NHÂN XUÂN KỈ HỢI 2019 NHỚ VỀ KỶ HỢI 1959 – MỘT NĂM CÓ NHIỀU SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Th.S Phạm Thị Huệ
Trường Cao đẳng Cần Thơ
Hội KHXH-NV TP.Cần Thơ
60 năm đã trôi qua kể từ năm Kỷ Hợi - 1959 - một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, tinh thần chiến đấu của nhân dân ta vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Năm Kỷ Hợi 2019, cũng là dịp mỗi người chúng ta được ôn lại những sự kiện quan trọng của nước nhà. Từ đó, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ niềm tự hào dân tộc được tạo bởi những mốc son lịch sử.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (tháng 7-1954), cách mạng Việt Nam có những thuận lợi mới nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Yêu cầu bức thiết đặt ra cho Đảng ta là phải hoạch định được đường lối cách mạng đúng đắn, vừa phù hợp với tình hình trong nước, vừa phù hợp xu thế của thời đại. Trong hai năm 1957-1958, Ðảng đã có những cuộc họp bàn về cách mạng Miền Nam nhưng chủ trương, biện pháp đấu tranh vẫn chưa thay đổi, phong trào cách mạng tiếp tục bị đàn áp và tổn thất nặng nề. Vì vậy, chiến sĩ Miền Nam yêu cầu phải nhanh chóng thay đổi hình thức đấu tranh, trên cơ sở xem xét thực tế tình hình, Bộ Chính trị đã cử ra một tổ tập trung nghiên cứu, đề xuất chủ trương, hình thức và phương pháp đấu tranh mới cho cách mạng Miền Nam để đưa phong trào cách mạng thoát khỏi tình thế hiểm nghèo, phát triển đi lên.
Chính vì vậy, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương đã triệu tập Hội nghị lần thứ 15 khoá II. Hội nghị họp nhiều đợt, ra Nghị quyết về nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam. Những nội dung cơ bản của Nghị quyết gồm:
Hội nghị xác định cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy có tính chất khác nhau, nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành.
Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là: "giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc vaà người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh"'.
Phương hướng phát triển của cách mạng miền Nam: "ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác", cho nên con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là "khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân... đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hơp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân"'.
Hội nghị dự kiến: "cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta".
Nghị quyết chỉ rõ ở miền Nam cần có Mặt trận dân tộc thống nhất riêng cho phù hợp với tính chất và nhiệm vụ của cách mạng.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 có ý nghĩa lịch sử to lớn, không những đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, mà còn thể hiện rõ bán lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trong những năm tháng khó khăn của cách mạng. Có thể nói, đến Hội nghị 15, đường lối cách mạng ở miền Nam đã được hoạch định một cách căn bản. Sau đó, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960), Đảng ta đã khẳng định những nội dung căn bản đó. Đại hội đã bổ sung và hoàn chỉnh đường lối chiến lược chung của cách mạng Việt Nam. Trong đó, Đại hội đã vạch ra nhiệm vụ chung, nhiệm vụ chiến lược, mục tiền chiến lược của cách mạng, đồng thời nêu bật mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền.
Theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó Viện trưởng Lịch sử Quân sự Việt Nam: “Nghị quyết 15 ra đời đã đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển đi lên của cách mạng Miền Nam là phải dùng bạo lực cách mạng, phải chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang, để đưa phong trào vượt thoát khỏi tình thế hiểm nghèo. Ðây là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến về tư tưởng chỉ đạo đấu tranh cách mạng ở cấp lãnh đạo cao nhất, sự chuyển hướng mạnh mẽ về hình thức và phương pháp đấu tranh”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh và đọc Lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5
Ngày 1/5/1959, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh và đọc Lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động.Người thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái chào mừng nhân dân lao động cả nước và thế giới.
Về tình hình trong nước, Người tố cáo chính quyền miền Nam theo lệnh đế quốc Mỹ đã phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, khủng bố cực kỳ dã man đồng bào miền Nam, và khẳng định: “Chính sách độc tài tàn bạo của Mỹ - Diệm nhất định không khuất phục được đồng bào miền Nam: đồng bào miền Nam càng đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu bền bỉ và kiên quyết”.
Tiếp đó, Người kêu gọi toàn dân Việt Nam thắt chặt hơn nữa tình hình đoàn kết nhất trí với các nước xã hội chủ nghĩa, phát triển hơn nữa tình hữu nghị với các nước Á - Phi và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; tăng cường đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất, ra sức thi đua yêu nước để hoàn thành Kế hoạch Nhà nước năm 1959.
Cùng ngày, bài viết Ngày 1-5-1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1873. Qua số liệu thống kê tình hình phát triển kinh tế giữa hai phe, tác giả kết luận:
“Phe đế quốc tư bản:
Tình hình u ám tiêu điều,
Càng nhiều mâu thuẫn, càng nhiều chông gai”.
Còn phe xã hội chủ nghĩa đang ngày càng lớn mạnh, sẽ đưa lại cho nhân dân ta một đời sống ngày càng vui tươi”... Do đó, “Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lênin, đoàn kết chặt chẽ với các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa thì công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ta nhất định thắng lợi, đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thành công.
Ngày 1 tháng 5 huy hoàng
Nhân dân lao động kết đoàn muôn năm”.
Tuyến đường vận tải chiến lược 559 (đường mòn Hồ Chí Minh) được thành lập
Để giữ vững liên lạc giữa hai miền, đảm bảo cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam. Lúc đó ta mới có một tuyến liên lạc ngang qua miền tây Quảng Trị do Liên khu 5 phụ trách, chỉ đạo. Có nhiệm vụ bảo đảm giao thông liên lạc, vận chuyển giữa Trung ương và địa phương như đưa đón cán bộ ra, vào, vận chuyển phương tiện vật liệu, thư từ, công văn từ Trung ương vào nam giới tuyến. Do phải đi dọc đường giáp ranh, quân địch đóng đồn bốt khá dày đặc nên một năm quân ta chỉ đi được một vài lần, mà chủ yếu là đưa cán bộ đi công tác. Mỗi lần đi phải bí mật, móc nối cơ sở rất công phu. Quân địch thường xuyên lùng sục, tung nhiều toán biệt kích trên tuyến đường. Trên trục đường này ta không có căn cứ vững chắc, quá gần địch vì vậy không thể đáp ứng yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.
Như đã nói trên, năm 1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: “Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng về nhiệm vụ chi viện miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Đầu tháng 5 năm 1959, những cán bộ đầu tiên được Bộ Quốc phòng điều về chuẩn bị mở đường Trường Sơn làm việc tại các số nhà 63 và 83 phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Đoàn mang tên “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”. Đoàn trưởng là Thượng tá Võ Bẩm. Đồng chí Võ Bẩm hoạt động cách mạng từ năm 1930, từng bị thực dân Pháp bắt tù đày ở các nhà giam Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Đồng chí rất thông thuộc địa hình Trường Sơn. Trung tá Nguyễn Thạnh là Chính ủy kiêm bí thư Ban Cán sự, đồng chí Nguyễn Thạnh một chiến sĩ du kích Ba Tơ, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1934.
Trong Ban Cán sự Đảng còn có đồng chí Nguyễn Chương, đồng chí đã gia nhập Vệ quốc đoàn từ năm 1945 tại Liên khu 5.
Sau khi đã chuẩn bị về tổ chức, ổn định về công việc. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh chính thức phổ biến nhiệm vụ của Đoàn công tác quân sự đặc biệt là mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam, thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự thiết yếu theo yêu cầu của chiến trường, trước mắt là Liên khu 5 khoảng : 7000 súng bộ binh và bảo đảm cho 500 cán bộ trung và sơ cấp hành quân qua tuyến vào tăng cường cho chiến trường miền Nam.
Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa, ngày Đoàn chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 69 của Bác Hồ, nên Đoàn đề nghị được lấy ngày 19 tháng 5 năm 1959 là ngày truyền thống của đoàn và Đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559, và như là một biện chứng con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá sau này cũng được chiến sĩ, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi là Đường Hồ Chí minh.
Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, làm cho con đường mang tên Bác là cầu nói không gì phá vỡ nổi giữa hậu phương với tiền tuyến lớn, hậu phương vững chắc của chiến trường miền Nam Đông Dương, căn cứ xuất phát tiến công của các binh đoàn chủ lực góp một phần rất quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đại tướng Văn Tiến Dũng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Quân đội Nhân dân 2005.
- Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam 1944 – 1975. NXB Quân đội Nhân dân 2005.
- Việt Nam những sự kiện lịch sử 1945 – 19754. NXB Giáo dục.
- Những con đường huyền thoại, Đường mòn Hồ Chí minh, Đường Hồ Chí minh trên biển. NXB Lao động.
- Hồ sơ Đường mòn Hồ Chí minh huyền thoại. NXB Lao động 2010.
- Hỏi đáp về Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. NXB Quân đội Nhân dân 2009.
- Đường Hồ Chí minh trong chiến tranh. NXB Chính trị Quốc gia 2007.
- http://baotanglichsu.vn
- http://www.nhandan.com.vn
- http://dangcongsan.vn
[1] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/3774902-.html