Nhân ngày giỗ thứ 149 Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (21/ Giêng Nhâm Thân, 1872 – 21/ Giêng Tân Sửu, 2021)
BÙI HỮU NGHĨA – “RỒNG VÀNG” CỦA ĐẤT ĐỒNG NAI
Ai đã từng một lần về vùng sông nước Cửu Long đều khắc ghi câu ca :
Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.
Hay : Vĩnh Long có cặp rồng vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuấn Thần
Phan Tuấn Thần tức Phan Thanh Giản; Nghĩa thi chính là Bùi Hữu Nghĩa - con Rồng vàng của đất Đồng Nai, Vĩnh Long, rồng vàng trong lòng nhân dân Nam Bộ. Cho đến nay các ông Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn là những ai thì ít người biết và chưa xác định được quê quán, tài năng của họ ra sao. Còn Phan Thanh Giản, tài thơ, người đầu tiên đỗ Tiến sĩ ở Nam Bộ, có học vị cao nhất cũng phải xếp sau Bùi Hữu Nghĩa, đủ thấy danh hiệu Rồng vàng mà nhân dân phong tặng cho Cụ thật cao quý và xứng đáng.
Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
Bùi Hữu Nghĩa sinh năm Đinh Mão (1807) tại thôn Bình Thủy, huyện Vĩnh Định thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Đến triều Minh Mạng (1836) đổi là thôn Bình Thủy, tổng Định An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang, và hiện nay là phường Bình Thủy thuộc Thành phố Cần Thơ. Cụ sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới và tài thơ phú đã nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Cụ đỗ Thủ khoa kỳ thi Hương ở Gia Định tháng 2 năm Ất Mùi (1835) - năm Minh Mạng thứ XVI. Vì vậy nhân dân thường gọi Cụ một cách thân mật là Thủ Khoa Nghĩa. Hơn 24 năm làm quan, Cụ luôn nêu cao nghĩa khí, đứng về phía nhân dân chống lại bon quan lại tham nhũng, nêu cao tinh thần trọng nghĩa khinh tài, giữ vững sĩ khí đúng như một vế câu liễn ghi ở đền thờ Cụ: Cương dũng đả cường hào, sĩ khí thiên thu bất hủ.
Con đường làm quan của Cụ chính là để có điều kiện đem tài năng giúp dân, cứu nước.: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã/ Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng (thấy việc nghĩa mà không làm không phải là người dũng cảm, gặp người khác lâm nguy mà không cứu, không phải là người anh hùng). Cụ mất ngày 21 tháng Giêng năm Nhâm Thân (tức ngày 29/ 2/ 1872- năm nhuận tháng 2 có 29 ngày), thọ 65 tuổi. Hiện nay khu bia mộ nhà thơ nằm tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích văn hóa – lịch sử năm 1994.
Tượng thờ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
Thơ văn của Cụ Nghi Chi-Bùi Hữu Nghĩa để lại cho chúng ta ngày nay không nhiều lắm do khói lửa chiến tranh tàn phá. Nhiều bài, nhiều giai thoại còn tồn nghi. Ngoài số thơ văn và câu đối, Cụ còn có vở tuồng nổi tiếng Kim Thạch Kỳ Duyên, còn hai vở Tây Du và Mậu Tòng chưa sưu tầm được. Mỗi lời thơ, áng văn như thấm đượm nỗi thương ghét rạch ròi theo tuyên ngôn nghệ thuật mà Nguyễn Đình Chiểu- bạn Cụ, đã từng tuyên bố :
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Sĩ khí của Cụ giữa cơn nước lửa không hề vơi :
Xông cơn nước lửa dư trăm trận
Công nghiệp nay đà đáng mấy thoi (Đũa bếp).
Cụ vạch mặt bọn quan lại xu nịnh, độc ác, đục khoét của dân làng. Lòng dạ chúng như cây vông lộp xộp, nhưng chứa đầy gai góc :
Da thịt càng già càng lộp xộp
Ruột gan chẳng có, có gai chông (Cây vông).
Bọn chúng là loài cáo vườn hoang chỉ giỏi mượn oai hùm, tâm địa trâng tráo như Ái Châu trong Kim Thạch Kỳ Duyên toát lên cái vẻ bề ngoài lòe loẹt, đáng ghét :
Nhởn nhơ, áo áo, khăn khăn
Nha nhuốc, vòng vòng, chuỗi chuỗi.
Tên quan trùm thì nghe quan rụt cổ, thấy lệ lắc đầu. Tên quan huyện Lợi Đồ có chân tướng thảm hại như ruồi bu đuôi ngựa nhưng luôn mồm khoe mẽ, hoạch hoẹ :
Nghênh ngang đầu dọc trăm quan
Đỏng đảnh miệng khua chín bệ
Cụ xem bọn chúng như cây bần chẳng có sức chống đỡ nhà lớn mà lại vênh váo làm dáng, chẳng khác gì loài cò, loài khỉ :
Quyến luyến bầy cò bay sập sận
Chiêu qui bầy khỉ tới vần lân
Cụ cũng đã sát cánh cùng Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt tấn công tới tấp, vạch mặt tên phản nước Tôn Thọ Tường bằng những vần thơ đanh thép, rực lửa :
Hùm nương non rậm đang chờ thuở
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày.
Nhưng phải tới bài Ai xui Tây đến, chất thép trong thơ Bùi Hữu Nghĩa mới phát nổ như đại bác bắn vào thực dân Pháp và bọn tay sai:
Ai khiến thằng Tây tới vậy cà?
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba
Hẳn hòi ít mặt đền nợ nước
Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà.
Đá sắt ôm lòng cam với trẻ
Nước non có mắt thấy cho già
Nam Kỳ chi thiếu người trung nghĩa
Báo quốc cần vương dễ một ta?
(Đăng trên Mítsơlavê của Pétrutký – Sài Gòn 1889)
Bài thơ đã được dịch ra tiếng Pháp làm cho kẻ thù ăn không ngon ngủ không yên một thời.
Sau năm 1867, cả Nam Kỳ lục tỉnh rơi vào tay thực dân Pháp, cụ Phan Bội Châu, nhà chí sĩ yêu nước cũng phải than vãn :
Than ôi lục tỉnh Nam Kỳ
Ngàn năm cơ nghiệp còn gì nữa không ?
Nhưng người trung nghĩa ở Nam Kỳ không phải ít, mà sau này họ đã tập hợp lại thành phong trào tỵ địa rồi phong trào cần vương yêu nước. Cụ Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa đã tự hỏi mình mà cũng là kêu gọi những sĩ phu giàu lòng nghĩa khí:=
Nam Kỳ chi thiếu người trung nghĩa
Báo quốc cần vương dễ một ta?
Cụ vẫn hy vọng một ngày kia sẽ có một vị minh lương tập hợp phong trào, rửa nhục cho nước. Dù tuổi đã cao, Cụ vẫn dốc lòng báo quốc:
Hùm nương non rậm đang chờ thuở
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày.
Và tin tưởng mãnh liệt :
Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây
Đâu để giang sơn đến nỗi này? (Thời cuộc)
Ước mơ cháy bỏng tâm can của Cụ là nước nhà được độc lập, người dân được sống thanh bình :
Nước non ví mà như cũ được
Trong tuần say mãi sướng hơn không?
Bài Quá Hà Âm cảm tác là tiếng lòng của Cụ trước những đống xương vô định, những vũng máu bầm ứ, vẽ nên bức tranh ảm đạm, dật dờ có sức cảm thông lớn, sức tố cáo cao tội ác dã man do quan quân triều đình nhà Nguyễn gây ra (Thời Minh Mạng – Thiệu Trị) :
Mịt mù mây đen kéo tới sầm
Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm (*)
Đống xương vô định, sương phau trắng
Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm
Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy
Đèn trơi leo lét dặm u lâm
Nghĩ thương con tạo sao dời đổi
Dắng dỏi đêm trường tiếng dế ngâm.
Với bài thơ này, Cụ như một chứng nhân của lịch sử. Bài thơ là bức tranh tang thương, là bản cáo trạng quan quân triều Nguyễn, và cũng là nỗi lòng xót xa đau đớn của trái tim nhân đạo cao đẹp của Cụ.
Bùi Hữu Nghĩa không những là người chiến sĩ hết lòng vì dân vì nước, mà còn là một người chồng rất mực thủy chung, người cha thương yêu con vô hạn. Cụ có một quan niệm tiến bộ về đạo vợ chồng là phải cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, và gắn bó thuỷ chung:
Khi nghèo đồng chịu, giàu đồng hưởng
Kết tóc trăm năm mới đặng lòng.
Ở vở tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, Cụ đã ngợi ca Kim Ngọc, bộc lộ tình thương, lòng biết ơn đối với vợ là Vô Hà, đã chăm sóc mình lúc ốm đau và nuôi mình ăn học:
Thương những vợ phong tư, gặp lúc chồng tật bệnh / Hổ bấy mặt dày mày dạn, tiếc thay mình ngọc vóc ngà… / Hổ phận chồng khó nổi cầm lòng, thương thân vợ càng thêm hổ mặt / Chừng ấy dầu an vóc ngọc, ơn kia đáng đúc nhà vàng.
Hình bóng của Vô Hà và Kim Ngọc đã in đậm nét vào mối tình sâu nặng của Cụ với vợ là bà Nguyễn Thị Tồn qua đôi câu đối thờ vợ, vừa ca ngợi công đức của bà Tồn vừa xót xa ân hận với mình:
Tớ nghèo mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm đều khen mình đáng vợ. Mình đau tớ chẳng nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông cười phận tớ làm chồng. Ông còn có bài Văn tế vợ và bài Đề nhà mộ vợ lời lẽ chứa chan nỗi đau và tình đằm thắm thiết tha.
Mộ vợ chồng Bùi Hữu Nghĩa
Khi con gái mất, Cụ cũng có một bài văn tế thấm đẫm nước mắt và lòng tiếc thương:
Đường ra lối vào còn đó, con đi đâu cho cỏ mọc xanh / Thúng may rổ vá còn đây, con đi đâu cho mốc meo đóng trắng ?
Cụ Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa đã trở thành hào khí Đồng Nai, là Rồng vàng của đất Chín rồng, là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Tất cả nghị lực và tâm hồn của Cụ vằng vặc sáng ngời hai chữ Trung Nghĩa. Chính vì thế mà thơ văn của Bùi Hữu Nghĩa có sức sống lâu bền trong lòng người đọc nhiều thế hệ. Nhớ tới Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là nhớ tới Rồng vàng của đất Cửu Long, nhớ tới người chiến sĩ đi tiên phong trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp bằng ngòi bút và bằng hành động thiết thực. Chất thép và chất tình luôn thấm đẫm trên mỗi trang thơ, trang đời của Cụ.
Lê Xuân