Thực hành lâm sàng khi xạ trị bệnh nhân ung thư vùng khoang miệng như ung thư lưỡi, ung thư sàng miệng ta dùng bấc là một dụng cụ dùng để giữ cho bệnh nhân há miệng và cố định các bộ phận trong vùng khoang miệng nhằm tăng độ chính xác và giảm biến chứng trên mô lành của xạ trị. Nhưng trên thực tế dụng cụ bấc trước khi có công trình này không đáp ứng được các chức năng yêu cầu như giữ cố định các bộ phận khoang miệng, giảm biến chứng, bên cạnh đó, còn gây bệnh nhân đau, một số trường hợp bị đau, chảy máu và khó thở khi sử dụng do bấc quá cứng và không phù hợp với khoang miệng của từng bệnh nhân. Công trình này ra đời đã khắc phục được những nhược điểm của bấc thế hệ cũ là tăng độ chính xác của xạ trị và giảm biến chứng cho mô lành và do độ cứng, hình dạng phù hợp với từng bệnh nhân nên giúp bệnh nhân không còn đau, chảy máu hay khó thở khi sử dụng dụng cụ này. Tác giả Nguyễn Văn Minh Kha, Kỹ Sư Khoa Điều Trị Tia Xạ, Bệnh Viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ đã thực hiện công trình này thông qua việc nghiên cứu tính chất cấu tạo của hai loại vật liệu dễ tìm trong y tế là airway và cao su nặng lấy dấu (dùng trong nha khoa), kết hợp chúng lại theo một quy trình phù hợp để chế tạo dụng cụ bấc thế hệ mới phù hợp với hướng dẫn của xạ trị và đạt được những mục tiêu đã đặt ra.
Hình 1: Các hình dạng của bấc và vùng thể tích xạ trị trong xạ trị ung thư sàn miệng, lưỡi và nướu răng hàm dưới dùng làm cơ sở lý thuyết cho công trình
Hình 2: Vật liệu sử dụng trong chế tạo bấc và hiệu quả của việc sử dụng thông qua phần mềm tính toán
Bấc chế tạo theo quy trình trong sáng kiến này đảm bảo phù hợp từng bệnh nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng điều trị xạ trị, an toàn, thêm vào đó, còn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân xạ trị ung thư vùng khoang miệng (không còn trường hợp đau, chảy máu, khó thở), ít biến chứng trên mô lành và giảm chi phí điều trị.
Đây là công trình đầu tiên kết hợp giữa hai vật liệu dễ tìm trong y tế là airway và cao su nặng lấy dấu tạo ra dụng cụ bấc dùng trong xạ trị ung thư vùng khoang miệng.
Bằng những vật liệu, dụng cụ hiện có dễ tìm trong bệnh viện và quy trình chế tạo dễ thực hiện, do đó có thể áp dụng cho tất cả các bệnh viện, trung tâm xạ trị. Hiện tại, công trình này đã được áp dụng thực hiện lâm sàng tại bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ cho tất cả những bệnh nhân ung thư vùng khoang miệng có chỉ định xạ trị khi công trình được thông qua từ tháng 6/2019 và giới thiệu cho bệnh viện tuyến trên, nhóm giảng viên, sinh viên trường đại học Newscatle (Úc), công trình nhận được đánh giá có tính hiệu quả và khả thi rất cao khi áp dụng lâm sàng điều trị bệnh nhân ung thư khoang miệng bằng xạ trị.
Sáng kiến đạt Giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ lần thứ 11 năm 2020-2021 và giải Khuyến khích hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 năm 2020-2021; được đăng trong quyển Sách Vàng Sáng Tạo Việt Nam năm 2023.