Vẻ đẹp của tập thơ “Nhớ bến sông quê”

             VẺ ĐẸP CỦA TẬP THƠ “NHỚ BẾN SÔNG QUÊ”

     (Đọc tập thơ “Nhớ bến sông quê” của Trương Viết Hùng- NXB HNV, 2017)

 

Ảnh: Nhà thơ Trương Viết Hùng

 

       “Thơ là nghệ thuật bậc nhất của trí tưởng tượng” (Sóng Hồng). Nhưng với anh Trương Viết Hùng, thì “Thơ là tiếng nói đồng chí, đồng ý, đồng tình” (Tố Hữu) trước con người và cuộc sống. Anh sáng tác thơ chỉ là để giãi bày tâm sự, ghi lại những kỷ niệm, khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời trong những lúc vui buồn. Anh đã xuất bản ba tập thơ (Tình thơ (2008), Miền lặng (2012), Khúc trầm (2014)… Và “Nhớ bến sông quê” (2017) là tập thơ thứ tư của anh trình làng. Một người bận rộn với bao công việc lãnh đạo của ngành Thuế, và khi đã nghỉ hưu rồi, giấc mộng văn chương vẫn luôn đeo bám anh. Nó là chất xúc tác giúp anh luôn lạc quan yêu đời, vượt lên những khó khăn của cuộc sống.

       Với hàng trăm bài thơ đã xuất bản, đủ cho người đọc thấy rõ hơn những rung động của con tim anh về quê hương, đất nước, gia đình, người thân, bè bạn, và cả những niềm vui, nỗi buồn trước cuộc đời. Ở bài viết nhỏ này tôi chỉ nhấn thêm về vẻ đẹp của tình anh đối với quê hương và cuộc đời, tiếp nối thông điệp của các tập thơ trước.

       Những bài thơ trong “Nhớ bến sông quê” của anh thường nghiêng về “hướng ngoại”- hướng tới những vấn đề của cộng động xã hội và trách nhiệm công dân với dân tộc và Tổ quốc. Vì thế nó thấm đượm tính nhân đạo, nhân văn. Qua mỗi vần thơ, anh âm thầm vẽ nên những bức tranh về con người, thiên nhiên muôn màu muôn vẻ, nơi anh đã đặt chân tới. Tình yêu quê hương đất nước trong thơ anh là một mảng đề tài chiếm số lượng lớn. Đó là hình bóng quê nhà có dòng sông và tiếng ru của mẹ, có hình bóng người con gái anh yêu.

       Tình yêu ấy luôn mang vẻ đẹp chân quê, thủy chung:

         Lá vàng rụng trước sân nhà

Nhớ về cái thuở đôi ta mặn nồng

         Cho dù cách núi ngăn sông

Tình trong lá thiếp vẫn không phai nhòa

                                                      (Chùm lục bát)

       Và những kỷ niệm đẹp nồng nàn, lãng mạn:

Vẫn dưới gốc me má kề bên má

Đã nhiều lần em bắt vạ tim tôi

Đã nhiều lần môi khăng khít bên môi

                                                 (Ký ức tuổi xuân)

       Yêu mặn nồng như thế: “Khi tôi đến với em/ Tự nhiên như làn gió/ Tôi thổ lộ cùng em/ Trái tim anh đã mở”. Nhưng cao đẹp hơn là anh biết gác lại những gì cá nhân để ra đi vì nước:

         Ra đi vì nước non nhà

Tình yêu gác lại, mẹ già nhớ thương

        Yêu nhau từ buổi cùng trường

Bàn tay chưa nắm, đời thường chia ly”

                                                    (Thủy chung, trong trắng)

       Năm 1974 anh khoác ba lô cùng đoàn quân đi B, tạm biệt quê hương, mẹ cha, bè bạn vào Nam công tác. Và từ đó bàn chân anh đặt lên nhiều vùng miền Tổ quốc. Tình cảm sâu nặng hơn cả anh dành cho đấng sinh thành. Hình ảnh cha già, mẹ yếu luôn hiện lên trong tâm tưởng:

                         Thương nhớ cha bao năm dài đằng đẵng

                         Chín khúc ruột tằm con nước mắt hàng đêm

                                                          (Nước mắt tháng ba)

       Lời ru của mẹ luôn là hành trang trên mỗi bước đường anh đi:

                               Lời ru từ mái tranh nghèo

                         Con ghi trong dạ mang theo suốt đời.

                                                           (Lời ru của mẹ)

       Hành trình suốt 28 năm đi tìm mộ anh trai ở chiến trường phía Nam với bao gian lao vất vả. Anh đã viết nhiều bài thơ về người anh ruột của mình. Và vui sướng đến nghẹn ngào khi tìm thấy mộ:

                           Hai mươi tám năm tâm huyết đi tìm

                           Nay đón anh về với quê cha đất mẹ

                           Hãy yên lòng nươi suối vàng anh nhé.

                                               (Chiếc kim vàng mò từ đáy biển)

       Tình cảm của anh dành cho những  anh hùng, liệt sĩ thật chân thành, xúc động. Đó là hình ảnh của những cô gái Ngã ba Đồng Lộc, đó là những chiến sĩ không quân đã hy sinh trong tai nạn máy bay Su30,  Casa 212. Hoặc những công nhân trong vụ sập hầm thủy điện ở “Sự cố Đạ Dâng”…

        Xen giữa những vần thơ mang âm hưởng sử thi, người đọc như được tắm mát bởi những vần thơ “tươi xanh” khi viết về vẻ đẹp của quê hương Ninh Bình – nơi vùng đất “địa linh nhân kiệt” và các vùng miền Tổ quốc, hoặc với nước bạn Cu Ba, và biết bao con người thân thương đầy cảm mến. Đó là hình ảnh đẹp của Hồ Gươm có cụ Rùa thiêng đã “ra đi”.  Đó là hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình quê nhà- nơi mà anh đã “Mang bao kỷ niệm những trang đầu đời”:

         Vườn quê thơm mát hương cau

Hàng trầu xanh thắm chờ nhau tháng ngày

        Xa quê lòng vẫn đắm say

Bao nhiêu hương sắc đong đầy tim ta

                              (Duyên nợ)

       Nếu có phép lạ cho anh một điều ước thì anh sẽ:

                                  Xin ông trời cho tôi một điều ước

                                Mẹ hãy sống đời cùng với cháu con

                                                               (Đôi mắt mẹ)

        Nhưng sẽ thiếu sót nếu ta không nói tới những băn khoăn, trăn trở lo lắng của Trương Viết Hùng về nhưng vấn đề xã hội nóng bỏng như nạn tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền với bao tiêu cực. Đồng tiền đã làm mờ mắt một số người tham lam, để rồi khi nhận ra thì đã muộn màng:

                                        Nó là tiền quỷ tiền ma

                                Là tiền bất chính sẽ ra nhiều đường

                                                              (Nhục vinh đồng tiền)

Hoặc:                             Cấp dưới cống nạp cấp trên

                              Chạy quyền chạy chức thăng lên bằng người

       Từ đó anh luôn dặn lòng mình, tránh xa mọi dục vọng để “tu thân”:

                                Đất nước hòa bình mải mê cống hiến

                                Chẳng riêng tư lợi ích vén thu

                                                                    (Thanh cao)

       Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng nói: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”. Anh càng ghét bọn tham quan tiêu cực bao nhiêu anh lại càng thương những mảnh đời nghèo khó, cơ nhỡ bấy nhiêu. Tấm lòng thơm thảo của anh mở rộng ra tới mái tranh nghèo vùng sâu vùng xa, nơi có những trẻ em thiếu ăn, thiếu mặc, ước mong cơ hội đổi đời, khi xem “Cặp lá yêu thương”:

  Chuyến đi san sẻ người nghèo

                          Lòng thành của ít mang theo nghĩa tình

  Cho em cơ hội hiển vinh

                         Cho em thoát khỏi đời mình tối tăm

                                                     (Cho em cơ hội đổi đời)

       Xem chương chương trình “Lục lạc vàng” trên VTV anh vui mừng cùng người nông dân được tặng bò giống để sinh lợi xóa đói giảm nghèo:

        Nhà Đài và quỹ hảo tâm

Tặng đôi bò giống vui trong mừng ngoài

       Từ nay cuộc sống đổi thay

Có được mái ấm hàng ngày no cơm

                                                   (Sáng  ngời Việt Nam)

       Tấm lòng lạc quan yêu đời của anh càng lấp lánh hơn khi viết về những vần thơ xuân và tết với loạt bài: Hoa xuân, Trăng, Vui tết Ất Mùi, Vui tết Bính Thân, Xuân ước vọng, Tết quê… ở đó tình quê tình người hòa quyện cùng cảnh sắc thiên nhiên muôn màu nghìn vẻ thật đáng yêu:

                              Ghe, thuyền đầy ắp hoa tươi

                         Khi mùa xuân đến đất trời nở hoa       

                                                     (Hoa xuân)

Xóm làng vang dội âm thanh, điệu múa:

                               Tùng tùng trống đánh vang vang

                        Rồng, lân ngũ sắc quanh làng múa vui

                                                    (Vui tết Ất Mùi)

       Gần 40 năm cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp anh vui vẻ về hưu với cuộc sống đời thường thanh thản, khi vui với tiếng đàn bầu, khi bầu rượu túi thơ với bằng hữu, thanh nhàn, thoát tuc:

      Thế là ta lại chân son

Sáng trà, trưa tửu, nước non bạn già

         Trở về ta tắm ao ta

Cơm nhà áo vợ, lánh xa cơm hàng.

                                                        (Về)

Anh giữ trọn lời thề với nước non, làng xóm gia, đình, bè bạn, để rồi:

                              Trở về đất mẹ quê cha

                         Cuối đời càng thấy thiết tha ân tình

                                                      (Bồi hồi)                                 

       Thơ Trương Viết Hùng như dòng chảy lúc ẩn, lúc hiện. Có khi như một tiếng gà gáy sáng, một ánh sao trời, một vành trăng khuyết, một bến nước, dòng sông, con đò. Người đọc còn được chiêm ngưỡng nhiều vẻ đẹp trong mỗi vần thơ anh, như một phiên chợ quê, một chiếc cầu mới, một đêm ba mươi Tết, một sáng xuân về… Giữa tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu con người hay tình yêu nam nữ, anh luôn thể hiện trách nhiệm công dân của mình bằng cái nhìn lạc quan, tin tưởng, thắm đượm tình nhân ái. Anh vui buồn, sung sướng hay tự hào cùng với cái chung của dân tộc, đất nước.          

      Thơ anh không lấp lánh câu chữ, cũng không tự đánh bóng cho bản thân, không tuyên ngôn ầm ĩ, mà thơ anh cứ âm thầm như nước suối trong nguồn chảy ra theo dòng cảm xúc chân tình. Anh viết ở nhiều loại thể, như 5 chữ; 7, 8 chữ; thơ tự do… Nhưng thành công hơn cả là những bài viết theo thể lục bát. Những câu chữ vừa dân dã vừa hiện đại, có sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ văn chương. Vì thế tính hiện thực, tính trí tuệ và trữ tình luôn quyện chặt trong mỗi hình tượng thơ, và đọng lại được trong trái tim người đọc.

         

                                                          LÊ XUÂN

                                   (Hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)