ẤM ÁP TÌNH XUÂN
Truyện ngắn
Năm hết tết đến, vậy mà trên bàn làm việc của chủ tịch phường ngổn ngang những giấy tờ. Ông đọc lướt qua từng loại. Bất ngờ ông dán ánh mắt vào tờ đơn của bà Hai Ú thưa bà Năm Beo… Ông chăm chú đọc từng câu từng chữ. Những nếp nhăn trên trán ông nhíu lại rồi lại dãn ra theo từng nội dung trong tờ đơn. Đọc xong, vươn vai đứng dậy, ông đi vòng vòng trong phòng, tay vỗ vỗ lên trán, vẻ nghĩ ngợi đắn đo. Với ông, bà Năm Beo chẳng phải là người xa lạ. Gia đình thuộc diện hộ nghèo. Hằng ngày bà ngược xuôi đi bán vé số. Bà vốn trung thực, bỗ bã, ăn ngay nói thẳng. Từ trước giờ bà chưa làm điều gì mờ ám, khuất tất. Vậy mà có đơn thưa! Thiệt là…
Dù bộn bề công việc chuẩn bị đón tết mừng xuân, chủ tịch phường tự nhủ: Phải xử vụ thưa nầy trước tết. Kinh nghiệm đã mách ông “việc hôm nay không để ngày mai”. Ông nhấc máy, kêu nhân viên văn phòng đến. Ông bảo:
“Cô thảo ngay giấy mời: đúng 7 giờ, ngày… tháng… năm… Thành phần ... Nội dung giải quyết vụ thưa…”.
ảnh Viết Trương
* * *
Đúng bảy giờ sáng, tại hội trường phường, “phiên tòa” được bắt đầu. Ngồi bàn chủ tọa, đóng vai trò “thẩm phán” là ông chủ tịch phường. Phía dưới hội trường, thành phần tham dự theo giấy mời, gồm bà Hai Ú, bà Năm Beo cùng các tổ trưởng tổ dân phố, các khu vục trưởng, đại diện đông đủ các hội, ban, ngành, đoàn thể của phường. Và một số người dân tò mò cũng có mặt.
Bà Năm Beo đã ngoài bảy mươi tuổi, đầu bạc trắng. Bà có làn da nhăn nheo, đen đúa. Người ốm o, dáng lòng khòng. Bữa nay nét mặt bà khắc khổ sầu não, trông tội nghiệp làm sao! Gương mặt bà hiện rõ vẻ vừa mắc cỡ, vừa ân hận.
Chủ tịch phường từ tốn hỏi bà Năm Beo:
“Bà Hai Ú thưa bà đã lấy trộm hai ổ bánh bao trong quầy của bà ấy. Có đúng như vậy không?”.
Bà Năm hơi cúi mặt, miệng ấp úng:
“Đúng như vậy! Thưa chủ tịch. Quả thật, tôi đã lấy trộm hai ổ bánh bao của bà Hai Ú. Nhân đây tôi xin nói thiệt cái bụng mình. Lúc đó tôi định chôm của bà Hai Ú những bốn ổ bánh bao lận, chứ không phải chỉ hai ổ... Bởi nhà tôi có hai người lớn và hai đứa nhỏ, đều đang rất đói cái bụng. Nhưng không hiểu sao lúc ra tay, tôi chỉ lấy có hai ổ?”
Chủ tịch phường nghiêm giọng, nói:
“Bà lấy hai ổ thì chỉ tính hai ổ. Bà tập trung vào câu hỏi, không được trả lời tùm lum. Vì sao bà lấy trộm hai ổ bánh bao? Có phải bởi bà quen tay, hay vì lý do nào khác? Hay bà quá đói”.
Bà Năm Beo ngước cặp mắt già nua, mờ đục nhìn vị “thẩm phán”, giọng run run:
“Thưa chủ tịch! Đúng vậy, lúc đó tôi rất đói, đói run chân run tay, đói mờ cả đôi mắt. Nhưng nếu chỉ vì đói thôi, tôi đã không lấy hai ổ bánh bao. Còn quen tay ư! Không, tay tôi chỉ quen lao động, chỉ quen bán vé số, chứ không quen chôm chỉa của ai”.
Bà ngưng một lát, như để lấy lại hơi sức, giọng bà rưng rưng:
“Thưa chủ tịch. Bà con lối phố cũng có biết sơ qua hoàn cảnh tôi. Thằng con rể nhà tôi là lao động chánh nuôi sống cả nhà, bỗng dưng nó bỏ đi mất tăm mất tích hơn một năm nay, khi nó biết vợ nó mắc bệnh hiểm nghèo, nằm liệt giường liệt chiếu. Trưa hôm đó, tôi bị bọn ác nhơn giật mất tệp vé số trên tay. Lúc ấy, trong túi tôi không có lấy một cắc bạc. Quá trưa rồi…Tôi rất cần hai ổ bánh cho hai đứa cháu ngoại đang đói lả ở nhà. Tôi đành nhắm mắt làm liều”. Nói tới đây bà bật khóc rưng rức.
ảnh Viết Trương
Bà Năm nói xong, cả hội trường chìm trong im lặng, nghe rõ tiếng quạt trần trăn trở quay. Lúc sau, hội trường vang lên tiếng xì xào bàn tán: “Gia cảnh bà Năm khổ thiệt, vậy mà chúng ta không hay biết. Lỗi một phần cũng do tại…”. Có ai đó thì thầm: “Nước mắt cá sấu. Ăn cắp thì nhận ăn cắp đi cho rồi, còn lý do lý trấu…”. Chợt bà Hai Ú xin phát biểu:
“Thưa chủ tịch. Thiệt tình tôi không biết hoàn cảnh bà Năm cực khổ đến vậy. Nếu biết tôi đã không thưa. Bà Năm thông cảm cho tôi nghen. Thưa chủ tịch, tôi xin bãi lại…”.
Cả hội trường lặng phắc, hồi hộp đợi chờ. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía “thẩm phán”. Chủ tịch phường nhíu mày đăm chiêu suy nghĩ. Ông nhìn khắp lượt, rồi ánh mắt ông hướng về phía bà Năm. Giọng ông rành rẽ:
“Để giữ nghiêm các quy định và kỷ cương chung của phường ta. Kỷ cương và luật lệ luôn phải thực thi công bằng, không có ngoại lệ với bất kỳ hoàn cảnh, cá nhân nào. Theo khung hình phạt của phường, bà Năm bị phạt hành chánh năm trăm ngàn đồng, hoặc bốn ngày lao động công ích. Bà lựa mức hình phạt nào?”.
Trong sự bế tắc và buồn đau cùng cực, đắn đo giây lát, rồi bà hổn hển nói như muốn hụt hơi:
“Thưa chủ tịch. Tôi đồng ý chịu mọi hình phạt của phường. Nhưng… Thưa… Bữa đó, nếu như tôi có tiền… tôi đã không lấy trộm hai ổ bánh bao của bà Hai. Lúc nầy… trong túi tôi cũng hổng có một xu. Tôi lấy đâu ra… năm trăm ngàn để nộp phạt. Vậy tôi xin nhận… mức phạt bốn ngày lao động công ích. Nhưng mà…”.
Chủ tịch phường bỗng ngắt lời bà Năm: “Nhưng! Còn nhưng mà cái gì nữa”.
Bà Năm nói trong nước mắt: “Nhưng mà… còn đứa con gái liệt giường và hai đứa cháu bé bỏng, đói khát của tôi ở nhà… Ai sẽ là người chăm lo cho chúng?”. Nói xong, nước mắt bà rớt lã chã trên khuôn mặt nhăn nheo.
Chủ tịch phường nhìn bà Năm với ánh mắt đồng cảm. Ông khẽ mỉm cười, nét mặt ông tươi tắn. Rồi ông bất ngờ lấy trong ví của mình ra tờ bạc màu hồng, bỏ vô cái hộp cát tông ở trên bàn. Giọng ông đầy xúc động:
“Đây là hai trăm ngàn đồng, tôi giúp bà nộp phạt. Bà yên tâm ở nhà lo cho con gái và hai đứa cháu nghen! Từ nay có khó khăn gì, bà nói với tổ dân phố, với khu vực. Chánh quyền và bà con sẽ giúp. Chứ đừng làm chuyện khuất tất nữa nghen”.
Ngừng một lát, chủ tịch phường hướng cặp mắt về phía những người ngồi trong hội trường. Giọng ông day dứt, đầy tâm trạng. Ông nói với mọi người cũng là ông nói với chính ông:
“Các đồng chí và bà con thấy đấy. Hoàn cảnh bà Năm khổ như vậy, mà chúng ta không hề hay biết, hay cố tình không biết? Chúng ta thờ ơ, vô cảm đến vậy sao! Trách nhiệm của chúng ta với dân ở đâu? Để bà Năm phải đi lấy trộm hai ổ bánh về nuôi hai đứa cháu bị bỏ đói ở nhà. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, ngay tại hội trường nầy, tôi đề nghị mỗi người giúp bà Năm năm mươi ngàn đồng. Ai có hơn giúp hơn. Ai giúp, lên bỏ tiền vô cái hộp trên bàn nầy”.
Mọi người trong hội trường vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên về cáí kết của “vị thẩm phán không chuyên”. Cả hội trường lặng đi, chừng như nghe rõ nhịp trái tim đang thổn thức trong từng lồng ngực. Lát sau, tiếng ồn ào rộ lên. Mọi người trao đổi, cười nói xôn xao. Không ai bảo ai, họ lần lượt lên bàn bỏ vô hộp cát tông những tờ bạc ấm tình người.
Bà Năm Beo bần thần đứng đậy. Bà cám ơn ông chủ tịch, cám ơn mọi người. Những người tham dự ra về trong nắng vàng ấm áp, báo hiệu mùa xuân đang đến với mọi nhà, đến với gia đình bà Năm nghèo khó.
Phạm Văn Thúy
(Hội nhà văn TP. Cần Thơ)