//custa.cantho.gov.vn/files/images/THANG%2011.2021/Bac%20trong%20xa%20tri.png

Chế tạo bấc dùng trong xạ trị bệnh nhân ung thư khoang miệng bằng việc kết hợp Airway và cao su nặng lấy dấu

Chế tạo bấc dùng trong xạ trị bệnh nhân ung thư khoang miệng bằng việc kết hợp Airway và cao su nặng lấy dấu

 

Xạ trị còn được gọi là liệu pháp xạ, có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp nội tiết... Xạ trị sử dụng những hạt năng lượng cao hoặc các sóng như tia X-quang, tia Gamma, chùm tia điện tử hoặc proton để phá hủy hay tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị bao gồm các kỹ thuật như xạ trị từ xa, xạ trị trong, xạ trị trúng đích. Trong đó, xạ trị từ xa là dùng máy để hướng trực tiếp chùm bức xạ tới vùng khối u. Có 6 cách xạ ngoài:

- Xạ trị không gian ba chiều (3D-CRT): Chụp ảnh khối u ba chiều, chiếu chùm bức xạ liều cao thẳng vào khối u, nhờ đó giảm đáng kể lượng bức xạ ảnh hưởng tới các tế bào khác.

- Xạ trị điều biến liều (IMRT) là dùng các chùm bức xạ được điều chỉnh đúng với hình dáng khối u để giảm thiểu tổn thương các mô lành xung quanh.

 - Xạ trị có hướng dẫn của hình ảnh (IGRT): Cần chụp ảnh khối u để lên kế hoạch và hướng điều trị riêng biệt. 

- Xạ phẫu (SRS): Chiếu các chùm tia xạ tập trung từ nhiều hướng phát ra một liều xạ mạnh nhắm thẳng vào khu vực khối u.

- Xạ trị lập thể (SBRT): Dựa vào hình ảnh chi tiết, lập kế hoạch điều trị bằng máy tính 3D và thiết lập chiến lược điều trị để đưa ra liều lượng chính xác nhất.

- Xạ trị cắt lớp có thể sử dụng để diệt nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Hiện tại, trong xạ trị cho bệnh nhân ung thư khoang miệng để có thể tối ưu liều xạ trị vào mô bướu và giảm thiểu liều xạ trị cho các cơ quan lành như hàm trên và lưỡi. Ta dùng một dụng cụ gọi là bấc để làm nhiệm vụ trên. Trong hướng dẫn của xạ trị thì hình dạng bấc phụ thuộc vào giai đoạn bệnh của từng bệnh nhân. Nhưng trong thực tế vì thiếu vật liệu và dụng cụ nên chỉ sử dụng một đoạn gỗ được gia công để thay cho bấc vì thế không đạt được đúng hình dạng và mục đích sử dụng theo hướng dẫn xạ trị. Bệnh nhân bị biến chứng lên mô lành nhiều, gây khó khăn trong quá trình lập kế hoạch tối ưu điều trị xạ trị bệnh nhân. Thêm vào đó, bệnh nhân có cảm giác khó chịu, nhiều trường hợp khó thở và chảy máu răng do sử dụng dụng cụ này. Hơn thế nữa, bấc chính hãng thì được bán với giá thành quá cao, chưa có cơ chế thanh toán cho bệnh nhân do đó khó có thể sử dụng cho bệnh nhân mà đa số là bệnh nhân nghèo. Nhận thấy nhu cầu này của bệnh nhân và để tối ưu hóa kỹ thuật xạ trị, nhóm tác giả Nguyễn Văn Minh Kha, Nguyễn Trường Giang, Trần Thanh Phong tiến hành nghiên cứu chế tạo bấc dựa trên hai vật liệu chính là airway và cao su nặng lấy dấu (dùng trong nha khoa) nhằm hai mục tiêu: Chế tạo bấc đúng hình dạng theo hướng dẫn xạ trị; Tạo đường thở và sự thoải mái cho bệnh nhân khi sử dụng bấc.

Từ những hạn chế của phương pháp chế tạo bấc với mẫu gỗ và cây đè lưỡi, nhóm nghiên cứu đã tiến hành triển khai nghiên cứu các loại vật liệu và các cách thức chế tạo bấc bao gồm cả thủ công và công nghiệp với những mục tiêu đã đặt ra. Qua khoảng thời gian nghiên cứu nhóm nhận thấy các đặc tính và chức năng của dụng cụ airway dùng trong y khoa và cao su nặng lấy dấu phù hợp với việc chế tạo bấc cho bệnh nhân với quy trình chế tạo như sau:

Bước 1: Chuẩn bị một airway với kích cỡ phù hợp bệnh nhân.

Bước 2: Chuẩn bị cao su nặng lấy dấu.

Bước 3: Tạo độ bám cho airway đảm bảo cao su nặng sau khi định hình có thể bám chắc vào thành airway.

Bước 4: Dùng cây đè lưỡi và bút lông đo, đánh dấu độ sâu cần thiết và độ há miệng bệnh nhân.

Bước 5: Cắt airway để đạt chiều dài phù hợp với độ sâu đã đo.

Bước 6: Trộn hai thành phần cao su lấy dấu với lượng phù hợp tỷ lệ 1:1 lại với nhau để tạo độ dày tương đương độ há miệng bệnh nhân (quá trình này không quá 1 phút).

Bước 7: Áp hỗn hợp cao su lấy dấu vào airway và tạo hình dạng bấc.

Bước 8: Đặt airway đã gắn cao su lấy dấu vào miệng bệnh nhân đúng độ sâu và độ há miệng đã đo và yêu cầu bệnh nhân cắn nhẹ vào để tạo dấu răng.

Bước 9: Đợi 2-3 phút sau khi hỗn hợp cao su lấy dấu cứng lại thì lấy ra kiểm tra hình dạng, dấu răng và hỏi bệnh nhân về mức độ khó chịu, khó thở.

Bước 10: Dặn dò bệnh nhân cách bảo quản và vệ sinh bấc sau khi sử dụng.

 

 

Hình: Bệnh nhân khi sử dụng bấc được chế tạo bằng airway kết hợp cao su lấy dấu

HIỆU QUẢ CỦA SÁNG KIẾN

Từ khi hoàn thiện quy trình nhóm đã triển khai từ tháng 06/2019 đến 12/2019 cho 27 bệnh nhân. Qua quá trình triển khai ghi nhận được những hiệu quả:

- Bấc được chế tạo với mỗi bệnh nhân sử dụng một airway giá khoảng 5 ngàn đồng và một bộ cao su lấy dấu giá khoảng 800 ngàn sử dụng được cho 20 đến 28 bệnh nhân.

- Như vậy tổng chi phí chế tạo bấc cho một bệnh nhân vào khoảng 45 ngàn/bệnh nhân. So với bấc chính hãng tiết kiệm được 1.355 ngàn/bệnh nhân.

- Từ 06/2019 đến nay đã tiết kiệm được so với sử dụng bấc chính hãng 1.355 ngàn x 112 bệnh nhân = 151.760.000 ngàn đồng. 

- Bấc chế tạo giữ đúng chức năng của bấc theo hướng dẫn xạ trị hạn chế những biến chứng cho cơ quan lành so với phương pháp cũ.

- Bệnh nhân dễ dàng giữ vị trí chính xác bấc trong miệng (vì đã được cố định bởi dấu răng) làm giảm sai số của quá trình xạ trị do độ há miệng thay đổi.

- Tạo thuận lợi cho việc tối ưu kế hoạch xạ trị đảm bảo liều xạ tối đa vào mô ung thư và tối thiểu vào cơ quan lành cần bảo vệ.

 

-  Bệnh nhân được sử dụng dụng cụ bấc được chế tạo tinh vi hơn so với kỹ thuật cũ.

- Tất cả các bệnh nhân khi được hỏi đều không bị khó chịu, đau, chảy máu răng.

- Bệnh nhân vẫn có thể thở bằng đường miệng trong khi sử dụng bấc theo kỹ thuật mới nếu bướu to khó thở bằng đường mũi.

Vì những lý do đó mà bệnh nhân cảm giác thoải mái hơn trong quá trình điều trị xạ trị. Việc sử dụng bấc chế tạo theo kỹ thuật mới hạn chế những biến chứng cho bệnh nhân dẫn đến bệnh nhân không phải tốn thêm chi phí, thời gian, sức khỏe và tinh thần để được đội ngũ y tế điều trị biến chứng.

Tóm lại, Việc kết hợp giữa airway và cao su nặng lấy dấu để tạo ra dụng cụ bấc theo quy trình đã thực hiện là hoàn toàn phù hợp với hình dạng và chức năng của bấc theo hướng dẫn xạ trị. Bên cạnh đó, bấc chế tạo ra theo phương thức này đáp ứng được những mục tiêu đã đặt ra, giúp bệnh nhân giảm biến chứng của xạ trị cho những cơ quan lành, không bị khó chịu, chảy máu, khó thở khi sử dụng so với phương thức cũ. Việc sử dụng bấc tạo ra theo phương thức này giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí tương đối nhiều so với sử dụng bấc chính hãng mà hiệu quả vẫn tốt.

Với những ưu điểm và giá trị mang lại trong điều trị bệnh nhân, Giải pháp đã được Hội đồng đánh giá rất cao và đạt Giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật thành phố Cần Thơ lần thứ 11 năm 2021.

Hoài Ân