, phương pháp luận khoa học, các thông tin kinh tế-kỹ thuật…đều được xử lý qua chiếc thước tính loogarit, biểu diễn trên các dãy số ghi chép, rồi được cất giữ ở bộ nhớ trong máy tính sinh học tuyệt vời của GS để khi cần sẽ phát ra. Hoạt động nghiên cứu của GS cứ theo một chu kỳ khép kín: thu nhận, xử lý, cất giữ, phát ra rồi tiếp tục các bước theo hệ thống hóa. Nhờ bộ óc khá minh mẫn, biết quên đi những điều không cần thiết, nên GS có sức nhớ tuyệt diệu. Những dãy con số của ông có khả năng minh họa, khái quát hóa một sự kiện hoặc ở mức độ tin cậy hơn, nêu lên những lập luận phản bác, chứng minh một dự án kinh tế.Mỗi khi trình bày bài giảng hay chuyên đề khoa học-kinh tế GS ít triết lý dài dòng mà chỉ diễn giải, phân tích qua các số liệu, những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, các thông số ngắn gọn, có hệ thống, đầy sức thuyết phục.

Trong nghiên cứu và công tác, GS luôn tỏ ra trân trọng công sức của những cán bộ làm công tác thống kê, biên soạn tiêu chuẩn, định mức, tư liệu thông tin…Ông thường đọc kỹ, phát hiện những con số thiếu chính xác hoặc mâu thuẫn chồng chéo nhau và thân ái chỉ dẫn cho cán bộ thừa hành. Nếu những con số, các công thức toán học, xử lý thông tin đem lại cho nhà khoa học niềm đam mê, dồn mọi tinh lực thì cũng chính những con số đó lại gây cho ông những trăn trở, vật vã mỗi khi phải quyết định một công tác trọng yếu hay tranh luận phản biện.

  1. Nhớ lại khi cung cấp tài liệu về điều kiện tự nhiên ở khu vực cho phía Liên Xô cũ làm cơ sở thiết kế nhà máy thủy điện Sông Đà, Chủ nhiệm Ủy ban KH-KT Nhà nước kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước phải cân nhắc giữa 2 con số, cấp động đất 7 hay 8? Đội ngũ các bộ khoa học địa vật lý đã sưu tầm, nghiên cứu khá đầy đủ, những việc quyết định con số cuối cùng thì buộc trách nhiệm và lương tâm khoa học của người lãnh đạo. Một thách thức lớn về chấp nhận xác suất rủi ro hợp lý hoặc coi trọng sự an toàn công trình với những tốn kém lớn trong thiết kế, thi công?

Sau những đêm trằn trọc lý giải, cân nhắc lựa chọn, GS mới đặt bút ký với những ghi chú, lưu ý các cơ quan thiết kế, thi công quan tâm đến chất lượng và an toàn công trình . GS thường nhắc đến câu tục ngữ có liên quan đến công nghiệp vũ khí : “Sai một ly, đi một dặm”. Quyết định về chủ trương cũng vậy.

  1. Vào đầu những năm 70, Thủ đô Hà Nội vừa trải qua những đợt tàn phá nghiêm trọng. Các công trình kỹ thuật hạ tầng xuống cấp nặng nề. Những điều kiện đi lại, ăn ở và lao động của cán bộ, nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Một số cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước có nghiên cứu đề án xây dựng Thủ đô mới ở phía Bắc Hà Nội và trên thực tế đã hình thành vài cụm dân dụng ở Xuân Hòa – Phúc Yên. Một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hay chỉ mới là cái ý tưởng chưa định hình? Dù ở trường hợp nào thì vai trò tham mưu của Chủ nhiệm Ủy ban KH-KT Nhà nước kiêm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước cũng thôi thúc GS  nghiêm cứu trình bày quan điểm, nhận thức của mình đối với công trình.

Đã từng chỉ đạo, quản lý xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật các ngành công nông nghiệp, và với tầm nhìn bao quát về kinh tế - xã hội, GS cảm thông sâu sắc nổi khó khăn của công tác nghiên cứu thiết kế cải tạo một thành phố đã đổ nát cũng như ước vọng của lãnh đạo cấp cao lúc đó, mong muốn sớm có một Thủ đô khang trang, bộ mặt của đất nước.

Tuy nhiên, với tư duy phản biện, GS nhận thấy khoảng cách qúa lớn giữa yêu cầu và khả năng, giữa ước vọng điều kiện khả thi một công trình tầm vóc lớn.

Trong trình bày ý kiến riêng, GS tránh không đi sâu lý giải tầm quan trọng, ý nghĩa của vấn đề mà chỉ nêu lên những con số tổng hợp tối đa và tối thiểu về suất đầu tư bình quân kèm theo những số liệu trung bình các vật liệu chủ yếu cần thiết, các số liệu gần như học thuộc lòng của một nhà quản lý xây dựng cơ bản: xi măng, sắt thép gỗ. GS không phủ định chủ trương mà chỉ khái quát, minh họa qua một vài con số để xem xét và cần lưu ý.

  1. Tính đam mê, nhạy cảm về những con số đối với GS Trần Đại Nghĩa được hình thành gần như một cố tật. Ngay ở tuổi 80, lúc “mắt mờ chân chậm” ông vẫn còn nặng nợ với nó. Năm 1992, có chủ trương xây dựng hệ điện siêu cao 500KV, một số nhà khoa học còn e ngại bang khoăn về tính khả thi do đặc điểm công trình, do giải trình dự án tiền khả thi còn quá sơ lược. Theo GS nổi băng khoăn đó là chính đáng, có chừng mực cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định.

Mặt khác, yêu cầu nguồn điện năng cho cả nước nhất là ở phía Nam lại vô cùng cấp bách. GS có nêu lên một con số để đối chiếu: trước chiến tranh thế giới thứ II, sản lượng điện năng bình quân ở Pháp gấp 15 lần ở nước ta năm 1992 hiện tại.

Không có điều kiện đọc, nghiên cứu dự án tiền khả thi do cơ quan chủ đầu tư biên soạn, GS chỉ nghe phản ánh tóm tắt vài chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, nhất là khai toán của công trình.

Trong bài phát biểu ngắn nhân có cuộc trao đổi phỏng vấn của báo Lao động, GS tán thành chủ trương xây dựng công trình nhưng lại cảnh báo, lưu ý về con số khai toán đề ra lúc ban đầu. Theo ông, nhà nước và chủ đầu tư phải lo cho đủ ngoại tệ mạnh, nhập đồng bộ hệ công nghệ hoàn chỉnh mới bảo đảm kỹ thuật an toàn công trình. Các đơn vị thiết kế, thi công dù cố gắng tích cực cũng chỉ tiết kiệm các chi phí vốn trong nước với một tỷ trọng nhỏ, còn thiết bị công nghệ thì “tiền nào của ấy” và chất lượng công trình cũng bắt nguồn từ đó.

CÓ CHĂNG NHỮNG MÁY MÓC KHẮC KHE VỀ CÁC CON SỐ?

Vốn có thói quen tiếp xúc với con số, GS Trần Đại Nghĩa thường có những phản ứng trực diện với cách diễn đạt chung chung, những cụm từ thường gặp: thắng lợi “cơ bản”, đạt các chỉ tiêu “chủ yếu” hoặc tiến thêm “một bước”… “giải pháp tình thế”. Ông cho rằng đó là những cụm từ “cao su” chỉ có thuận tiện cho sự ngụy biện, cơ hội muốn thu vào hay kéo giãn ra tùy nghi, tùy thời. GS lo ngại, các bộ khoa học sính dùng các cụm từ ngày dễ sinh ra lười biếng, hời hợt.

Trong giao tiếp sinh hoạt, GS tỏ ra dễ dãi, hiền hòa bao nhiêu thì trái lại đối với những con số lại luôn khắt khe, chặt chẽ bấy nhiêu, trước hết là đối với bản thân.

  1. Cuối năm 1973 nhân làm việc với lãnh đạo Trung ương, giờ nghỉ giải lao, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trường Chinh có trao đổi, hỏi han GS về tình hình riêng: gia đình, sức khỏe, điều kiện công tác. Trong câu chuyện thân tình, ông chân thành báo cáo với lãnh đạo: hiện đã vượt qua ngưỡng cửa tuổi 60, thời điểm thực hiện chính sách hưu trí theo chế độ cán bộ nhà nước.

Chủ tịch Trường Chinh vui cười bảo: “Anh Nghĩa ơi! Anh còn nhỏ tuổi hơn tôi. Là Đảng viên, nhà khoa học. sao anh lại “máy móc” với tuổi tác về hưu như vậy.

  • Là đảng viên, báo cáo anh, tôi phải sẳn sàng chấp hành các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước qui định – GS nói.
  • Sự nghiệp cách mạng chưa hoàn thành trọn vẹn. Anh và tôi chưa nghỉ hưu được.
  • Tôi đã báo cáo xin anh ghi nhận. Nếu trường hợp Đảng còn yêu cầu tôi xin chấp hành.

Kể lại câu chuyện tiếp xúc trao đổi với Chủ tịch Trường Chinh, GS Trần Đại Nghĩa tâm sự: “Trừ các trường hợp ngoại lệ thì theo qui luật tự nhiên, con người lớn tuổi thì sức nhạy bén, năng động giảm dần. Dù sao cũng cần cảnh giác với sự “lẩm cẩm’ khi về già. Dự báo trước, để phòng và tránh trước thì hơn”.

  1. Năm 1976, khi lãnh đạo Viện Khoa học VN, mỗi khi báo cáo công tác cho cấp trên, GS Trần Đại Nghĩa thường đề xuất việc tăng nguồn vốn đầu tư cho khoa học – đào tạo. Theo GS ở các nước TBCN, công tác khoa học – đào tạo một phần đã xã hội hóa mà Nhà nước luôn dành cho khoa học – đào tạo một tỷ trọng ngân sách đầu tư của GDP khá cao. Còn ở ta Nhà nước lo hết mà chưa đạt 1% GDP thì quá thấp.

Một số cán bộ lãnh đạo cho là GS đòi hỏi quá đàng, nhưng ông vẫn kiên trì đề xuất, có lúc gây bực tức cho lãnh đạo. Vài người nhận xét: GS quá máy móc theo con số!

Số khác lại đánh giá GS có tầm nhìn xa rộng, dự báo trước tình hình, coi trọng việc phát triển khoa học - đào tạo, thường xuyên tiếp cận với xu thế phát triển chung! Nghị quyết TW2 khóa 8 đã có ghi dành 2% GDP cho khoa học – đào tạo  Có người phản ánh cho GS biết. Ông lại cho rằng: Như vậy là muộn. Tuy nhiên vì điểm xuất phát kinh tế của ta còn thấp nên con số tuyệt đối 2% GDP không nhiều đâu. Các cơ quan khoa học – đào tạo phải hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí và tổ chức phối hợp với các đơn vị sản xuất nhận đề tài nghiên cứu, phục vụ sản xuất mới tạo thêm nguồn vốn cho khoa học – đào tạo.

Mỗi nhà khoa học đều có phong cách làm việc, nghiên cứu riêng. Đối với GS Trần Đại Nghĩa, chiếc thước tính logarit và những dãy con số là nét đặc thù, một biểu tượng riêng của nhà khoa học.

LÒNG YÊU NƯỚC KINH TẾ VÀ TƯ DUY PHẢN BIỆN

Những năm có chiến tranh, nền khoa học – kỹ thuật và kinh tế miền Bắc ít tiếp xúc với bên ngoài trừ phe XHCN.

Đường lối kinh tế - xã hội lúc đó tương đối cứng, theo một chiều đã định. Năm 1965, Trung ương Đảng ta có dự định cử một đoàn cán bộ cao cấp đi nghiên cứu ở Nhật. Đồng chí Nguyễn Văn Trân lúc đó là Bí thư Trung ương Đảng và GS Trần Đại Nghĩa được giao chuẩn bị tư liệu kinh tế - khoa học kỹ thuật và tham gia đoàn.Thông tin về nước Nhật hiếm hoi. Qua nghiên cứu sơ bộ tình hình nước Nhật, GS nhận thấy có những điểm cần liên hệ với VN chuẩn bị cho thời hậu chiến. Sau đó, do quan hệ đối ngoại, Đoàn không đi Nhật lại đi Pháp. Đến Pháp, ngoài công tác chung của Đoàn, GS đặc biệt quan tâm đến tìm tài liệu, trao đổi về Nhật. Về Nhật, ông rút ra một số nhận định rồi tiếp tục nghiên cứu các nguyên nhân đã đưa một nước bại trận trong thế chiến thứ II, nghèo tài nguyên, khắc nghiệt địa lý lại vươn lên với các bước tiến kỳ diệu làm cả thế giới ngạc nhiên. GS cũng xem xét cả Tây Đức nửa, nước đồng hành bại trận rồi liên hệ với các nước thắng trận, tình hình các mặt trong nước ta.

Ông kết luận: lòng yêu nước kinh tế của nhân dân Nhật trong thời chiến có nhiều đặc điểm cần lưu ý, có thể phân tích để học tập, vận dụng vào VN sau khi thống nhất đất nước.Vượt qua những ức chế thông thường trong suy luận chủ quan, GS xem xét cả mối quan hệ giữa chủ và thợ, giữa hoạt động của các tập đoàn Nhật lúc bấy giờ - do lúc này ông là Ủy viên Ban chấp hành Tổng công đoàn VN.

Vào đầu những năm 70, khi có dự báo khả năng thống nhất đất nước đến gần, GS phân tích các đặc điểm, những quy luật diễn biến thường xảy ra trong tâm lý của một nước sau khi đã thắng trận, kể cả các điểm rút ra từ lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước ở VN.

Trung thành với tư tưởng yêu nước của Bác Hồ, GS da diết muốn nghiên cứu tìm ra các qui luật vận động của nó trong thời hậu chiến nhằm đạt hiệu quả tối ưu, tránh các hụt hẫng lúng túng khi chuyển sang giai đoạn mới. “Lòng yếu nước kinh tế” theo GS – là sự cụ thể hóa tư tưởng yêu nước của Bác Hồ cho phù hợp với thời kỳ mới. Nói cách khác đó cũng là sự kết hợp tư tưởng yêu nước với tư duy khoa học.

Nếu ở giai đoạn chống ngoại xâm, lòng yêu nước được thể hiện quyết liệt, mọi lợi ích đều phải tập trung vào một mục tiêu duy nhất thì ở thời kỳ mới nó lại được kết hợp, xử lý hài hòa, đa dạng, phong phú, kể cả lợi ích của bên ngoài nửa. Trong quan hệ giữa con người cũng vậy, có sự mềm dẻo, uyển chuyển, miễn là không xâm phạm đến lợi ích tối cao của dân tộc. Đề xuất “lòng yêu nước kinh tế” của GS Trần Đại Nghĩa không đơn thuần đưa ra một cụm từ mang tính khẩu hiệu mà là một quá trình tư duy phản biện, phân tích sâu các khía cạnh thuận và nghịch về những diễn biến, dự báo những khả năng ở các trường hợp. Trong số báo Xuân Đinh Sửu (báo Tri Thức Trẻ), nhà báo kinh tế Huỳnh Bửu Sơn có tâm đắc với tư duy của nhà khoa học và phát triển thêm một bước.

Ở cương vị cấp cao ở cơ quan Nhà nước hoặc ở vai trò tham mưu tư vấn, GS Trần Đại Nghĩa luôn coi trọng các lập luận phản biện, xem đó là cách tốt, giúp làm sáng tỏ vấn đề, tránh mọi sự giáo điều hoặc thiển cận trong sinh học khoa học – kỹ thuật – kinh tế. Bản thân ông cũng vậy, thường xuyên động não, xem xét, phân tích theo phương pháp luận đối chứng, tránh đặt mình vào một trạng thái bảo thủ, cứng nhắc.

Với phong cách nghiên cứu sâu sắc, coi trọng “định lượng” hơn “định tính”, mọi lập luận phản biện của GS Trần Đại Nghĩa thường có chiều sâu học thuật, những cơ sở khoa học và thực tiễn. Không phải tất cả các đề xuất của GS đều được chấp nhận, nhưng ông vẫn thãn nhiên, xem như đã làm tròn trách nhiệm và lương tâm khoa học. Hỏi GS ông vui vẻ nói: “Một công trình luôn có nhiều phương án thực hiện, đâu phải là duy nhất. Chúng ta biện luận để lựa chọn phương án tối ưu (optimum) chứ không phải đạt mục đích kẻ hơn người thua! Có trường hợp phải để cho lịch sử phán xét sau này”.

Đối với các nhà khoa học trẻ, GS thường có lời khuyên: “Nên đầu tư nghiên cứu kỹ mỗi khi nêu ra một lập luận phản biện nhằm tránh kéo dài tranh cãi, không đi đến kết luận trong lúc yêu cầu thực hiện lại cấp bách. Quy luật kinh tế - xã hội luôn vận động nhanh chóng, nó chẳng chờ đợi ai”.Tư duy phản biện của GS Trần Đại Nghĩa gắn với lòng yêu nước kinh tế, không phải lả sự phô trương kiến thức, tranh cãi bất tận hoặc “nói leo” khi thảo luận.

BÁC HỒ VỚI TRÍ THỨC

1/ Cuối năm 1947, giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn hòng bất ngờ tiêu biệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Nhờ tinh thần cảnh giác và bảo vệ tốt, phần đông các cơ quan được xơ tán nhanh trong rừng sâu. Không may cho cụ Nguyễn Văn Tố bị giặc bắt, sát hại.

Cũng như cán bộ, công nhân khác, GS Trần Đại Nghĩa chạy trốn để bảo toàn tánh mạng, còn đồ đạc, vật dụng cá nhân và tài liệu mang từ Pháp về đều bị mất sạch. Sau đó, Bác Hồ gửi tặng cho ông một chiếc áo sơ mi, kèm theo những dòng Người viết: “Chiếc áo sơ mi của đồng bào Thái Lan tặng bác, Bác tặng lại chú mặc cho ấm để làm việc tốt”. GS xúc động để lại: “Chính hơi ấm của chiếc áo đã truyền đến cho tôi trong những đêm ngồi một mình trong sương lạnh, tính toán các công thức, làm nhiệm vụ”.

2/ Những năm 60, mỗi lần họp Hội đồng Chính phủ, GS Trần Đại Nghĩa, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, GS Tạ Quang Bửu thường ngồi bên nhau, chọn một chỗ ở xa nơi Bác ngồi chủ trì nhằm có thể trao đổi, nói chuyện với nhau mỗi khi một vài vị thành viên Hội đồng phát biểu dài dòng.

Giờ giải lao, Bác gọi GS và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đến cảnh báo việc nói chuyện riêng trong buổi họp.

  • Thư Bác, chúng cháu trao đổi một vài chuyện khoa học – kỹ thuật có liên quan. Đồng chí Phạm Ngọc Thạch nhanh nhẩu chống chế.
  • Bàn vấn đề khoa học – kỹ thuật thì về cơ quan tổ chức khai hội thực hiện. Còn ở đây là họp Chánh phủ để bàn việc của nước của dân theo chương trình nghị sự chung. Nếu các chú còn nói chuyện thì Bác tách ngồi riêng ra đấy. Hai nhà khoa học yên lặng, vâng lời.

Bác Hồ lại hỏi riêng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch: “Tôi nghe nói chú tự lái xe hơi đi làm, hội họp, không sử dụng tài xế có phải không? Tham gia lao động chân tay như vậy là rất tốt. Nhưng chú ý cẩn thận đừng để xảy ra tại nạn, nếu để xảy ra thì phải kỹ luật đấy! Bác chẳng bênh vực cho đâu ”.

Số là trước đó không lâu, một cán bộ cấp cao, lãnh đạo một ngành Trung ương, tập lái xe con, gây tai nạn, bị kỷ luật cách chức, mọi người đều thương tiếc cho ông.

Kể lại những mẫu chuyện về Bác Hồ, GS Trần Đại Nghĩa có tâm sự: Đối với trí thức, Bác luôn quan tâm chăm sóc các điều kiện đời sống và công tác, đồng thời cũng thường xuyên nhắc nhở nhằm phòng và tránh các sai lầm đáng tiếc.

3/ Năm 1985, nhận lời mời của Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô cũ, vợ chồng GS Trần Đại Nghĩa sang nghỉ và tham quan khảo sát ở Liên Xô.

Viện sĩ Đô-brư–ski kiêm Viện trưởng Viện máy tính và tin học trực thuộc Viện Hàm Lâm khoa học tiếp, đưa đi xem cơ sở nghiên cứu. Trong bửa ăn tiếp vợ chồng GS tại nhà riêng, Viện sĩ có kể lại câu chuyện Bác Hồ đã từng đến thăm viện trước đó, vào đầu những năm 60.

Sau khi xem và nghe thuyết trình, Bác Hồ tỏ lời khâm phục những tiến bộ khoa học của Liên Xô nói chung và trình độ hiện đại nói riêng của Viện máy tính và tin học. Người thổ lộ riêng với Viện sĩ: “Các vấn đề mà đồng chí (tức Viện sĩ Đô-brư –ski) trình bày quá hiện đại, tôi không hiểu hết đầy đủ được. Khi về nước, tôi sẽ cử những cán bộ trẻ, am hiểu các lĩnh vực này sang nhờ các đồng chí giúp đỡ và đào tạo”.

Kể lại câu chuyện về Bác Hồ, với vợ chồng GS Trần Đại Nghĩa, Viện sĩ lại vô cùng kính trọng tính bình dị, cở mở chân thành của Hồ Chủ tịch, lòng tin của Người vào thế hệ trẻ VN, sự quan tâm đến phát triển khoa học – kỹ thuật. Viện sĩ kết luận vừa đúng mức vừa pha lẫn chút hài hước: “Làm lãnh đạo cấp cao, người ta thường tự khen và thích khen mình hơn. Hiếm có trường hợp dám mạnh dạn bộc lộ với người khác những điều chưa hiểu hết như Bác Hồ. Con người vĩ đại thường khiêm tốn, nhất là đối với khoa học.

Nguồn: Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cuộc đời và sự nghiệp (Báo Phụ sản  khoa học phổ thông-số đặc biệt)