CẢ ĐỜI DÀNH TRỌN VẸN TÌNH YÊU CHO CÂY LÚA
(Giống lúa TPG1 hạt trung bình cho xuất khẩu, công trình đạt giải 3, Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ, lần thứ 11, năm 2021)
Trong mấy năm gần đầy nhu cầu gạo hạt trung bình bắt đầu gia tăng như thị trường của Mỹ, Singapore, Hongkong, Úc,.. Tập đoàn Sunrice cần giống loại này có phẩm chất ngon để xuất khẩu cho nhiều nước nêu trên. Do đó nhóm nghiên cứu nhận thấy, đa dạng nguồn gen là nhu cầu rất cấp thiết. Chọn tạo được giống lúa hạt trung bình, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại chính, thích nghi rộng, đáp ứng yêu cầu thị trường sẽ mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất và ngành kinh doanh lúa gạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các vùng lân cận.
Với mọi nổ lực của nhóm nghiên cứu, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn vật liệu và cả sự tâm huyết thì giống lúa hạt trung bình TPG1 ra đời.
Giống lúa TPG1 có ưu điểm là giống ngon cơm, dẻo có hàm lượng amylose thấp 16,7%, có TGST 115 ngày đối với lúa cấy, 112 ngày đối với lúa sạ, thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khỏe, bông chùm, năng suất khá cao nhất là trong vụ Đông Xuân biến động từ 6-7 tấn/ha. Đặc biệt ngoài đặc tính ngon cơm, tỷ lệ gạo nguyên khá, giống TPG1 có chất lượng ngon cơm nên có thể bổ sung vào cơ cấu giống chống chịu biến đổi khí hậu. Giống này có thể phù hợp ở nhiều vùng đất canh tác khác nhau đặc biệt là ở các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, và Trà Vinh biểu hiện năng suất rất cao.
Nhược điểm của giống này được đánh giá phản ứng nhạy với rầy nâu và đạo ôn trong điều kiện áp lực quá lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường trên đồng ruộng giống này chỉ biến động từ cấp 3-5. Do đó cần chú ý trong canh tác về điều kiện canh tác và bón phân hợp lý
Chính vì những đặc điểm ưu việt về phẩm chất, năng suất, cũng như tính chống chịu khô hạn của giống TPG1 này. Công ty Công nghệ Sinh Học PCR đã chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận được ký giữa Công ty với Tập đoàn Sun Rice và Công ty ARICAM .
Giống TPG1 hay rất nhiều giống lúa khác ra đời từ khi Viện nghiên cứu công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long được thành lập xuất phát từ tình yêu, sự nhiệt tình với cây lúa, với trách nhiệm chưa vơi của một nhà khoa học lớn cho cây lúa, cho nông dân và cho thế hệ trẻ vùng sông nước Cửu Long.
Tham gia hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 11, giống lúa TPG1 đạt giải 3, tuy nhiên Hội đồng khoa học đánh giá cao tính khoa học, tính nghiêm túc trong nghiên cứu, sự ra đời của giống TPG1 có hạt gạo trung bình, phẩm chất gạo ngon phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu ở các quốc gia khó tính, sẻ mở ra cơ hội cho người dân canh tác lúa một sự lựa chọn mới, hiểu quả kinh tế cao hơn.
HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC GIỐNG TPG1
Thời vụ gieo, cấy: Ở các tỉnh ĐBSCL, giống TPG1 là giống rất ngắn ngày có thể gieo trồng thích hợp trong cả vụ Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông. Thời gian gieo cấy có thể áp dụng theo khung thời vụ của từng địa phương.
Chuẩn bị hạt giống: Hạt giống phải là lúa giống cấp xác nhận, khô sạch, có tỷ lệ này mầm 85-90% trở lên. Ngâm hạt khoảng 24-36 giờ, có thể ngâm trong dung dịch axit loãng hoặc nước 3 sôi 2 lạnh, sau đó vớt ra rửa sạch, để ráo nước rồi đem ủ khoảng 24-36 giờ, khi thấy hạt vừa nhú mầm là được. Trước lúc gieo có thể xử lý hạt giống với một số loại thuốc trừ nấm hoặc thuốc trừ côn trùng có tác dụng phòng trừ một số loại dịch hại lúa sau này.
Mật độ và phương thức gieo cấy:
Sạ hàng: Lượng giống xác nhận gieo sạ hàng khoảng 80-100 kg/ha
Cấy: Lượng giống xác nhận đối với cấy khoảng 50kg/ha.
Phương thức cấy mật độ cấy 1 tép/bụi (với mật độ 30 bụi/m2) để hạn chế sâu bệnh và dễ kiểm tra khử lẫn.
Chuẩn bị đất và làm đất: Vụ Đông Xuân: Dọn sạch cỏ, trục đánh bùn và san bằng mặt ruộng bằng máy cày bánh lồng có trang kèm theo để san bằng mặt ruộng cho đều, chôn vùi cỏ dại và rơm rạ cũng như tránh mầm bệnh từ vụ trước lây lan cho vụ sau. Vụ Hè Thu: Cày đất bằng máy với độ sâu từ 15 – 20cm. Nếu có điều kiện nên phơi ải 1 tháng. Bừa kỹ và phải san phẳng để dễ điều tiết nước. Thiết kế ruộng đảm bảo có hệ thống thoát nước tốt và không bị đọng nước. Cần chuẩn bị đất cho tốt từ ngày trước để hôm sau gieo sạ.
Kỹ thuật bón phân: dựa vào nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa
Phân bón sử dụng: 80N-60P2O5-30K2O kg/ha trong vụ Hè Thu hoặc Thu Đông và 100N-40P2O5-30K2O kg/ha trong vụ Đông Xuân. Đối với chân đất tốt.
Ø Bón phân đợt 1: Các loại phân nên áp dụng là: urea, lân super, DAP (trường hợp không bón lót). Trường hợp có bón lót, thì sử dụng các loại phân hữu cơ như phân chuồng, phân super lân bón khi làm đất thời gian từ 7-10 ngày sau khi sạ. Phân bón: 1/4N-1/4P2O5 .
Ø Bón phân đợt 2: Thời gian từ 15-25 ngày sau khi sạ. Phân bón: 1/2N-1/2P2O5-1/2K2O
Ø Bón phân đợt 3: Thời gian từ 35-40 ngày sau khi sạ. Phân bón: 1/4N -1/2K2O
Đối với vùng đất khắc nghiệt như: phèn, mặn
Công thức phân có thể áp dụng: 90N-60P2O5-30K2O kg/ha trong vụD Đông Xuân và 80N-60P2O5-30K2O kg/ha cho vụ Hè Thu
Kiểm soát sâu bệnh, cỏ dại:
Cỏ dại có thể được phân loại dễ dàng qua hình dạng lá, đốt và gân lá. Phòng trừ cỏ bằng các loại thuốc hậu nẩy mầm trước lúa cấy, hoặc sử dụng các thuốc hậu nẩy mầm khi cỏ được 1-3 lá, kết hợp làm cỏ bằng tay. Có thế dung nước để khống chế trong giai đoạn đầu và tiến hành nhổ cỏ bằng tay nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc để khống chế cỏ dại
Giai đoạn sau cấy 7-10 ngày chú ý bọ trĩ (trường hợp không xử lý thuốc BVTV khi ngâm ủ).
Ngừa sâu cuốn lá giao đoạn lúa 35-40 ngày, giai đoạn này lúa làm đòng
Sâu đục thân: giai đoạn lúa làm đòng, trổ
Phun ngừa rầy nâu và bệnh đạo ôn giai đoạn trước trổ và sau khi trổ.
Cách sử dụng xem trên bao bì hướng dẫn, dùng hạn chế.
Các biện pháp chăm sóc lúa sạ:
Luôn đảm bảo mật độ cây lúa đồng đều đối với cấy hay sạ hàng. Điều tiết lượng nước trong ruộng. Rút cạn nước trước khi sạ và giữ khô mặt ruộng trong vòng 3-5 ngày thì bắt đầu cho nước vào ruộng từ từ và giữ mực nước liên tục 5 – 7 cm là tốt nhất. Nên thay nước trong ruộng lúa từ 2-3 lần, sau mỗi lần thay nước giữ cạn trong 2-3 ngày theo cách ướt khô xen kẽ tạo điều kiện co lúa đẻ nhánh mạnh, và tập trung, hệ thống rễ ăn sâu, bền lá. Khi lúa chín vàng 7-10 ngày trước khi thu hoạch rút cạn nước trong ruộng.
Thu hoạch và bảo quản:
Sau khi lúa trổ được từ 25-28 ngày thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch cần kiểm tra cụ thể trên đồng ruộng nhằm tiện việc phân lô bố trí lao động thời gian gặt, bố trí sân phơi, nhà kho để không ảnh hưởng chất lượng giống.
Giới thiệu về nhóm tác giả, GS.Ts Nguyễn Thị Lang, GS.Ts Bùi Chí Bửu hai vị Giáo sư cả đời dành trọn vẹn tình yêu cho cây lúa, vẫn tiếp tục công việc gắn bó với nông dân, ruộng đồng. “Tôi có mối quan hệ về khoa học rất nhiều, không phải ai một ngày một bữa là tiếp cận được ngay. Chính vì thế, tôi muốn nâng cao cho thế hệ trẻ không chỉ khoa học mà cả giao tiếp và các mối quan hệ mà tôi đã gầy dựng”.
Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, để thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, quan trọng là phải đeo đuổi sự nghiệp, phải liên tục mới thành công, nếu bỏ đầu này chạy đầu kia thì không bao giờ thành công; dù khó khăn cách mấy phải cố gắng đeo đuổi.
Tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL, đam mê đã ăn sâu trong máu, việc nghiên cứu không thấy mệt mỏi, mà còn lý thú hơn làm nghiên cứu như nhà văn phải đam mê và tùy hứng, khi ra nhiều sản phẩm, khi không ra được sản phẩm nào, vấn đề là quyết tâm theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên, đôi lúc làm nghiên cứu khoa học cũng phải “lì lợm” để bảo vệ quan điểm cá nhân, có cái riêng, cái mới của chính mình.
Chính vì sự kiên trì này các nhà khoa học đã chọn tạo được 43 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia; trên 90 giống triển vọng, ứng dụng vào sản xuất cho 13 tỉnh ĐBSCL, miền Trung và miền Bắc.
Lê Thị Thúy Kiều
Liên hiệp các Hội KH&KT TP Cần Thơ