Nhằm hướng đến mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, từng bước nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị, góp phần chuyển đổi số trong nông nghiệp, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho HTX, người nông dân.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao - xu thế tất yếu của nền nông nghiệp
20 năm qua, TP Cần Thơ đã xây dựng hơn 1000 mô hình lượt khuyến nông giới thiệu kỹ thuật tiên tiến trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp từ khâu chọn giống, nuôi trồng, thu hoạch và liên kết tiêu thụ nông sản.
Ông Trần Thái Nghiêm – Phó GĐ Sở NN&PTNT TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.
Thời gian đầu, công tác xây dựng các mô hình chủ yếu dựa vào điều kiện cụ thể của từng hộ dân để lựa chọn cây trồng, vật nuôi và sản phẩm đặc trưng; lựa chọn những tiến bộ khoa học kỹ thuật thích hợp hướng dẫn nông dân áp dụng.
Những mô hình trình diễn giống mới được triển khai trong giai đoạn này là mô hình trồng mía mới JA60-5 của Viện nghiên cứu mía đường Bến Cát, Bình Dương; mô hình trồng dừa MAWA có hàm lượng dầu cao của Viện nghiên cứu dầu Tây Ninh; mô hình nhân giống lúa IR64 đột biến của Viện KHNN miền Nam; mô hình nuôi chim Bồ câu Pháp; mô hình trồng bông vải trên ruộng lúa… Tuy nhiên, các mô hình bộc lộ hạn chế nên sau thời gian thử nghiệm cho thấy không phù hợp với điều kiện địa phương.
Áp dụng các thành tựu nổi bật về công nghệ, từ năm 2011, thành phố đã ứng dụng các cây trồng, vật nuôi có ưu thế lai tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn để chuyển đổi cơ cấu tăng vụ, tăng năng suất sản lượng.
Thực hiện quyết định 80/2002/ QĐ-Ttg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ 4 nhà: Doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học, nhà nước trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Từ đó, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất tập trung và hàng hóa có chất lượng cao.
Thực hiện hiệu quả chủ trương này, thành phố tăng cường tập huấn, hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao kỹ năng sản xuất của nông dân theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Cùng với đó là tập trung xây dựng mô hình sản xuất theo hướng nông dân liên kết theo cánh đồng, sản xuất cùng một loại giống, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, vùng sản xuất an toàn, làm tăng sản lượng chất lượng lúa. Kết quả trong sản xuất lúa giai đoạn này, có hơn 70% nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, hơn 90% lúa chất lượng cao được gieo trồng ở vụ Đông Xuân và Hè Thu.
Trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp thành phố cũng đã đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, phát triển một số thương hiệu nông sản nhằm nâng cao năng suất chất lượng, giảm giá thành, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm tiêu dùng cho người dân và phục vụ yêu cầu xuất khẩu nông sản.
Thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, bền vững, thành phố triển khai đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản giai đoạn 2015- 2020, qua đó đã hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác đăng ký 5 nhãn hiệu gồm: “HTX nhãn Nhơn Nghĩa”; “Vú Sữa Trường Khương A”; “Mận ngọt Chín Phường”; “Mãng Cầu Thới Hưng Cờ Đỏ”…
Xây dựng phát triển thương hiệu giống lúa gạo Cần Thơ và sản phẩm chế biến từ lúa gạo, bộ phận phụ trách đã chọn một số dòng lúa CTR (Lúa Cần Thơ) được bà con nông dân đánh giá cao và được nhân rộng ra 16 tỉnh thành thuộc Tây Nguyên, Đôn Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, Cần Thơ có 25 công ty sản xuất chế biến, 67 HTX, 11 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1 Trung tâm đăng ký thực hiện số hóa trong nông nghiệp. Có 139 sản phẩm tham gia, trong đó có 4 sản phẩm OCOP. Hiện trên địa bàn có gần 18 ngàn hộ nông dân đăng ký giới thiệu nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, năm 2020, TP Cần Thơ được Đại học Cần Thơ hỗ trợ lắp đặt Thiết bị quan trắc Khí tượng Thủy văn tự động (hay còn gọi là Máy cảm biến Khí tượng Thủy văn) cho ngành Nông nghiệp. Đây là thiết bị do Trường Đại học Cần Thơ sản xuất, lắp ráp. Có được những chiếc máy cảm biến thông minh này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đã triển khai áp dụng vào thực tế đồng ruộng, cho cánh đồng lớn của các HTX được dự án VnSAT hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật... đã nâng cao hiệu quả sản xuất lúa vụ; kết quả lúa xanh tốt, ít sâu bệnh và giảm được chi phí đầu vào từ 10-15% so với canh tác theo truyền thống.
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, các HTX trên địa bàn đã lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Hệ thống tưới phun tự động này chỉ cần nhấn nút điều khiển trên remote hoặc dùng điện thoại thông minh điều khiển chỉ mất 3-5 phút tưới, giúp tiết kiệm hơn 50% chi phí.
Giải pháp hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững
Tại hội nghị Tổng kết 20 năm hoạt động khuyến nông (2004-2023) vừa được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, lực lượng khuyến nông của thành phố là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới giúp nông dân áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng thành công rất nhiều mô hình mới cho nông dân, HTX, góp phần tăng sản lượng, chất lượng nông sản.
HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa tại Ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, TP Cần Thơ.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các cấp ngành liên quan thời gian tới tiếp tập trung đầu tư nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình mới; tổ chức trình diễn, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số; là cầu nối tích cực tăng cường liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, tuần hoàn, giảm phát thải, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, TP Cần Thơ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số trong nông nghiệp, cụ thể là Kế hoạch 98/KH-UBND, ngày 6/5/2022 về việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp và phát triển nông thôn; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các vùng sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Anh Tín- Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ cho biết, thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, Sở KH&CN TP Cần Thơ đã phối hợp với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm KHCN đề ra các mô hình hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Cụ thể là các dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ”, dự án “ Xây dựng DNA mã vạch cây dâu Hạ Châu của TP Cần Thơ”, dự án “Kết nối thông tin phục vụ công tác quản trị sản xuất, tiêu thụ nông sản Cần Thơ”.
Đẩy mạnh liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà nông), phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp… tập hợp các dữ liệu, tài liệu, mô hình đã có, nghiên cứu, lựa chọn các mô hình, các quy trình, công nghệ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu thị trường, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và tình hình sản xuất của địa phương.
Quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, kết hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng vùng ĐBSCL, nhất là những trường đại học có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản lâu năm như Trường Đại học Cần Thơ để đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, mở các lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật, nhân lực của doanh nghiệp, người quản lý, kỹ thuật viên hợp tác xã, tổ hợp tác
Tóm lại, từ kết quả chuyển đổi số thời gian qua cho thấy, giá trị cốt lõi của chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay là việc đưa các giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm tạo ta những sản phẩm có giá trị cao hơn. sản xuất hiệu quả hơn, qua đó, tạo dựng môi trường hệ sinh thái số; chuyển đổi từ “ sản xuất nông nghiệp” sang “ Kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp của công nghệ số trong nền kinh tế.
Bài và ảnh: Phan Tại
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo tổng kết 20 năm hoạt động khuyến nông thành phố Cần Thơ của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ (ngày 19/10/2023).
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cao trong nông nghiệp - bước chuyển cho phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long (SDMD 2045) -Trường Đại học Cần Thơ.
- Phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. https://dangcongsan.vn/, ngày 27/6/2022.