//custa.cantho.gov.vn/files/images/tin-tuc/Thong-tin-khcn/Cong-nghe-vi-sinh-giup-xu-ly-rac-tai-nguon.png

Công nghệ vi sinh giúp xử lý rác tại nguồn

Rác thải sinh hoạt, trong đó rác hữu cơ chiếm trên 80% tổng lượng rác thải. Rác hữu cơ tại hộ gia đình bao gồm lá cây, rau củ quả hỏng, cơm thừa, canh cặn, vỏ trứng, xương,… Đối với các hộ dân ven đô hoặc vùng nông thôn có thêm cỏ, phế phẩm từ canh tác nông nghiệp. Chúng rất đa dạng, trong các loại rác này chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Nếu biết cách sử dụng, rác thải sinh hoạt là nguồn tài nguyên tốt không phải là gánh nặng môi trường mà các nhà quản lý đau đầu, người dân sống gần khu tập kết rác thì khổ sở.
 
Những năm qua, rất nhiều chương trình được phát động nhằm khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, hầu hết chưa đạt kết quả như mong đợi. Một trong số nguyên nhân có thể kể đến là:
Người dân chưa có thói quen về phân loại rác; việc phân loại chỉ mất công, không có đem đến lợi ích thiết thực cho cá nhân người phân loại

Người phân loại cảm thấy bị bất công khi rác họ cố gắng phân loại lại được gom chung vào 1 xe chở rác.
Việc phân loại rác thiếu sự đồng bộ của những giải pháp thiết thực đem đến lợi ích cho người phân loại như: được khen, được nêu gương trong các cuộc họp tại khu dân cư; được giảm tiền phí thu gom rác; được hướng dẫn về cách ủ phân hữu cơ từ rác để tạo thành nguyên liệu cho nông nghiệp tại hộ….được giải thích rõ về những lợi ích cũng như tác hại của việc không phân loại rác.

Giải pháp để giải quyết các vấn đề trên, thiết nghĩ chính quyền và nhà quản lý cần giúp cho người dân xây dựng một quy tắc ứng xử trong cộng đồng, quy tắc này nó chính là cam kết cộng đồng. Xây dựng cam kết cộng đồng rất hiệu quả, nó đã được ứng dụng thành công ở nhiều địa phương do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường thành phố Cần Thơ tham mưu thực hiện cần được nhân rộng.
 
Song song đó, công nghệ vi sinh, tức là ứng dụng các vi sinh vật phân hủy rác, giúp cho việc ủ phân hữu cơ được nhanh chóng hơn, không gây mùi hôi thối khi ủ, giúp cho người dân hiểu đúng, hiểu rõ hơn việc ủ phân và sử dụng phân ủ cần được quan tâm nhiều hơn. Công nghệ vi sinh này có thể nhận chuyển giao từ các Viện, trường để các chuyên gia có thể cùng chung tay với nhà nước và người dân thực hiện phân loại rác và ủ phân tại hộ.
 
Rác hữu cơ thì được ủ để tạo ra nguyên liệu mới tốt cho đất, cây trồng. Rác tái chế thì được đưa vào nhà máy để tái chế hoặc qua nhà máy để tạo ra điện năng đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương….
 
Giới thiệu giải pháp ủ phân từ rác thải hộ gia đình
 
Do quá trình đô thị hóa, mật độ dân cư ở các thành phố tăng lên đáng kể, đồng hành với việc tăng mật độ dân số, vấn đề lương thực thực phẩm là nhu cầu thiết yếu cho người dân. Bên cạnh đó việc xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt phục vụ đời sống người dân đang là gánh nặng của xã hội. Tỉ lệ rác hữu cơ và thực phẩm thải bỏ ra môi trường chiếm số lượng nhiều nhất thuộc loại dễ tái chế thành phân bón và các khí cung cấp năng lượng cao. Vì các thành phần rác thực phẩm hữu cơ từ các chợ, hệ thống siêu thị, các của hàng tiện ích và hộ gia đình là những thành phần dễ thối rữa, bốc mùi gây ô nhiễm môi trường tại chỗ. Trong khi đó các nguồn rác thải hữu cơ này có thể được phân hủy dưới tác động của các nhóm vi sinh vật chuyên biệt như khả năng phân hủy cellulose, protein, amylose,…. Đây là các nhóm vi sinh vật chuyên biệt có khả năng phân hủy rác thải hữu cơ tại chổ và chuyển hóa các hợp chất hữu cơ từ dạng phức tạp thành các hợp chất hữu cơ đơn giản, hữu dụng cho cây trồng và an toàn với môi trường.
 
Trong tự nhiên các nhóm vi sinh vật này rất đa dạng và phong phú, do đó việc khai thác và sử dụng các nhóm vi sinh vật chức năng có lợi góp phần xử lý ô nhiễm rác thải hữu cơ đô thị hiệu quả và an toàn. Kết quả nghiên cứu của Bùi Thị Minh Diệu và cộng sự (2016) và nhóm nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Hậu và ctv. (2020) Võ Dương Lan Anh (2020) đã phân lập được các nhóm vi khuẩn có khả năng phân hủy cellulose, nhóm vi khuẩn phân hủy tinh bột và nhóm vi khuẩn phân hủy protein từ rác thải sinh hoạt hữu cơ tại Thành phố Cần Thơ. Các nhóm vi khuẩn này được phối trộn và xử lý hiệu quả rác thải hữu cơ sinh hoạt tại chỗ. Vật liệu hữu cơ sau khi được xử lý bởi các nhóm vi sinh vật chức năng có lợi đáp ứng được tiêu chuẩn cho phân hữu cơ sinh học về chỉ tiêu mật số vi sinh vật môi trường, hàm lượng chất hữu cơ hiện diện và giá trị pH của vật liệu hữu cơ.
 
Sau đây xin giới thiệu Qui trình ủ rác làm phân hữu cơ sinh học phạm vi nông hộ (Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân, Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Cần Thơ cùng các cộng sự)
Nguyên liệu:
+ Rác thải sinh hoạt hữu cơ từ nhà bếp bao gồm thức ăn thừa, cỏ, lá cây
+ Chế phẩm vi sinh xử lý rác (Đại học Cần Thơ): 10g chế phẩm/1kg rác
+ Thùng xốp (60 x 45 x 35) có nắp đậy
 
Phương pháp thực hiện:
Các vật liệu rác hữu cơ sinh hoạt được cho vào thùng xốp. Có thể cắt nhỏ các vật liệu lớn như vỏ dưa hấu hoặc các củ quả thải bỏ. Mỗi kg rác được trộn với 100g chế phẩm xử lý rác. Trộn đều rác với chế phẩm và đậy nắp để tránh ruồi. Đảo trộn rác sau mỗi 3 ngày ủ. Khi rác được 10-15 ngày sau khi ủ có thể thu và phơi ráo trong điều kiện mát (nếu vật liệu ủ có nhiều nước) và bón cho cây trồng.
 
TÓM TẮT QUI TRÌNH Ủ PHÂN HỮU CƠ TỪ  RÁC HỮU CƠ SINH HOẠT
 
Tác giả Đỗ Thị Xuân và Lê Thị Thúy Kiều- Câu lạc bộ Nông Xanh