Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thắng lợi là một cuộc cách mạng long trời lở đất, có một không hai trong lịch sử dân tộc. Một trong những điểm đặc sắc nhất là Đảng ta đã chớp thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, giành thắng lợi nhanh và trọn vẹn. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận cũng như thực tiễn đã và đang được Đảng ta vận dụng có hiệu quả vào từng thời điểm của lịch sử đất nước trong thời đại hiện nay.
Có thể nói, Cách mạng tháng Tám là sự nhạy bén nắm bắt thời cơ của cả một dân tộc, là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945, mặc dù cách mạng có những lúc bị dìm trong máu lửa. Chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta bị xóa bỏ, một kỷ nguyên mới mở ra, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám bắt nguồn từ các nhân tố chủ quan và khách quan. Đó là sự vùng dậy của cả một dân tộc với ý chí tự lực, tự cường, quyết đem sức ta mà tự giải phóng cho ta được sự dẫn dắt của đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong tổ chức Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là liên minh công nhân và nông dân. Đó là kết quả của tinh thần năng động, sáng tạo của hệ thống tổ chức đảng và Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở trên tất cả các địa bàn của cả nước. Đó là sự chủ động chuẩn bị và phát triển thực lực cách mạng, chủ động nắm bắt thời cơ, quyết tâm giành thắng lợi.
Trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và khởi nghĩa”, Lê-nin nêu rõ: Coi khởi nghĩa là một nghệ thuật khi hội tụ ba điểm chủ yếu:
Điểm thứ nhất: Muốn thắng lợi, khởi nghĩa không được dựa vào một cuộc âm mưu, một chính đảng, mà phải dựa vào giai cấp tiền phong.
Điểm thứ hai: Khởi nghĩa phải dựa vào cao trào cách mạng của nhân dân. . Điểm thứ ba: Khởi nghĩa phải dựa vào một bước ngoặt trong lịch sử của cuộc cách mạng đang lên, khi mà tính tích cực của những bộ phận tiên tiến trong nhân dân lên cao hơn cả, khi mà những dao động trong hàng ngũ địch đã đẩy lên cao trào mâu thuẫn.
Ở nước ta, thời điểm tháng 8-1945 thật sự là một bước ngoặt lịch sử khi Đảng và giai cấp tiên phong đã phát triển mạnh mẽ, sẵn sàng đưa quần chúng vào hành động cách mạng với bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945) và Quyết định của Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào (tháng 8-1945), đồng thời cao trào Kháng Nhật cứu nước đã mạnh hơn bao giờ hết, và kẻ thù (Nhật và chính quyền tay sai) đã hoang mang, dao động, nhất là khi Nhậ ttuyên bố đầu hàng Đồng minh (ngày 15-8-1945), và lực lượng quần chúng trung gian ngả về hàng ngũ cách mạng. Đảng đã quyết tâm phát động khởi nghĩa trong điều kiện như thế và đã giành thắng lợi rực rỡ.
Cũng cần thấy rằng, cuộc Cách mạng tháng Tám nổ ra trong hoàn cảnh nạn đói ở nước ta - hậu quả của chính sách cai trị tàn bạo của Nhật, Pháp - đang diễn ra trầm trọng. Đảng đã kịp thời nêu chủ trương phá kho thóc của Nhật để chia cho dân nghèo, tạo nên một sinh lực mới cho phong trào. Mặt khác, từ tháng 7-1945, Đảng ta đã nắm được tình hình về sự phân công của lực lượng Đồng minh (lực lượng của Anh và chính quyền Trung Hoa Quốc dân Đảng) vào tước vũ khí quân Nhật sau khi Nhật đầu hàng.
Vì vậy, không thể chậm trễ, phải giành chính quyền sau khi Nhật đầu hàng và trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương và Việt Nam, để với tư cách người chủ thật sự của Việt Nam để đón tiếp quân Đồng minh. Thời gian thích hợp với điều kiện đó là nửa cuối tháng 8-1945. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14 và 15-8-1945 khẳng định: Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc: tập trung, thống nhất, kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội.
Thành công của Cách mạng tháng Tám đã nêu lên một mẫu mực về vấn đề tận dụng thời cơ, cơ hội thuận lợi mà quá trình cách mạng đã tạo ra, đồng thời chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức, hạn chế tác động tiêu cực của nguy cơ. Giá trị lý luận và chính trị và thực tiễn đó được Đảng ta chú trọng vận dụng vào quá trình lãnh đạo cách mạng từ đó đến nay, nhất là trong sự nghiệp hội nhập toàn cầu, đổi mới của thời kỳ công nghiệp 4.0.
LÊ XUÂN